Cơ duyên cho tôi gặp chị Nguyễn Thị Thiện tại nhiều sự kiện văn học. Từ "cái buổi ban đầu" tại Hội thảo khoa học Thơ Đường luật thời Lý (2015) tại thành phố Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), chị em tôi có nhiều dịp giao lưu, trao đổi về văn chương. Sau 8 cuốn sách bình thơ, tác giả Nguyễn Thị Thiện tiếp tục công bố cuốn Hái dọc đường văn (Tiểu luận và Phê bình, tập 2).

1. Trưởng thành từ giáo viên dạy văn Trung học phổ thông, chị cũng như tôi duyên văn cứ bám bện không rời. Chúng tôi cùng được đào luyện từ "lò" Văn khoa Sư phạm; cùng là học trò của những người thầy giỏi, tâm huyết như: GS Nguyễn Khắc Phi, GS Nguyễn Đình Chú... Sau khi về hưu, buông công việc quản lý bận rộn, chị lại trở về đắm mình với văn chương như "lá số" cuộc đời đã được "lập trình".

Với sự suy nghĩ, nghiền ngẫm tâm huyết của nhà viết phê bình, ở mỗi cuốn sách chị đều cố gắng tìm tòi, chắt lọc, tổng kết những giá trị tinh hoa nhất và cũng không ngại chỉ ra điều những "đáng tiếc" (nếu có). Hái dọc đường văn cũng vậy.

Trong bài Chất hùng ca trong Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn, tác giả cho rằng "nhà văn đã xây dựng thành công những nhân vật đại diện cho tập thể tiểu đoàn tăng 195... Ngoài trần thuật và miêu tả, tiểu thuyết muốn hấp dẫn người đọc phải có những cao trào. Lính tăng có nhiều cao trào. Chương mở đầu là một cao trào, kịch tính ngay trong cảm xúc, tâm trạng người lính khi cho và nhận mà ý chí vẫn Khắc đi, khắc đến...". Bài viết có tính chất tổng kết: "Lính tăng hoàn toàn xứng đáng là áng sử thi, bản anh hùng ca về đề tài chiến tranh cách mạng làm sáng thêm phẩm cách cao đẹp của người lính…".

“Hái dọc đường văn” của Nguyễn Thị Thiện

Trong bài Cảm nhận về "Họa mi hót trong thơ" của Lê Hồng Thiện, tác giả cho rằng, lợi thế của Lê Hồng Thiện vốn là người làm thơ có nghề, nên nhà thơ "sớm biết lựa chọn được nhiều bài thơ hay, lời bình ở một số bài, một số đoạn có sự thấu cảm, tri âm sâu sắc với các tác giả". Và "nói có sách, mách có chứng", tác giả chỉ dẫn ở từng trang sách đầy sức thuyết phục. Từ đó, đánh giá qua Họa mi hót trong thơ, Lê Hồng Thiện tỏa sáng ở lĩnh vực Lý luận phê bình này sẽ "mở đường cho ông những gặt hái nhiều thành công tiếp theo".

Đọc tiểu thuyết "Dạ khúc" của Thu Lâm, tác giả khai thác sự cộng hưởng giữa âm nhạc và tình người để viết Sức mạnh của âm nhạc và tình người qua tiểu thuyết của Thu Lâm. Theo chị, tác giả "Dạ khúc" có lối kể chuyện hấp dẫn, giọng văn nữ tính, truyền cảm đã truyền tải nội dung sâu sắc, giàu chất nhân văn là thông điệp cơ bản gửi tới bạn đọc "Chỉ có tình yêu thương con người, cốt yếu là tình cảm gia đình, tình yêu kết hợp với âm nhạc mới có sức mạnh diệu kỳ đánh thức nội tâm bí ẩn sâu xa trong mỗi người...".

