Có lẽ sân khấu TP.HCM là mảnh đất đầu tiên đưa kịch hài trở thành tưng bừng, nhộn nhịp. Vùng đất phương Nam ấm áp, lạc quan đã sản sinh và phát triển thật nhiều tiếng cười, rồi tiếng cười ấy đã từ cuộc sống mà đi vào sân khấu một cách tự nhiên.

Kịch hài chiếm tỷ lệ khá cao trong kịch mục của các đơn vị, hầu như đơn vị nào cũng sản xuất kịch hài để giữ chân khán giả, đặc biệt vào dịp tết. Bà bầu An Thi của sân khấu Thế Giới Trẻ nói: "Dân Sài Gòn mua vé là cứ hỏi vở có vui không, có cười không. Chúng tôi chọn nhiều vở kịch hài để đáp ứng nhu cầu khán giả, nhưng cũng phải có nội dung tích cực đối với cuộc sống, chứ không thể cười vô ích. Cuộc sống có nhiều thói hư tật xấu cần phê phán, nhưng phê phán bằng tiếng cười châm biếm có lẽ là cách ý nhị nhất, người ta chịu nghe hơn là chỉ trích thẳng".

Còn ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng nói: "Vui vẻ là yếu tố giải trí đầu tiên, cho nên dù kịch nghiêm túc thì vẫn phải có những màn, những lớp hài chen vào, hoặc dựng một cách nhẹ nhàng chút xíu chứ đừng quá nặng nề".

Cười châm biếm có tính xây dựng

Nhiều sân khấu đã dùng kịch hài châm biếm để nói lên tiếng lòng của mình, của nghệ sĩ, tích cực đóng góp xây dựng cuộc đời mà vẫn làm người nghe dễ chịu. Nghĩa là, nghệ thuật chọn cách đi đường vòng, dùng tiếng cười hóa giải cái xấu, hướng tới "hiệu quả kép" để vừa thỏa mãn chức năng giải trí lẫn thỏa mãn chức năng giáo dục. Thật sự xem nhiều vở kịch hài của TP.HCM, ta không khỏi suy tư về những điều được đặt ra.

Vở "Công lý như mặt trời" của sân khấu 5B. ẢNH: H.K

Công lý như mặt trời (sân khấu 5B) làm khán giả cười đã đời nhưng rất thấm thía, rất đau bởi ý nghĩa ẩn phía sau. Vở lấy bối cảnh xưa, nhân vật xưa nhưng ngẫm lại sao giống chuyện thời nay. Ở đó có những đại gia, con ông cháu cha, lo lót thông đồng để chi phối công lý, có những quan lại háo sắc, tham lam, giả vờ đạo đức, ngay thẳng, mẫu mực nhưng lại tham nhũng, gian trá, lừa lọc, vô trách nhiệm. Có thể nói đây là một trong số hiếm hoi vở hài kịch nhưng mang tính chính luận dữ dội, mà lại dựng rất đa dạng về màu sắc, rất dễ xem, được khán giả vỗ tay liên tục.

Hé lô ông thần (sân khấu IDECAF) vui từ đầu đến cuối nhưng ngầm mang một triết lý về nhân sinh. Hai chàng thanh niên đều nhận được thông tin mình bị bệnh nan y, nhưng một người thì cống hiến đến giây phút cuối cùng, một người lại tận dụng cơ hội ăn chơi. Ông thần sẽ dành "phép lạ" để cứu sống ai? "Phép lạ" đã xảy ra thật, nhưng không phải bằng một quyền năng siêu hình nào đó, mà bởi những cố gắng tự thân của mỗi người. Khi con người biết sống đẹp, sống một cách giá trị trong từng khoảnh khắc, trân trọng từng phút giây quý giá hiện diện trên đời, thì đó chính là "phép lạ".

