Trong giới mỹ thuật sau này, không nhiều người biết đến họa sĩ Hoàng Trầm (18/6/1928, Long An - 19/1/2025, TP.HCM), nhưng khi đã biết, thì thường nể phục tài năng và mến mộ đức độ của ông. Tuy ra đi vì tuổi cao sức yếu, thuận lẽ vô thường, nhưng sự thương tiếc của gia đình, đồng nghiệp, học trò… sẽ là vô hạn, vì ông đã sống một cuộc đời đẹp đẽ, nhân ái.

Họa sĩ - nhà giáo nhân dân Hoàng Trầm tạ thế lúc 1h43 ngày 19/1/2025 tại nhà riêng, thọ 98 tuổi. Linh cữu được quàn tại chùa Xá Lợi (số 3 Thiện Chiếu, Q.3, TP.HCM); lễ động quan lúc 7h00 ngày 21/1, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Sáng tác một cách mẫu mực

Nhà phê bình mỹ thuật Hà Văn Ngọc Sương nhận định: "Sau hơn mười năm giảng dạy và sáng tác ở Đại học Mỹ thuật Hà Nội, đến năm 1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Hoàng Trầm về Nam tiếp quản và giảng dạy ở Khoa Hội họa của Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Trong hơn 40 năm giảng dạy và hoạt động nghệ thuật, ông vẫn luôn giữ được phong độ làm việc, sáng tác một cách mẫu mực".

Họa sĩ Hoàng Trầm, năm 2006. ảnh: Văn Bảy

Ông Sương diễn giải: "Các tác phẩm của ông sáng tác ở nhiều chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ…, nhiều đề tài như hình tượng người lính, tự vệ, dân quân, người mẹ Việt Nam, tình cảm quân dân, tình đồng đội, tình mẹ con, ông cháu… Ở đề tài, thể loại, hoặc chất liệu nào, ông cũng thành công và đạt tới phẩm chất ngôn ngữ nghệ thuật cao. Nhưng trong đó sơn mài là chất liệu được ông yêu thích và sáng tác nhiều nhất. Qua bàn tay tài hoa của ông, vàng, son, trứng, trai, cánh gián… trở nên vừa lộng lẫy, sang trọng, kỳ ảo mà vẫn thể hiện được tình cảm đằm thắm, đôn hậu. Ông đã tạo được một phong cách nghệ thuật sơn mài rất riêng, rất Hoàng Trầm".

hoa-trai-17373294835181437679399.jpg

Tác phẩm “Hoa trái” (sơn mài, 90x120cm, 1990), hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Còn nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thì nhận xét: "Nghệ thuật là sáng tạo cá nhân, mỗi nghệ sĩ có số phận của mình và số phận ấy là một hạt hồng cầu của số phận dân tộc trong một thời cảnh. Hoàng Trầm tiêu biểu cho mẫu nghệ sĩ-chiến sĩ-cán bộ và tranh ông tiêu biểu cho nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vẽ tả thực chân thành, lấy cái mộc mạc, cái chân tình làm sức sống, lấy lòng yêu nước làm động lực, lấy chiến thắng vì cái thiện của lý tưởng làm mục tiêu. Sống với những con người bình dị, những tập thể công nông binh nhẫn nại, kiên cường".

"Các ký họa của ông là nhân chứng cảm động, chân thực của một thời gian khó ấy. Ngay ở các trực họa kỹ càng, điêu luyện, tài hoa ông đã làm hiện hình sinh động những bà má miền Nam, những o du kích Nam Ngạn, tự vệ Ngư Thủy, những cô gái Mường, những anh chị công nhân và nhất là những anh bộ đội chống Mỹ… Có thể nói là "các nhân vật điển hình, trong hoàn cảnh điển hình". Sau các bức trực họa ấy là các phác thảo được cân nhắc, đắn đo kỹ lưỡng để xây dựng các bố cục có tính "khái quát", "tiêu biểu" và cuối cùng là các tác phẩm được thể hiện công phu trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ mà ông học và dạy rất thuần thục" - Nguyễn Quân phân tích.

