Nhà hát Kịch IDECAF chuẩn bị ra mắt tác phẩm mới, được xem là có đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của sân khấu này, đó là Dưới bóng giai nhân (kịch bản và đạo diễn: Quang Thảo), cảm tác từ danh tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Cùng với vở Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử mới ra mắt cách đây vài tháng, Dưới bóng giai nhân cho thấy quyết tâm đầu tư cho mảng chính kịch của sân khấu xã hội hóa kỳ cựu nhất tại TP.HCM.

Vở được đầu tư lớn từ trang phục, cảnh trí, âm nhạc… cho đến lực lượng diễn viên tham gia khoảng 50 người, trong đó có những tên tuổi như Nhà giáo ưu tú Diệu Đức, Hồng Ánh, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, NSƯT Mỹ Duyên, NSƯT Đại Nghĩa, Tuyền Mập, Đình Toàn…

Các giai nhân của “Dưới bóng giai nhân”

Thử lắng nghe 3 chia sẻ từ cuộc đầu tư lớn này. Một là của đạo diễn, tác giả, diễn viên Quang Thảo, người đứng sau rất nhiều chương trình thành công của IDECAF; một là của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, người cầm trịch nhà hát này 27 năm qua; một là của nữ chính Hồng Ánh, với vai diễn 11 cảnh - dài nhất trong sự nghiệp.

Quang Thảo: "Dự án từng phải dừng lại"

"Tôi mời khá nhiều diễn viên thử vai, dự án từng dừng lại vì không tìm ra Kiều cho đến khi mời được Hồng Ánh. Một nàng Kiều của tôi không chỉ có khóc và xỉu, mà phải có sức khỏe, kỹ năng để đảm đương nhiều yêu cầu. Chúng tôi đã tập ròng rã cả tháng trời với cường độ từ 9h sáng đến 10h30 đêm mỗi ngày" - Quang Thảo cho biết.

quang-thao-17306730133531184826021.jpg

Tác giả kịch bản - đạo diễn Quang Thảo

"Gần 20 năm làm sân khấu, tôi vẫn biết là chính kịch bán vé rất cực so với hài, biết là đang đi ngược thị trường, vốn thích xem những tác phẩm nhanh, cười dễ. Với vở này, tôi viết trong gần 5 năm, tự tin là mình giữ chân khán giả đến màn cuối. Tôi luôn tâm niệm, làm sao đáp ứng được tính giải trí mà vẫn dẫn dụ cho khán giả hiểu, nghiền ngẫm được thông điệp nhân văn của tác phẩm, như thể mình cho người ta uống thuốc thì phải cho người ta viên đường, bằng những thủ pháp dàn dựng của mình.

Gần 50% thành công của vở kịch sẽ phụ thuộc vào âm nhạc, tôi trao tin tưởng cho tên tuổi uy tín ở lĩnh vực này là nhạc sĩ Văn Tứ Quý. Sẽ có cả nhạc cụ hiện đại lẫn những âm thanh ngũ cung, sẽ có cả nói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, hát chầu văn về Kiều…, nhưng tôi không gọi đây là nhạc kịch, mà là một vở kịch đậm âm nhạc".

dao-dien-1730673013343896499423.jpg

Từ trái qua: Hoàng Trinh, Quang Thảo và nhà sản xuất Huỳnh Anh Tuấn

Và anh khẳng định: "Cảm tác từ một tác phẩm nổi tiếng, tôi tự tin rằng mình không làm sai lệch tinh thần của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng cũng sẵn sàng đón nhận những bình luận không cùng quan điểm".

Hồng Ánh: "Xuất hiện trong 11/14 cảnh"

"Hồng Ánh may mắn có nhiều vai diễn hay trên sân khấu, nhưng với vai diễn và thể loại chính kịch như Dưới bóng giai nhân thì bản thân chưa được thể hiện qua.