he-lo-ong-than-17388269542861889079084.jpg

Vở "Hé lô ông thần" của sân khấu IDECAF. ẢNH: H.K

Số đỏ (sân khấu Hồng Vân) xứng đáng là "đại diện" nặng ký cho thể loại này, bởi chuyển thể từ tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng vốn cũng rất xuất sắc về châm biếm. Số đỏ châm biếm rất cay một xã hội suy đồi với phong hóa lai căng, đạo đức xuống dốc, thượng lưu giả mạo, những con người chạy theo danh lợi, địa vị, hình thức bề ngoài hơn là giữ gìn tâm hồn trong sáng, chân thật. Người xem có khi giật mình thảng thốt vì thấy có bóng dáng mình hoặc người quen của mình trong vở. Nhưng rõ ràng đây vẫn là vở kịch rất vui đem lại nhiều tiếng cười thư giãn, nên bà bầu Hồng Vân đã cho tái dựng nhiều lần với nhiều ê-kíp khác nhau, khán giả vẫn mua vé kín rạp.

Lộ hàng (sân khấu Thiên Đăng) lật hết bề trái của thế giới showbiz với những trò lừa tình, lừa nhân phẩm, hát nhép mà thành "ngôi sao", fan cuồng … Nhưng suy rộng ra, cuộc đời cũng là một sân khấu lớn, ở đó có đủ các nhân vật như Lộ hàng. Và xem vở diễn, liệu chúng ta có cảnh giác, có rút được kinh nghiệm gì hay không?

Cười chuyện quanh ta, nhỏ mà không nhỏ

Phần lớn các vở kịch hài của sân khấu TP.HCM dành đất cho đề tài gia đình, tâm lý, tình yêu, những đề tài rất gần gũi con người, lấy tiếng cười giải tỏa căng thẳng nhưng đồng thời cũng mang lại hiệu tích cực cho nhân sinh. Đôi khi người ta thấy vở đề cập tới chuyện "nhỏ xíu" nhưng khi về nhà suy ngẫm lại mới thấy nó "lớn", bởi nó hiện diện hằng ngày trong cuộc sống, nhắc nhở người ta sống tốt hơn, tinh tế hơn, thú vị hơn.

me-chong-rac-roi-1738826954243195153857.jpg

Vở "Mẹ chồng rắc rối" của sân khấu Thế Giới Trẻ. ẢNH: H.K

Mẹ chồng rắc rối (Thế Giới Trẻ) là chuyện mẹ chồng nàng dâu muôn thuở khiến căn nhà cứ rần rần, ồn náo. Nhưng không ngờ, khi tên cướp xông vào khống chế, thì mới biết họ đoàn kết thế nào, thậm chí dám hy sinh cho nhau. Vở rất duyên, khán giả cười không ngớt mà cũng cảm động lạ lùng.

Lẹ lẹ trễ phà (sân khấu Trương Hùng Minh) có cả một thế giới bình dân ồn ào vui vẻ, lắm lúc cũng mâu thuẫn nọ kia, nhưng đó là những hình ảnh cuối cùng khi chiếc phà Mỹ Thuận chuẩn bị ngưng chạy nhường cho chiếc cầu bắc ngang hoành tráng. Bao nhiêu tình người đong đầy, lưu luyến, thật sự đậm chất miền Tây dễ thương.

le-le-tre-pha-1738826954223393919907.jpg

Vở "Lẹ lẹ trễ phà" của sân khấu Trương Hùng Minh. ẢNH: H.K

Oan tình ai thấu có lẽ là vở hài kịch hiếm hoi của sân khấu Hoàng Thái Thanh vì đơn vị này chuyên dựng bi kịch. Nhưng tính ra thì Oan tình ai thấu đáng được xem là đẳng cấp của làng hài. Không cần lạm dụng ngôn ngữ, hình thể trào lộng, mà đôi nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như vẫn gây được biết bao tiếng cười cho khán giả. Tiếng cười ý nhị, duyên dáng xuất phát từ lối diễn cực giỏi và chuẩn mực của nghệ sĩ. Trong vở có một ông và một bà bị phép mầu biến đổi thân xác với nhau, nhờ vậy người này mới thấu cảm được người kia khi đặt mình vào vị trí của nhau. Hình như đó là lời nhắc chúng ta, hãy đặt mình vào vị trí người khác để thấu hiểu, cảm thông, thì đời sẽ dễ chịu hơn.