ngu-thuy-17373294834041358559413.jpg

Tác phẩm “Nữ dân quân Ngư Thủy” (sơn mài, 90x120cm, 1974) của Hoàng Trầm, hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Dạy bao nhiêu thế hệ học trò, tác phẩm thuộc sưu tập của các bảo tàng trung ương và địa phương, lại sáng tác không ngơi nghỉ, tác phẩm dồi dào, nhưng mãi đến năm 2010, khi đã ngoài 80, ông mới quyết định làm triển lãm cá nhân đầu tiên.

Cắt nghĩa về sự "chậm chạp" này, sinh thời, Hoàng Trầm từng chia sẻ trong một bài báo: "Trước đây tôi cũng tham gia nhiều triển lãm chung. Còn triển lãm cá nhân năm ngoái là do nhu cầu thực tế của ĐH Mỹ thuật TP.HCM và ý muốn của con cháu. Bản thân tôi trước nay vẫn vậy, không nghĩ đến danh tiếng, chỉ biết sức mình đến đâu thì làm đến đó mà thôi. Thông qua các tác phẩm ký họa được triển lãm, thế hệ học trò đi sau sẽ biết chúng tôi đã sáng tạo như thế nào. Nghĩa là từ ký họa đến tác phẩm sẽ trải qua những bước nào, quá trình ấy ra sao... Còn về mức độ nông cạn hoặc sâu sắc của tác phẩm là tùy ở sự hiểu biết thực tế của từng người".

linh-xe-tang-1737329500711547972506.jpg

Tác phẩm “Lính xe tăng” (sơn dầu, 100x130cm, 1999) của Hoàng Trầm

Bậc thầy sơn mài

Cũng trong cuộc trò chuyện hiếm hoi đó, khi được hỏi về mảng đề tài và chất liệu, vật liệu, Hoàng Trầm chia sẻ: "Về chất liệu, tôi mê nhất sơn mài, vì đây là chất liệu đặc trưng mang cái hồn của dân tộc Việt Nam mà không quốc gia nào có được. Còn về mảng và thể loại, có lẽ là ký họa về dân quân, chiến trường thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Dù vậy, tôi cũng không chú ý nhiều đến vẻ đẹp của ký họa, mà tập trung vào sự cần thiết để sáng tác và sau này là để nhà trường có tư liệu giảng dạy".

Ông phân tích: "Lúc đó, thế hệ họa sĩ chúng tôi làm việc theo cách xem ký họa là tư liệu tìm hiểu cuộc chiến, sau đó phản ánh cuộc chiến ấy để mọi người hiểu hơn về chiến tranh và động viên tinh thần chiến đấu. Do đó, tôi chú ý đến ký họa hiện thực chiến tranh nhiều hơn, còn sinh hoạt đời sống cũng có, nhưng ít. Chúng tôi nghĩ phải phản ánh hiện thực để thỏa mãn nhu cầu đồng bào Việt Nam là chính, chứ không nghĩ đến việc thi thố với thế giới".

vinh-ha-long-1737329483511732683802.jpg

Tác phẩm “Vịnh Hạ Long” (sơn mài, 122x244cm, 1969) của Hoàng Trầm

Nhận diện thế giới hội họa của Hoàng Trầm, Nguyễn Quân viết: "Ẩn dấu sau cái tình trong hội họa Hoàng Trầm là một sự mẫn tiệp rụt rè và bình thản, một sự khoan hòa, tế nhị ở từng nét vẽ, dựng hình, phối màu. Một tình yêu lớn nhưng không "cao giọng" mà tâm tình cụ thể, cảm thương và sảng khoái chân thật. Ngay ở tranh phong cảnh, dù thô mộc sơn dầu, bóng bảy sơn mài, hoặc nhỏ nhẹ màu nước, mọi thứ đều bao dung như ta thấy và nhớ. Tôi được thấy cái hào hoa kinh kỳ Hà Nội phảng phất trong tranh thời chiến và cũng được thấy những con người Nam bộ đi chợ trên thuyền, mẹ con, ông cháu… của thời bình vẫn mộc mạc, không "son phấn thị trường". Hoàng Trầm chung thủy với nghệ thuật của mình, của thời mình. Hoàng Trầm là một người thầy được nhiều thế hệ học trò quý yêu, cũng vì vậy".