Trước đây, vai diễn dài nhất của Hồng Ánh xuất hiện trong 7 cảnh, với vở này, thì xuất hiện trong 11/14 cảnh. Nó đòi hỏi người diễn viên phải có nhiều kỹ năng, kỹ thuật và cả sức khỏe nữa. Một nhân vật Kiều rất mới mẻ và mạnh mẽ, dù thật tình Hồng Ánh thích vai Hoạn Thư hơn. Được làm điều gì đó khó, khác với chất của mình thì người nghệ sĩ lại càng tò mò muốn khám phá, chinh phục hơn.

hong-anh-17306730133861020104406.jpg

Hồng Ánh và Đại Nghĩa

Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc kịch bản, Hồng Ánh đã từ chối một dự án phim truyền hình dài tập và 3 dự án phim điện ảnh để có toàn thời gian dành cho vở này. Trong các phim đó có 2 vai diễn hay, nằm trong sở trường hoặc vùng an toàn của mình. Nếu là Hồng Ánh của 20 năm trước, thì đã sẵn sàng chọn phim hoặc ôm đồm luôn, nhưng đến lúc này thì phải biết lựa chọn và hy sinh".

Hồng Ánh chọn ở lại với sân khấu, với kịch, vì bản thân luôn ngóng đợi một vai diễn như thế này. Một vai diễn chưa bao giờ được thử sức, một thử thách cần phải vượt qua. Hồng Ánh được đọc lại, học lại Truyện Kiều, học từ sách vở, kịch bản và học từ đồng nghiệp".

Huỳnh Anh Tuấn: "Còn 5 dự án lớn hơn"

"IDECAF là sân khấu đa phong cách, đa thể loại, nên cái gì hay nhất về sân khấu đều có thể xuất hiện tại đây, với điều kiện vở sau phải mới lạ hơn vở trước, đòi hỏi sự lao động nghệ thuật liên tục của đạo diễn, tác giả kịch bản. Hiện chúng tôi còn 5 dự án lớn hơn Dưới bóng giai nhân, không chỉ cổ trang, lịch sử, mà còn là đề tài xã hội đương thời nữa, đang chờ dịp để giới thiệu.

IDECAF luôn biết ơn khán giả, chính lòng biết ơn đã thôi thúc tôi và các anh chị em nghệ sĩ cùng chí hướng thực hiện một cái gì đó để thể hiện lòng biết ơn. Sự ra đời của một sản phẩm như thế này là minh họa cho điều đó. Nhưng, nếu lòng biết ơn chưa đặt đúng chỗ và chưa làm hài lòng khán giả, thì hãy đầu tư chỉn chu hơn, hãy làm lớn hơn nữa".

ekip-hung-hau-17306730132962083200177.jpg

Một phần ê-kíp hùng hậu của “Dưới bóng giai nhân”

Huỳnh Anh Tuấn quyết tâm: "Với mức đầu tư lớn như vở này, người ta hỏi tôi là đã an tâm chưa. Tôi nói chưa, vì khi vở diễn ra mắt, nếu khán giả chưa hài lòng, thì lòng biết ơn của mình chưa thể hiện hết, hãy làm tốt hơn theo yêu cầu khán giả. Ví dụ như vở Tiên Nga, đông khán giả như thế, mà sau hơn 5 năm, đến bây giờ vẫn chưa thu hồi vốn cơ mà. Nếu Dưới bóng giai nhân đòi hỏi đầu tư thêm, tôi cũng sẵn sàng chi. Tôi không sợ chi, mà chỉ sợ khán giả không hài lòng. Cái sợ đó mới là quan trọng nhất, vì đó là sự tồn tại của những người làm kịch như chúng tôi".

Giá vé dễ chịu

Theo dự kiến, Dưới bóng giai nhân sẽ công diễn trong các ngày 1, 7, 8, 14, 15/12 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) với giá vé rất dễ chịu, chỉ từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng.

Người đưa ‘Truyện Kiều’ và hồn cốt Việt trong ‘Én Xuân 2021’

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022