Nhà đấu giá Sotheby's ở New York bán thành công tác phẩm nghệ thuật Comedian của Maurizio Cattelan với giá 6,2 triệu USD (158 tỷ đồng) hôm 20/11 (sáng 21/11, giờ Hà Nội). Tác phẩm gồm một quả chuối được cố định trên tường bằng băng keo, thuộc về doanh nhân Trung Quốc Justin Sun.
"Quả chuối dán tường" là một trong số sáng tác thể hiện phong cách đặc trưng của Maurizio Cattelan. Ông được coi là ''gã hề của giới nghệ thuật'', thường giới thiệu những tác phẩm mang tính châm biếm, theo trang tin của phòng trưng bày Marian Goodman Gallery.
* Loạt tác phẩm kỳ lạ của Maurizio Cattelan
Tuổi thơ khó khăn, những trải nghiệm vất vả ngày trẻ tạo nên một ''kẻ nổi loạn trong nghệ thuật'', theoThe Art Story.
Nghệ sĩ 64 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Padua, miền Bắc Italy trong một gia đình khó khăn, có cha là tài xế xe tải, mẹ làm giúp việc. Thuở nhỏ, ông luôn sống lạc lõng, thường bị điểm kém lúc đi học. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Klat năm 2010, Cattelan cho biết thường phải đấu tranh để có quyền tự chủ, giải phóng bản thân khỏi sự giáo dục của gia đình.
Do không thích đến trường, Cattelan quyết định nghỉ học trung học và đi làm tại một số nơi như bưu điện, nhà bếp, nhà xác. Sau một thời gian, ông thấy chán ghét sự đơn điệu của những công việc chân tay. Năm 18 tuổi, ông chuyển đến Forlì, Italy, bắt đầu tạo ra một số tác phẩm. Ông chụp bốn bức ảnh, đặt tên cho chúng và gửi đến những phòng trưng bày ở New York. "Đó là nơi tôi muốn đến'', Cattelan từng nói.Nghệ sĩ nhận được ba phản hồi, trong đó chỉ phòng trưng bày Neo đồng ý triển lãm tác phẩm của ông, khiến cuộc sống Cattelan thay đổi hoàn toàn.
Nghệ sĩ Maurizio Cattelan. Ảnh: Artnet
Năm 1993,Cattelan chuyển đến New York, Mỹ. Thời gian đầu, ông gặp khó khăn về tài chính, mỗi ngày chỉ sống với năm USD. Người bạn cùng phòng với Cattelan tại đây cho biết ông không có đồ đạc, luôn cố gắng tối giản mọi thứ.
Theo The Art Story, chủ nghĩa tối giản ảnh hưởng phạm vi xã hội và các mối quan hệ của nghệ sĩ. Bạn bè, đồng nghiệp, đối tác và gia đình đều nói ông thích ở một mình, không muốn gần gũi hay thân mật nhiều người. Ở nơi công cộng, Cattelan được nhận xét bí ẩn và khó nắm bắt. Nghệ sĩ từng nói: ''Tôi rất tách biệt với người khác nhưng đó là điều may mắn, khi tôi có thể làm chủ thời gian của mình''.
Maurizio Cattelan ghi dấu ấn là một nghệ sĩ hài hước với những tác phẩm mang tính mỉa mai. Tuy nhiên, ông chưa từng được đào tạo về nghệ thuật, cho rằng bản thân không đủ khả năng trở thành họa sĩ. Trong một cuộc phỏng vấn cùng tạp chí Lux, ông cho biết: ''Món quà đáng buồn nhất mà tôi từng nhận được là một bộ dụng cụ vẽ. Đó là những thứ tôi muốn thử nhưng tôi biết mình không thể thành thạo chúng''.
Các sáng tác của Cattelan xa rời khuôn mẫu truyền thống, quan trọng thông điệp cốt lõi hơn vẻ ngoài, thường phản ánh trực diện chính trị, tôn giáo, xã hội. Trả lời tạp chí Lux, ông khẳng định việc sáng tạo không nhằm mục đích gây khó chịu cho người xem mà để giải quyết vấn đề của bản thân. Ở mỗi tác phẩm, ông thường thích nhất phần ý tưởng, sau đó để người khác lo triển khai thực tế. Nghệ sĩ lý giải: ''Càng đi sâu vào việc hiện thực hóa, tôi càng trở nên thiếu kiên nhẫn''.
Theo giám tuyển, nhà phê bình nghệ thuật Nancy Spector, những tác phẩm đầu tiên mà Cattelan thực hiện thường sử dụng nghệ thuật nhồi bông, thể hiện ''trạng thái sống dựa trên cái chết''.
Ví dụ trong Bidibidobidiboo (1996), nghệ sĩ sắp đặt một con sóc nhồi bông nằm gục trên chiếc bàn bếp, dưới chân là một khẩu súng nhỏ. Hình ảnh đại diện cho một giai đoạn khó khăn của tác giả. Cattelan từng cho biết bị ám ảnh bởi sự thất bại khi lớn lên trong cảnh chật vật về tài chính, chứng kiến mẹ qua đời lúc ông còn nhỏ.
Từ đầu những năm 2000, Cattelan bắt đầu thực hiện các tác phẩm điêu khắc siêu thực, như We Are the Revolution (2001), gồm hình nộm thu nhỏ của nghệ sĩ treo trên giá quần áo. Đến năm 2011, ông gây tranh cãi với tác phẩm Him, khắc họa chân dung Adolf Hitler trong tư thế quỳ gối.
Cũng trong năm này, tại triển lãm All tại Bảo tàng Solomon Guggenheim, New York, Maurizio Cattelan tuyên bố nghỉ hưu. Nghệ sĩ nói: ''Tôi bắt đầu cảm thấy xa cách với những việc mình đang làm''. Thời điểm ấy, ông chọn hình ảnh bản thân cầm một tấm bia mộ có dòng chữ The End (Kết thúc) để quảng bá cho triển lãm. Tuy nhiên năm 2016, nghệ sĩ lại khẳng định ''không làm việc còn đau khổ hơn''.
Phương Linh