Còn nhớ, khi đến xem triển lãm cá nhân đầu tiên của thầy, ra về, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đã viết trên trang cá nhân, có đoạn: "Đến xem triển lãm của thầy, gặp gỡ bạn bè, chợt nhận ra một điều: Tranh của mình mang dấu ấn ảnh hưởng sâu sắc từ ba họa sĩ họ Hoàng: thầy Hoàng Trầm, họa sĩ Hoàng Minh Hằng và... họa sĩ Hoàng Tường. (Thật ra ông này họ Đỗ, nhưng Hoàng Tường đã như một nghệ danh, Hoàng như là họ). Sự cô đọng, súc tích của thầy, đơn giản mà duyên dáng trong tranh của chị và bút pháp tài hoa, điêu luyện của bạn… Những tính chất này thấm tự nhiên vào lòng, trở thành chất "nội tiết" không thể thiếu trong mọi tác phẩm, thiếu bất cứ "chất" nào trong những "chất" đó đều không ra tranh, hoặc nếu có ra thì cũng "yếu ớt"... Hoặc nói cách khác, đó là những tính chất "nội hàm" làm nên những "nữ sinh", "mẹ con", "ba lê", "khỏa thân"... Dĩ nhiên, trong nghệ thuật, dấu ấn cá nhân là quan trọng nhất, đừng để bị lẫn vào bất cứ ai, nhưng "dấu ấn riêng" đó không thể bịa đặt, dù là dấu ấn bằng vàng, cũng phải khai quật từ lòng đất! Vấn đề là phải biết tinh chế, muốn biết tinh chế thì phải học, không có đường nào khác".

Một nhà giáo tận tụy

"Đối với các thế hệ sinh viên mỹ thuật, Hoàng Trầm là một người thầy khả kính, khiêm tốn, ít nói, hiền lành, tài năng. Ông thường suy nghĩ rất lâu trước khi đưa ra những lời nhận xét, đôi khi những vấn đề khúc mắc của sinh viên ám ảnh ông cả mấy ngày sau, bởi vì ông phải tìm ra cách nói để phù hợp với khả năng, cá tính riêng của từng đối tượng, giúp cho sinh viên nhận thức rõ những mắc mứu và hướng giải quyết vấn đề của mình. Ông thích gợi mở, không áp đặt, để cho sinh viên tự suy nghĩ, tìm tòi.

Ông thường khuyên học trò cố gắng học, nắm thật vững cơ bản, nên đi nhiều, xem nhiều, làm việc nhiều, để có nhiều trải nghiệm cuộc sống. Vì "thực tế cuộc sống là người thầy muôn thuở", là cái mà ngồi nhà ta không thể nào tưởng tượng ra được. Phải làm việc nhiều với lòng đam mê, yêu nghề, phải dũng cảm, đừng sợ thất bại, thì mới tiến bộ được, thất bại càng đau thì thành công càng lớn.

Hoàng Trầm là một nhân cách lớn, một họa sĩ tài năng, một nhà giáo tận tụy, hết lòng với học trò. Các tác phẩm của Hoàng Trầm làm người xem xúc động vì nghệ thuật của ông giản dị, chân thành, mà tinh tế, sâu sắc, ngôn ngữ hội họa độc đáo, có tính nghệ thuật và tính nhân văn cao" - nhà phê bình mỹ thuật Hà Văn Ngọc Sương.

Họa sĩ Hoàng Trầm lần đầu mở triển lãm ở tuổi 82: Những ký họa 'khó đụng hàng'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022