Hiện nay có nhiều thí sinh háo hức thi vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Trường này có 6 khoa, mấy năm gần đây, riêng khoa Kịch hát dân tộc có rất ít thí sinh quan tâm, nhưng nhà trường vẫn cố gắng duy trì tuyển sinh và đào tạo.

Các khoa chính của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM là: Sân khấu, Điện ảnh - truyền hình, Kịch hát dân tộc, Thiết kế mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Kiến thức cơ bản.

Khó khăn, nhưng vẫn duy trì

Nếu ngành/khoa Kịch hát dân tộc của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đào tạo ở bậc đại học, thì Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM vẫn còn đào tạo ở bậc cao đẳng. Theo những người trong cuộc, cả 2 khoa Sân khấu và Kịch hát dân tộc đều khó tuyển sinh, ngay tại khu vực phía Bắc cũng khó, vì các bạn trẻ thích chọn các khoa/ngành khác. Tại phía Nam, dẫu chỉ đào tạo ở mức cao đẳng, nhưng trường mỗi năm chỉ tuyển sinh được khoảng 30-40 sinh viên cho khoa Kịch hát dân tộc. Đây là con số vô cùng ít ỏi.

Một tiết mục sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Ảnh có tính chất minh họa

Ở khu vực miền Tây Nam bộ, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Cần Thơ cũng có đào tạo diễn viên cải lương, mỗi năm chỉ tuyển sinh được tầm 20 - 30 sinh viên, khá ít.

Được biết năm 2024, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM tiếp tục chiêu sinh hệ cao đẳng, nhưng từ niên khóa sau, sẽ nâng lên hệ đại học. Nguyên nhân vì trường đã chuẩn bị đủ số lượng giảng viên có đầy đủ bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ. Vậy nhưng, NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch hội đồng trường, cho biết: "Dẫu đã nâng lên hệ đại học, nhưng chúng tôi vẫn sẽ đào tạo bậc cao đẳng (2 năm), trung cấp ngắn hạn (1 năm, hoặc 1  năm rưỡi). Vì nếu chỉ đào tạo bậc đại học, các em sẽ đi qua 4 năm lý thuyết, thiếu thực hành, sẽ dễ rơi vào trạng thái chán nản, mất cơ hội thể hiện ở độ tuổi thanh xuân nhất, từ đó mất hy vọng vào cơ hội được trở thành nghệ sĩ. Ngay cả hệ đại học, chúng tôi sẽ đi theo hướng đào tạo lý thuyết 2 năm, 2 năm tìm cho các em một sân khấu hoặc một đoàn nghệ thuật nào đấy để các em rèn luyện thực tế. Đó là cách mà chúng tôi nghĩ thiết thực nhất trong bối cảnh hiện nay".

Nhìn vào đời sống của chèo và cải lương, nhiều người đã thấy tình trạng suy yếu đến mức không biết có thể tồn tại hay không. Ở phía Bắc, các đoàn chèo và cải lương Nhà nước có lịch diễn phục vụ định kỳ trong các lễ hội, liên hoan nghệ thuật, thậm chí trong các hoạt động giao lưu văn hóa. Diễn viên hưởng lương theo quy định Nhà nước.

san-khau-2-1720567661772523213771.jpg

Ở phía Nam, ngoài đoàn cải lương công lập hoạt động khá giống phía Bắc, còn nhiều đoàn tư nhân cố gắng quẫy đạp tồn tại. Thu nhập của nghệ sĩ đến từ nhiều hoạt động khác nhau, chứ không phải tập trung vào hát tuồng dài như thời hoàng kim, bởi vì, mỗi năm các đoàn cố gắng lắm chỉ ra mắt một tuồng mới. Mỗi tuồng chỉ diễn vài suất.

Thực tế này chính là lý do khiến giới trẻ không còn thấy thu hút theo học khoa Kịch hát dân tộc, vì không biết tương lai sẽ ra sao, ngoại trừ các em vì một lý do cá nhân nào đó, như quá mê nghệ thuật dân tộc, hoặc theo truyền thống gia đình, dòng tộc, quyết dấn thân theo nghĩa chấp nhận gian khó.

Lý do tồn tại?

Nếu như trường công lập gặp khó khăn, thì các lò đào tạo nghề hát tư nhân vẫn còn tồn tại, phổ biến ở phía Nam. Các thầy đờn giỏi nghề, kể cả các nghệ sĩ cải lương thành danh như NSND Thanh Tuấn, NSND Bạch Tuyết… mở lò theo cách nghề truyền nghề. Các học viên chỉ học ca và diễn, hoàn toàn không học các môn lý thuyết, lịch sử sân khấu.

san-khau-1-17205676617461166286602.jpg

Những ai có năng khiếu hoặc đam mê thì sau khi hoàn thành thời gian học được chính thầy mình giới thiệu chỗ hát. Những người thực sự giỏi sẽ được các ông bà bầu chú ý, các đoàn mời diễn. Nhiều trường hợp, các thí sinh tham gia các cuộc thi cải lương chưa học bài bản nhưng đoạt giải vẫn được các đoàn mời về và đào tạo thêm. Bằng lối đi tắt ấy, họ sớm thành nghệ sĩ, nên trong mắt nhiều thí sinh và sinh viên, học hành bài bản có vẻ không có nhiều cơ hội như vậy.

Theo quy định hiện nay, những diễn viên của đoàn cải lương, chèo công lập bắt buộc phải có bằng cấp cao đẳng hoặc đại học, hoặc giấy chứng nhận đã qua chương trình đào tạo của trường công lập. Vì vậy, nhiều diễn viên học lò tư nhân hoặc tay ngang thành nghệ sĩ bắt buộc phải vào trường công lập để học và hoàn tất bằng cấp. Nhờ vậy, các trường vẫn còn có cơ hội duy trì khoa Kịch hát dân tộc.

Một lý do khác, đó là sau khi tốt nghiệp chuyên khoa này, nhiều bạn tìm được công việc quản lý văn hóa nghệ thuật tại các sở, ban, ngành, các phòng văn hóa quận, huyện. Đây là đầu ra có nhu cầu thiết thực cho những bạn có đam mê, nhưng không có cơ duyên thành diễn viên chuyên nghiệp.

Rõ ràng hoạt động nghệ thuật phong trào hoặc chuyên nghiệp cũng cần người biết cách tổ chức và điều hành. Các diễn viên tập trung vào ca diễn thường khó có thể đảm đương tốt việc này. Vì thế, dẫu so với các ngành học khác, khoa Kịch hát dân tộc kém hấp dẫn hơn, thì nay vẫn còn có cơ hội tồn tại. Tương lai sẽ thế nào thì không rõ" - đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói.

"Trạm cứu hộ động vật" lên sân khấu kịch 5B

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022