Con trai họa sĩ - ông Hồ Hồng Lĩnh - cho biết ba tuần trước, họa sĩ nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy giảm.

Nhiều đồng nghiệp, bạn bè gửi lời chia buồn với gia đình. Họa sĩ Lương Lưu Biên cho biết gặp ông lần cuối ở một số triển lãm nửa đầu năm nay. "Hồ Hữu Thủ là danh họa nổi tiếng của Sài Gòn. Mong chú ra đi thanh thản", ông Lương Lưu Biên nói.

ho-huu-thu-1725886750-17258867-1356-9220-1725887020.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RU5jjAOarKWBfwSelIZBxA

Hồ Hữu Thủ tại xưởng vẽ tranh của ông. Ảnh: Bình Minh Art Gallery

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ sinh năm 1940 tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), lập nghiệp và thành danh tại TP HCM. Năm 1960 ông là thành viên Hội họa sĩ Trẻ Sài Gòn. Bốn năm sau, ông tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, giảng dạy Mỹ thuật Sài Gòn. Sau năm 1975, ông là Hội viên Hội Mỹ thuật TP HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ông được biết đến là một trong những họa sĩ tạo ra phong cách vẽ tranh sơn mài mới, gọi là "sơn ta Việt Nam". Sơn ta làm từ cây sơn vùng Phú Thọ - là chất liệu mỹ thuật truyền thống. Quá trình thu thập nguyên liệu, vẽ tranh kỳ công, đòi hỏi người nghệ sĩ tỉ mỉ trong thời gian, nhiệt độ, độ ẩm, nhiều bức tranh mất từ vài tháng đến một năm để hoàn thiện.

HS-Ho-huu-thu-9-8221-1725889406.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lxXBm62kuShChrn4mpw3YQ

Tác phẩm sơn mài của họa sĩ Hồ Hữu Thủ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trong tập ba Sài Gòn - Chuyện đời của phố, nhà văn Phạm Công Luận cho rằng những bức sơn dầu và sơn ta của ông có chất lãng mạn, bay bổng, khác biệt so với cách trò chuyện dung dị.

"Khác với giới họa sĩ hồi đó, niềm yêu thích chất liệu sơn ta vẫn âm ỉ trong lòng Hồ Hữu Thủ cho dù ông không học sáng tác chuyên về chất liệu này. Suốt thời niên thiếu sống ở Bình Dương, trong cái nôi sơn mài mỹ nghệ truyền thống của miền Nam, ông nhận ra vẻ đẹp đằm sâu của sơn ta trong sáng tác. Lúc đó, tuy hai miền Nam Bắc đang bị chia cắt, sơn Phú Thọ (gọi là sơn Bắc) vẫn vào được miền Nam, có thể qua đường Campuchia. Loại sơn này được dùng phối hợp với sơn Nam Vang (cũng từ Campuchia, được trồng tại chỗ), tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của tranh và đồ mỹ nghệ của miền Nam", sách viết.

Sau 1975, các họa sĩ miền Nam kiếm sống bằng nhiều cách như vẽ bìa sách, tranh cổ động, trình bày báo. Riêng họa sĩ Hồ Hữu Thủ tiếp tục dạy học tại Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định, nay là Cao đẳng Mỹ thuật TPHCM.

Đến cuối thập niên 1980, nhu cầu tranh sơn mài tăng cao, nhất là trong giới chơi tranh phương Tây và cộng đồng người Việt tại hải ngoại. Họa sĩ Hồ Hữu Thủ đón nhận cơ hội này, quay trở lại sáng tác. Ông mày mò chất liệu, thử những cách biểu hiện mới như hội họa ấn tượng, khuynh hướng siêu thực. Đến 1985, ông chuyển qua các đề tài trừu tượng, nhận ra sơn ta có thể biểu hiện tốt quan niệm, cảm xúc của tác giả. Từ đó, ông sáng tác bằng sơn ta với phong cách và kỹ thuật riêng.

tran-dan-ho-huu-thu-1725886868-3873-1725887020.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-Bn423pnjmNf4V0EDlCy7w

Hồ Hữu Thủ bên cạnh bức tượng nhà thơ Trần Dần của ông. Ảnh: Lý Đợi

Ngoài vẽ sơn mài, Hồ Hữu Thủ có nhiều tác phẩm điêu khắc. Ông tham gia nhiều triển lãm nhóm lẫn cá nhân trong nước và ở Singapore, Nhật Bản, Indonesia, Pháp. Các tác phẩm của ông được nhiều bảo tàng và nhà sưu tập nổi tiếng trong và ngoài nước sở hữu. Năm 1990, họa sĩ đoạt giải nhì cuộc thi Mỹ thuật toàn quốc. Năm 1996, ông về nhì cuộc thi Asian - Vietnam Internationnal Modern Art, tổ chức ở TP HCM.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022