Trong bài Đôi nét về mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính và Nguyễn Việt Chiến, tác giả chớp được thần thái thơ, phong cách sáng tác của hai nhà thơ mà sự nghiệp sáng tác cách nhau tới nửa thế kỷ vừa có nét tương đồng vừa có sự khác biệt. Tác giả đặt trong trường đối sánh để phân tích thơ xuân: Nếu Thơ xuân Nguyễn Bính căng tràn sức sống, gắn với nhiều phong tục cổ truyền ở làng quê, thì Nguyễn Việt Chiến xuân ở nơi phố thị. Nguyễn Bính dùng thể thơ thất ngôn, còn Nguyễn Việt Chiến dùng thể thơ ngũ ngôn...

Trong bài Đọc sách "Đường lối văn hóa,văn nghệ của Đảng; lý luận, thực tiễn nghệ thuật" của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện, tác giả bám theo kết cấu của chuyên khảo để phân tích hai phần chính: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam - sự nhất quán và phát triển; Tiểu luận & Phê bình (tập hợp những bài tham luận). Chị đã đưa ra ý kiến: "Hai phần của cuốn sách tuy trình bày độc lập nhưng có sự nhất quán, không hề tách rời nhau; trái lại, giữa chúng có mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, làm rõ về nhau và cùng làm sáng tỏ đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng". Điều cần ghi nhận ở cuốn sách của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện là "bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu phê bình văn học"; đã "thể hiện quan điểm, ý kiến mới mẻ, chặt chẽ, sắc sảo của của một cây bút già dặn kinh nghiệm". Văn là người, chị nhận thấy ở tác giả cuốn sách là thái độ khiêm cung, tôn trọng độc giả, đề cao tranh luận...

2. Không chỉ giới thiệu các cuốn sách về văn học, chị còn "lấn sân" sang các loại hình nghệ thuật viết: Thao thức khúc tráng ca Bình minh đỏ - kịch hát của Nguyễn Sĩ Đại; phim "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành; Đóng góp mới của bộ phim Hồng Hà nữ sĩ của Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Trong "Đóng góp mới của phim Hồng Hà nữ sĩ của Nguyễn Thị Hồng Ngát", tác giả đã phân tích phim theo các luận điểm khoa học. Trước hết nhìn từ xã hội lịch sử Việt Nam giai đoạn đương thời thế kỷ XVIII đầy bất công để từ đó tác giả dẫn dắt đến nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705 - 1749) và một số nhân vật khác. Cùng với chân dung Hồng Hà nữ sĩ đã được khắc họa sinh động, phim đã lý giải thuyết phục sự chuyển ngữ sang chữ Nôm đầy sáng tạo từ "Chinh phụ ngâm khúc" chữ Hán của Đặng Trần Côn. Dù không nhiều kịch tính và những tình huống căng thẳng, nhưng phim Hồng Hà nữ sĩ luôn tạo nên sức hấp dẫn riêng...

Ngoài tiêu đề bài, tác giả Nguyễn Thị Thiện luôn ý thức đặt các đề mục đậm chất văn. Chị thường dẫn những câu thơ tinh tế của tác giả. Với "Một số gương mặt nhà giáo, nhà thơ nữ tài hoa", chị có duyên đặt các đề mục khá hấp dẫn: "Nhớ thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm" (nhà thơ Phi Tuyết Ba); Trái tim đàn bà thông minh và tinh tế" (nhà thơ Đỗ Bạch Mai); "Mơ ước ngày xưa thơm mát trong lành" (nhà thơ Nguyễn Thị Mai)... Có trường hợp chị chọn bình những bài thơ cùng nhan đề của nhiều tác giả để bình, tìm ra nét chung/riêng. 

tacgia1-17214334326732139789914.jpg

(Từ trái qua) Nhà giáo Nguyễn Thị Thiện, GS Nguyễn Khắc Phi, GS Nguyễn Đình Chú và tác giả bài viết

