Đã là kịch thì thể loại nào xem ra cũng công phu, tốn kém. Nhưngbay bổng tuyệt vời, góp thêm vào diện mạo sang trọng, đẳng cấp của sân khấu thì chính là nhạc kịch, một xu thế đang được ưa chuộng gần đây.
Có nhiều cách định nghĩa hoặc nhận diện về nhạc kịch, ở đây tạm chỉ những vở kịch được thể hiện kèm âm nhạc và nhảy múa.
Những dấu son
Có thể nói, vở Tin ở hoa hồng của sân khấu IDECAF từ đầu thập niên 2000 đã mở màn cho thể loại nhạc kịch. Lúc đó, nghệ sĩ Thành Lộc còn rất trẻ và rất máu lửa, nồng nhiệt, say nghề, đã tìm ra lối đi thú vị cho IDECAF tuổi đời chập chững mới thành lập không lâu. Và anh cũng thử làm đạo diễn với tinh thần sáng tạo độc đáo.
Còn nhớ, anh mời nghệ sĩ Mỹ Duyên lúc đó mới đi học nước ngoài về, chuyên đóng phim chứ chưa hề đóng kịch. Nhưng Mỹ Duyên vốn là nghệ sĩ múa ballet rất giỏi, rất hợp vào vai nữ chính có ca hát nhảy múa duyên dáng, tinh tế. Thế là Mỹ Duyên dù thoại trong kịch còn yếu nhưng lại quá dễ thương, chiếm được cảm tình khán giả.
Vở “Ngàn năm tình sử” trên sân khấu IDECAF. Ảnh: H.K
Riêng những ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Đức Chung viết riêng cho kịch thì được in ra đĩa CD phát hành hoặc tặng khán giả, tạo nên một hiệu ứng kép giữa nhạc và kịch. IDECAF lúc đó bỗng sáng bật lên vì sự sang trọng, đẳng cấp này.
Sau đó thì IDECAF dựng thêm nhiều vở khác, cũng theo nhạc kịch, hoặc chí ít thì thay một số lời thoại nhân vật bằng nhạc, có thể coi như "kịch có nhạc", khiến cho vở diễn mềm mại hẳn đi. Chẳng hạn vở Hãy yêu nhau đi, Người lạ người thương rồi người dưng, Phép lạ, Thú yêu thương, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga… và mới đây là Dưới bóng giai nhân. Riêng nghệ sĩ Thành Lộc khi thành lập sân khấu mới Thiên Đăng đã dựng hàng loạt vở theo thể loại này như Giáng Hương, Những con ma nhà hát, Nội tình của ngoại tình, Lộ hàng…
Sân khấu Hồng Vân cũng có vở Bông cánh cò lấy nhạc đã sáng tác sẵn của nhạc sĩ Bắc Sơn xen vào những lời thoại và các tình tiết, như bài Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Bông bí vàng, Sa mưa giông, Bông bưởi hoa cau, Đêm nghe bài vọng cổ… có phần thuận lợi và dễ cảm hơn, vì hầu như khán giả thuộc lòng những bài này, họ vừa nghe đã thấm.
Sân khấu Buffalo tuy tồn tại chưa đầy 10 năm nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét về sự đam mê nhạc kịch của 2 ông bầu trẻ Hoàng Quân và Khắc Duy. Hai chàng trai trẻ măng vì mê nhạc kịch Broadway mà đã lao vào một thể loại mới và khó của thị trường sân khấu Việt Nam, lại chọn những kịch bản chưa chắc khán giả bình thường muốn đi xem. Chẳng hạn Chicago, High School, Vũ nữ… phải mua bản quyền của nước ngoài. Nhưng sau đó, họ đã ra mắt những kịch bản thuần Việt như Tuyết đỏ, Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Thủy Tinh - Đứa con 101… Một làn sóng tươi trẻ, sôi động tràn ngập sân khấu, bởi không chỉ ông bầu, đạo diễn đều trẻ, mà tất cả diễn viên cũng chọn những người rất trẻ, trừ nghệ sĩ Cát Tường đã nổi tiếng, còn lại hầu như tất cả đều mới toanh, chưa tên tuổi, họ đem bao nhiêu là mộc mạc, thanh xuân lên sàn diễn, bừng bừng sức sống.