Rồi Chồng nhái (sân khấu Quốc Thảo) làm khán giả cười về chuyện một bà mê làm hàng nhái, hàng giả để kiếm tiền, kiếm danh, đến mức ông chồng không chịu nổi phải bỏ đi. Khi đó, bà kiếm ngay ông chồng khác, cho phẫu thuật thẩm mỹ để làm "chồng nhái". Cuối cùng bà vẫn thất bại, và phải sống tử tế để cứu vãn hạnh phúc. Vở vừa hài vừa có màu sắc bí ẩn, khán giả cứ tò mò, hồi hộp.

"Phải hài từ tình huống…"

Để hiểu thêm quan điểm của người trong cuộc về hài kịch, TT&VH có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Đình Toàn của sân khấu IDECAF:

* Xin hỏi anh, có vẻ nghệ sĩ rất thích diễn kịch hài vì xem ra nhẹ nhàng hơn bi kịch?

- Thật sự diễn bi hay hài đều có cái khó riêng, không dễ mà lấy nước mắt hay tiếng cười của khán giả đâu. Và nghệ sĩ chúng tôi vẫn muốn làm nghề nghiêm túc, diễn vở khó để rèn nghề.

Nhưng sở dĩ chúng tôi chọn nhiều vở kịch hài vì khán giả khi mua vé thường yêu cầu có cười, có vui; họ đi làm việc đã quá nhiều áp lực, stress, nên nhu cầu muốn vui cười thư giãn là rất chính đáng. Vậy mình cũng phải thuận theo ý khán giả một chút. Thật ra diễn hài thì nghệ sĩ cũng đỡ mệt, không khóc lóc, không tâm lý nặng nề.

toanmfotor-17388278061922114839424.jpg

Nghệ sĩ Đình Toàn

* Nhưng liệu điều này có dẫn tới việc chạy theo chiều chuộng thị hiếu khán giả mà đánh mất mình không, theo anh?

- Đó chính là bản lĩnh của nghệ sĩ và của sân khấu. Hài cỡ nào để vui, ý nhị, ý nghĩa, vẫn giữ được cốt lõi của nghệ thuật thì mới đúng là điều khó làm, điều cần quan tâm. Đừng vì những tràng pháo tay của khán giả mà mình diễn xuất dễ dãi. Đôi khi cũng cần bản lĩnh ngăn bớt sự phấn khích mà chạy theo mảng miếng tầm thường.

Chúng tôi được đào tạo trong nhà trường và trên một sân khấu chính quy, nên phải có khả năng và nhận thức rõ ràng như vậy, chứ không thể cảm tính chạy theo tiếng cười mà đánh mất mình. Nói chung, mình phải biết mắc cỡ, biết chừng mực, tự trọng.

* Từ khi lên làm quản lý nghệ thuật cho sân khấu IDECAF, rõ ràng anh đã "cầm cương" chắc tay, khiến nhiều vở kịch hài nơi này luôn có chuẩn mực rõ ràng đúng không?

-Tôi cố gắng làm hết sức mình. Sau cuộc ra đi của các anh chị nghệ sĩ lớn, IDECAF còn lại hầu hết là người trẻ như chúng tôi, thì gánh nặng càng thêm nặng. Nhưng người trẻ lại có năng lượng mới, cố gắng xây dựng một sân khấu vững mạnh, sinh động, trong đó tôi chủ trương hài kịch là phải hài từ tình huống chứ không quá lạm dụng ngôn ngữ, hình thể. Hài tình huống rất khó, nhưng đã làm được thì vở sẽ sống lâu, sống khỏe, bất kể có thay vai ai đi nữa.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

(Còn tiếp)

Muôn mặt kịch nói TP.HCM (kỳ 1): Thể loại tâm lý xã hội, bi kịch ăn khách quanh năm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022