Chọn các bài thơ cùng nhan đề "Về quê" của nhiều nhà thơ để nêu những cảm xúc chung và riêng của mỗi nhà thơ thể hiện qua các bài thơ đó. Vừa nêu cảm nhận của riêng mình, chị đã lý giải những yếu tố địa văn hóa chi phối mạch cảm hứng của mỗi nhà thơ và chính điều đó làm nên nét riêng độc đáo. Cùng nhan đề "Mẹ", chị bình luận "Tuy chủ đề giống nhau, đối tượng hướng tới giống nhau, cảm xúc về mẹ cơ bản tương đồng nhưng các sắc thái biểu hiện về mỗi người mẹ, cách thức ngợi ca tri ân mẹ ở mỗi tác giả lại khác nhau". Cùng chủ đề "Cha tôi", chị cho rằng ngoài nét chung giàu tình yêu, nghị lực, phẩm cách thanh cao, trung thực, sống có trách nhiệm cao với quê hương đất nước, tấm gương sáng để con cháu noi theo... thì ở mỗi bài thơ còn thể hiện nét riêng độc đáo. Những câu thơ về cha thực sự ấn tượng: "Cha một mình trong cơn gió ngược"(Lê Thành Nghị); "Đói no thơm sạch tấm lòng thẳng ngay" (Tân Quảng)...

3. Là người phê bình, tác giả Nguyễn Thị Thiện luôn thể hiện sự công tâm trong đánh giá, bình xét. Bên cạnh thành công, tác cũng chỉ ra "điều đáng tiếc" ở một số tác phẩm cùng mong muốn của mình.

Trong "Lính tăng" của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, chị chân thành chỉ ra "Tuy"Lính tăng" đã có quy mô tương đối lớn nhưng rất tiếc vì đôi đoạn có phần tham về thông tin, số liệu. Mặt khác có nhân vật xuất hiện với những chi tiết hấp dẫn như phục bút từ trước... Với phim "Nhà bà Nữ", tác giả góp ý một số điểm cho các nhà làm phim quan tâm...

Ở vai trò người bình thơ, chị trở thành cầu nối giữa thi phẩm với người đọc, đồng hành cùng bạn đọc. Chị hiểu đặc điểm của"Thơ chính là tiếng lòng của thi nhân. Cần mẫn, tâm huyết của người có "Mắt xanh" bình thơ của các tác giả khác, đồng thời chị cũng trở thành đối tượng cho nhiều nhà nghiên cứu viết về các cuốn sách của mình.

Tôi xin mượn lời "Tự bạch" của chị vừa kết thúc bài, vừa chúc mừng tập thơ thứ 12 của người mải miết "Hái dọc đường văn" :

Ba tư năm quá vạn ngày

Chở bao nhiêu chuyến đò đầy sang sông

Viết bao viên phấn đã mòn

Nay trang giáo án vẫn còn ngẩn ngơ.

Vài nét về "Hái dọc đường văn"

Hái dọc đường văn (Tiểu luận và Phê bình, tập 2) dày 338 trang, khổ 14,5 x 20,5, bố cục gồm 3 phần: Giới thiệu tác phẩm; Bài viết tổng hợp; Tác phẩm và dư luận.

Trong Phần I, tác giả có 14 bài viết giới thiệu những cuốn sách của các nhà văn, nhà nghiên cứu. Cách chị đặt nhan đề các bài viết khá hấp dẫn, có tính định dẫn khái quát như: Chất hùng ca trong Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn; Cảm nhận về Họa mi hót trong thơ của Lê Hồng Thiện; Cảm ơn Người, sông Mekong" cuốn sách để đời của Lê Tuấn Lộc; Cây trăng, khúc ca đẹp của nhà giáo Phương Anh tặng các cháu; Hiểu thêm truyền thống để vững bước tới tương lai; Đọc sách Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; lý luận, thực tiễn nghệ thuật của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện; Nhà văn Lê Thị Bích Hồng Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên...

Phần II là những bài viết tổng hợp về các nhà thơ từ trung đại đến hiện đại, như: Nét độc đáo của hồn thơ Nguyễn Trãi qua bài thơ Cây chuối; Vua Lê Thánh Tông và bài thơ hay còn ít người biết; Chuyện thú vị về người hai lần được vinh quy bái tổ; Độc đáo phong tục Tết Việt qua bài Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính; Đôi điều cảm nhận về chùm thơ cùng nhan đề Về quê...

Phần 3 có nhan đề Tác phẩm và dư luận gồm 6 bài viết của bạn bè, đồng nghiệp về chính tác giả.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng: 'Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022