Có thể thấy thể loại bi kịch, kịch tâm lý xã hội luôn xuất hiện với tỷ lệ cao nhất, cũng như thường ăn khách nhất. Đa số các vở kịch đi vào những vấn đề thiết thực, gần gũi với nhân sinh, nói được tiếng lòng của khán giả.
Khán giả có thể gặp bóng dáng của mình, gia đình, bạn bè, người thân mình trong vở, hoặc bắt gặp những vấn đề mình ưu tư, trăn trở, cần một lời đáp, lời khuyên, hoặc bắt gặp những thông điệp bổ ích, thậm chí những thông điệp cảnh báo, từ đó người ta có thể suy ngẫm, áp dụng, ngăn ngừa tội lỗi… Cho nên, người ta say mê sân khấu kịch không chỉ vì tính giải trí, mà còn vì những chiều sâu ẩn giấu trong đó.
Điểm lại thế mạnh của các sân khấu
Mạnh nhất về bi kịch, tâm lý xã hội, có lẽ phải chọn sân khấu Hoàng Thái Thanh làm đại diện. "Ông bà bầu" NSƯT Thành Hội - Ái Như đã chọn con đường riêng cho mình là tập trung làm dạng kịch này, tất nhiên là cũng có xen vào một số vở thể loại khác, nhưng sau một thời gian thể nghiệm thì thấy khán giả vẫn mua vé nhiều nhất cho bi kịch, tâm lý xã hội, vì vậy họ tập trung vào thế mạnh này và tạo ra màu sắc riêng không lẫn vào ai. Các nghệ sĩ của Hoàng Thái Thanh hễ diễn là dứt khoát lấy nước mắt khán giả.
![ai-nhu-17387125525591745736188.jpeg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/372676912336973824/2025/2/4/ai-nhu-17387125525591745736188.jpeg)
Nghệ sĩ Ái Như
Đơn vị thứ 2 chính là Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B. Màu sắc các vở ít nặng nề tâm lý, có nét hiện đại hơn, đi thẳng vào sự căng thẳng xã hội. Giám đốc nhà hát NSND Mỹ Uyên giữ vững phong cách của 5B với các vở mang tính chính luận hoặc gai góc một chút, thể nghiệm một chút. Đây là nhà hát do Hội Sân khấu TP.HCM làm chủ quản, nên nói gì thì nói vẫn phải xứng tầm nghệ thuật.
Sân khấu IDECAF cũng sản xuất rất nhiều bi kịch và tâm lý xã hội, nhưng thường mang màu sắc tươi trẻ, sinh động, nhưng cách đặt vấn đề cũng không kém gai góc, cũng có thể lấy nước mắt khán giả chen lẫn với những tiếng cười dí dỏm.
Sân khấu Hồng Vân cũng có thế mạnh về loại kịch này, với rất nhiều chủ đề phong phú, nhưng tựu trung vẫn ngọt ngào, sâu thẳm, xót xa, cay đắng, băn khoăn, trìu mến… rất phù hợp với tâm tính khán giả khu vực phía Nam.
![ma-oi-1738712552542816566272.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/4/ma-oi-1738712552542816566272.jpg)
Vở “Má ơi! Út dìa” trên sân khấu IDECAF. Ảnh: H.K
Sân khấu Thế Giới Trẻ chuyên dựng các vở đề tài hiện đại, trẻ trung, nhưng vẫn không thiếu những vở bi kịch điểm xuyết vào khiến kịch mục cung cấp đủ cho khán giả các lứa tuổi, các tầng lớp. Cách dựng bi kịch ở đây cũng chân phương và ngọt ngào, đôi khi cũng khá kịch tính, khiến người xem khóc như mưa.