![vu-nu-17393178899732025721103.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/11/vu-nu-17393178899732025721103.jpg)
Vở “Vũ nữ” trên sân khấu Buffalo. Ảnh: H.K
Dù họ chưa có nhiều kỹ thuật biểu diễn cứng cỏi như đàn anh đàn chị, nhưng bù lại họ có sức khỏe, chịu khó tập múa, nhảy, ca hát, và ngoại hình tuyệt đẹp, khán giả xem mà đầy cảm xúc. Ông bầu trẻ dù khó khăn cách mấy vẫn chịu chơi đầu tư trang phục cực kỳ đẹp và gợi cảm cho đúng tinh thần Broadway, còn vở thuần Việt thì vừa đẹp vừa sang, lung linh kết hợp truyền thống - hiện đại, chứ không chọn phong cách thuần xưa.
Vở Vũ nữ ra mắt tại sân khấu nhỏ 5B nhưng vẫn đem lại cảm giác hoành tráng nhờ những màn nhảy múa thật đẹp, và không ngờ trong sự sôi động ấy lại có những khoảng lặng khiến người xem rơi nước mắt. Một tình mẫu tử thiêng liêng, ấm áp chảy ngầm dưới sự lạnh lùng, xa cách, và thứ ngôn ngữ rất Tây của kịch bản nhưng không hiểu sao vẫn rất gần gũi chất phương Đông, chất Việt Nam, đủ làm người ta khóc. Nghệ sĩ Cát Tường có vai diễn cực hay là vai người mẹ, bên cạnh những gương mặt trẻ măng cùng trưởng thành bên chị.
Đến Tấm Cám lại là một kịch bản Việt Nam nhưng được diễn ra chất phương Tây, một cuộc hoán đổi ngoạn mục nhưng không hề xa lạ. Ấn tượng về một Tấm Cám không màu mè sặc sỡ, mà rất thanh nhã trong diễn xuất, trong trang phục, vẫn đậm lưu nơi ký ức người xem. Nói cho cùng, những phiên bản như vậy rất là "mạo hiểm" mà có lẽ chỉ có chất trẻ như Hoàng Quân - Khắc Duy mới dám lao vào.
Chỉ tiếc là Buffalo chưa có sân khấu của riêng mình, cứ thuê mướn chỗ này chỗ kia không ổn định, và đầu tư cao quá nên khó lấy lại vốn nên họ phải ngưng diễn. Tuy vậy, dư âm về Buffalo vẫn là cảm giác nể phục một lớp trẻ dám nghĩ dám làm, tuy có chút non nớt nhưng vẫn đem lại những dấu son cho sân khấu.
![noi-tinh-17393178899542126938769.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/11/noi-tinh-17393178899542126938769.jpg)
Vở “Nội tình của ngoại tình” trên sân khấu Thiên Đăng. Ảnh: H.K
Đa năng mới làm nổi
Thật sự, làm nhạc kịch công phu gấp mấy lần kịch bình thường, cho nên không phải ông bầu nào cũng dám đầu tư. Ngoài chuyện phải mời nhạc sĩ viết nhạc cho vở, còn phải thu âm, rồi thiết kế trang phục, cảnh trí cho phù hợp, để có cùng một style chỉn chu. Rồi phải có biên đạo múa tập cho diễn viên rất mất thời gian, công sức. Nhưng hễ ra mắt được thì rất xứng đáng, sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.
Riêng với nghệ sĩ, họ cũng rất thích diễn nhạc kịch. Nghệ sĩ Hương Giang từng đóng nhiều vở nhạc kịch, tâm sự: "Nghệ sĩ phải đa năng một chút mới diễn được thể loại này. Nào ca hát, nhảy múa, diễn xuất. Ai hát hay thì khỏi nói, còn ai hát khá khá thì cũng được, thu âm rồi chỉnh sửa thêm. Khi hát, nghệ sĩ chúng tôi diễn càng tốt hơn, phiêu hơn, bởi trong lời nhạc đã thể hiện tính cách, tâm lý nhân vật rõ ràng, đủ độ sâu, giúp mình nhiều lắm. Mình cảm thấy được cộng hưởng với âm nhạc, đẩy cảm xúc của mình lẫn khán giả lên cao".
Ông bầu Khắc Duy cũng từng tâm sự: "Chúng tôi đều là lính mới. Khi bắt đầu dựng vở Chicago chúng tôi mới kéo nhau tập múa, nhiều bạn khóc thét lên vì bị ép dẻo, bị bẻ chân, đau chịu không nổi. Tôi chia sẻ bằng cách cùng nhảy vô tập múa luôn với các bạn, dù vai của tôi không có múa. Tập hoài rồi cũng thành công. Mỗi vở mấy chục bài múa, phải thuộc và ôn lại hoài kẻo quên, vì đâu phải mình diễn liên tục được, cứ chạy tìm điểm diễn cách nhau một thời gian, dễ bị quên bài lắm. Chưa hết, phải hát sống (live) trong lúc múa và diễn nữa, đứa nào đứa nấy thở gần chết luôn, nhưng chúng tôi kiên quyết hát sống chứ không thu âm".
Một giai đoạn rất thanh xuân và chịu khó, đã làm nên những diễn viên nổi tiếng sau này như Khả Như, Diễm Phương...
NSƯT Thành Lộc: "Thích nhạc kịch từ hồi nhỏ"
* Xin anh cho biết tại sao anh chọn nhạc kịch ngay từ đầu thế kỷ 21, khi lúc ấy IDECAF còn quá mới mẻ?
- Tôi đã thích nhạc kịch từ hồi nhỏ, cứ mơ ước có một sân khấu để làm cho thỏa. Đến lúc đủ điều kiện thì làm thôi.
![thanh-loc-1739317890065458535172.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/11/thanh-loc-1739317890065458535172.jpg)
* Làm nhạc kịch ắt hẳn vất vả công phu hơn kịch nói bình thường? Nghệ sĩ phải cần điều kiện gì mới dám xông vào vậy anh?
- Đúng vậy. Điều đầu tiên là nghệ sĩ phải có kiến thức cơ bản về nhạc, biết đặc tính nhạc kịch, thì mới biết đưa nhạc vô lớp nào cho ngọt, không bị gượng ép. Phải biết những thủ thuật cơ bản chuyển từ nói sang hát, không bị chắp vá, chứ nếu không thì người diễn lẫn người nghe đều bị sốc.
Nguyên tắc tối thiểu: Nhạc phải vô từ lúc diễn viên còn đang thoại, để dẫn cảm xúc mà vô nhạc, mà hát. Và điều quan trọng nữa là phải tìm cho được kịch bản phù hợp làm nhạc kịch, chứ không phải kịch bản nào cũng được.
* Nhạc sĩ có phải đi theo đạo diễn để biết ý đồ đạo diễn là viết nhạc ở chỗ nào không anh?
- Có chứ. Theo sát nhau luôn để nắm rõ ý nhau. Có thể coi như 2 người là đồng sáng tác. Tuy nhiên, cũng có trường hợp như với Đức Trí trong vở Ngàn năm tình sử, Tiên Nga, Lộ hàng… thì chính nhạc sĩ đề xuất cho đạo diễn rất nhiều điều hay, nên đạo diễn phải tuân theo thôi. À, còn vai trò của biên đạo múa nữa, sẽ giúp vở bay bổng hơn.
* Xem ra lớp trẻ hiện nay thích nhạc kịch hoặc "kịch có nhạc" đúng không anh?
- Tôi nghĩ rằng thích hay không là tùy gu của mỗi người chứ không phải theo lứa tuổi. Ở nước ngoài khán giả của nhạc kịch có rất nhiều người thuộc trung niên.
* Xin cảm ơn anh!
(Còn tiếp)