Các sân khấu khác như Hồng Trang, Quốc Thảo, Trương Hùng Minh, Trịnh Kim Chi… cũng ưu tiên chọn thể loại kịch này vì dễ ăn khách và các diễn viên trẻ dễ thi thố sức diễn hơn các thể loại khác, chẳng hạn nhạc kịch, kịch lịch sử…
Những vở tiêu biểu gần đây
Hàng loạt vở của Hoàng Thái Thanh gây ấn tượng rất sâu đậm như: Cơn mê cuối cùng, Nửa đời hương phấn, Lạc dòng, Mơ trăng bóng nước, Mùi của hạnh phúc, Nửa đời ngơ ngác, Ơi cải về đâu, Sài Gòn có một ngã tư, Bàn tay của trời…
Ví dụ bi kịch Bàn tay của trời mang tính triết lý sâu sắc, một câu chuyện giáo dục đáng suy gẫm. Chẳng những lên án các thói tật của xã hội với những chuyện mua bằng cấp, hối lộ thi cử, mua quan bán tước, học sinh quậy phá, bạo lực học đường…, vở diễn còn nhắc nhở rằng con người chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường sống và luật nhân quả. Tướng cướp Tư Chớp muốn thế hệ con mình đổi đời nên đã tráo con với thầy đồ, hy vọng con sẽ thành nhân chi mỹ. Quả đúng là đứa nhỏ lớn lên trở thành người tốt, học giỏi, nhưng cuối cùng vẫn bị hại bởi chính nhân quả người cha đã gieo.
![ban-tay-17387125525521711034330.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/4/ban-tay-17387125525521711034330.jpg)
Vở “Bàn tay của trời” trên sân khấu Hoàng Thái thanh. Ảnh: H.K
Sân khấu 5B có vở Tiền là số 1 cực kỳ dễ thương, với đôi vợ chồng nghèo từ quê lên thành phố mưu sinh, rồi trúng số, giàu có, lao vào những tham vọng, mưu mô, gia đình tan vỡ… May thay đó chỉ là "giấc mộng kê vàng", để họ tỉnh dậy sống an vui với hoàn cảnh của mình. Ranh giới giữa giàu - nghèo, hạnh phúc - bất hạnh không biết đâu mà lường, tất nhiên sống là phải phấn đấu và mơ ước, nhưng trước tiên cứ nắm bắt những gì trong tầm tay hơn là nghĩ ngợi viễn vông, và luôn cảnh giác với bản thân rằng khi mình giàu lên chưa chắc mình còn giữ được những phẩm chất đáng quý.
Ngoài ra, 5B còn có Bến lửa lòng, Những giấc mơ lóng lánh, Diều ơi, Tình lá diêu bông… đều lấy nước mắt khán giả.
Sân khấu IDECAF có Má ơi! Út dìa, Phép lạ, Hãy yêu nhau đi, Tấm Cám đại chiến… đều mang thông điệp sâu sắc.
Má ơi! Út dìa là bức tranh cuộc đời với những bất ổn cho lớp trẻ, nhiều cám dỗ chết người như ma túy chẳng hạn, nhưng cuối cùng người trẻ vẫn có thể tìm về với tình mẹ bao dung, chở che, vực dậy, để thêm trân trọng gia đình.
![tien-la-1738712552496134708107.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/4/tien-la-1738712552496134708107.jpg)
Vở “Tiền là số 1” trên sân khấu 5B. Ảnh: H.K
Tấm Cám đại chiến lại là bức tranh khác được lẩy từ truyện cổ tích để tìm ra ý nghĩa vô cùng hiện đại và tích cực, rằng hãy sống như cô Tấm trong vở, đấu tranh tới giây phút cuối cùng chứ không xuôi tay cho định mệnh. Đành rằng Tấm bị "quy định" là phải chết dưới tay mẹ ghẻ và Cám, nhưng trước khi chết vẫn chứng minh nghị lực của mình. Thú vị vô cùng.
Sân khấu Thế Giới Trẻ có Ngược gió, Đời như ý, Bao giờ mẹ lấy chồng, Mẹ chồng rắc rối… rất cảm động và duyên dáng. Duyên vì được dựng và diễn rất chuẩn mực lẫn bi hài đan xen, và cảm động bởi chạm vào trái tim người ta với sự chân thật, ngọt ngào.
Bao giờ mẹ lấy chồng kể chuyện "phi công lái máy bay bà già" từ sự thách đố ác ý không ngờ chuyển sang sự cảm phục, nể nang, trìu mến, cho nên mối tình so le ấy lại hóa ra thực và dễ thương làm sao.
Ngược gió lại là câu chuyện miền Tây sông nước mênh mông khiến người ta ôm những mối tình đơn phương, vừa trượng nghĩa vừa xót xa và quá đẹp, khán giả cứ xao xuyến dù bức màn nhung đã khép, dư âm theo vào tận giấc mơ…
![bong-canh-co-1738712552420366371608.jpg](https://thethaovanhoa.mediacdn.vn/thumb_w/1000/372676912336973824/2025/2/4/bong-canh-co-1738712552420366371608.jpg)
Vở “Bông cánh cò” trên sân khấu Hồng Vân. Ảnh: H.K
Sân khấu Hồng Vân có Bông cánh cò làm đại diện tuyệt đẹp cho tình yêu và tình người của miền Tây Nam bộ. Người ta chung thủy, bao dung, trọn vẹn cả lý lẫn tình, cho nên sự cách trở bỗng trở thành một phép thử nhân cách mà thôi. Có phép thử mới nhận ra đáp án thế nào, càng thêm yêu và nể những trái tim thuần hậu.
Mẹ và người tình lại là một phép thử khác, để biết những đứa con có thật sự hiếu thảo hay không đối với người mẹ đã hy sinh cả thanh xuân nuôi chúng khôn lớn. Bao nhiêu tâm cơ bị lật ra, nhiều khán giả có thể "nhột" vì thấy phảng phất bóng dáng mình trong đó.
Sân khấu Quốc Thảo rất duyên dáng khi dựng Yêu ông thầy, kể chuyện người giáo viên khi tình nguyện về vùng sâu dạy học đã đón nhận tình cảm nồng ấm của người dân ra sao. Vở nhẹ nhàng mà cảm động, không hề lên gân nhưng hiệu quả rất cao, khiến người ta trân trọng những tấm gương của ngành giáo dục.
Nắng chiều thì làm khán giả khóc như mưa khi đề cập chữ hiếu thời hiện đại, lớp trẻ thường ỷ lại, xem cha mẹ mình như những ô sin không lương, mà quên đi sức khỏe, tâm tình của cha mẹ.
Nghệ sĩ Ái Như: "nghệ thuật không chỉ mua vui"
* Xin hỏi chị, tại sao chị lại chọn bi kịch là chủ đạo cho sân khấu của mình?
- Vì tôi thấy mình và các bạn phù hợp với thể loại này hơn hết. Cái gì làm hiệu quả nhất thì chọn thôi.
* Chị có ngại người ta nói sân khấu Hoàng Thái Thanh quá kịch tính, bi ai hay không? Vì chuyên lấy nước mắt người xem…
- Kịch tính, lấy nước mắt thì có sao? Cũng cần mà, bởi nó xoa dịu tâm hồn nhiều lắm. Kịch tính, lấy nước mắt bao gồm tất cả trạng thái tâm hồn, đủ hỷ nộ ái ố, nơi con người cần được yêu thương, chăm sóc. Nước mắt còn chảy được là may, vì người ta chưa vô cảm. Nước mắt gột rửa nỗi đau, tác dụng tích cực chứ không hề tiêu cực.
Tôi còn nghĩ, nghệ thuật không chỉ mua vui, mà còn là tấm gương để người ta soi vào, ngẫm nghĩ, chọn chân thiện mỹ mà theo. Để đi tới hạnh phúc có rất nhiều con đường, chọn con đường nào đó là quyền của mọi người, nhưng nghệ thuật sẽ gợi mở những điều tốt đẹp, hy vọng giúp ích cho người ta. Nghệ sĩ đừng quên trách nhiệm đó, chứ đâu chỉ là kiếm tiền.
(Còn tiếp)