Việc vở Hoa sắt (kịch bản: Đặng Thanh Nga, đạo diễn: Nguyễn Thị Bích Phượng) không đoạt giải tại Liên hoan Sân khấu kịch nói TP.HCM lần 1 - 2024 là điều có thể đoán trước được, vì phải cạnh tranh với nhiều vở chất lượng cao, được đầu tư bài bản. Thế nhưng cái cách mà Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM nhập cuộc tại liên hoan này thì đáng ghi nhận.

Từ"sắt"trong vở kịch Hoa sắt làm người xem đau đáu nghĩ suy về một người con gái mềm mại, đẹp đẽ, nhưng vô cùng mạnh mẽ, kiên cường. Đây là bản anh hùng ca về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định mưu trí, dũng cảm, một thời xông pha trận mạc, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vở diễn còn là câu chuyện đầy xúc động, đầy tự hào về cuộc sống, chiến đấu xung quanh nhân vật Như Thuần, nữ biệt động Sài Gòn. Qua đó ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng đội, tình yêu đôi lứa đẹp đẽ và trong trẻo biết bao.

Sự lớn lao của tình yêu

Như Thuần (do NSƯT Đặng Thanh Nga đóng) là cô gái tuổi đôi mươi xinh đẹp, giỏi giang. Thuần cũng có những ước mơ, hoài bão như bao cô gái khác, nhưng cô đã lựa chọn đi theo con đường cách mạng, nguyện một lòng kiên trung với Tổ quốc, với đồng bào. Để rồi chính sự lựa chọn ấy đã đem đến cho cô nhiều nỗi đau, mất mát, nhưng cũng mang lại thật nhiều hạnh phúc, để bù đắp tất cả những tổn thương mà cô đã chịu đựng.

NSƯT Thanh Nga (vai Như Thuần) và Châu Hoàng Vũ (Sáu Kiên) trong vở “Hoa sắt”. Ảnh: H.K

2 lần bị giặc bắt là 2 lần cô bị tra khảo dã man, cơ thể chằng chịt những vết thương, khiến cô phải ngồi xe lăn. Mất mát hơn nữa là Như Thuần không bao giờ còn có thiên chức làm mẹ. Nhưng những nỗi đau đó không khiến cô chùn bước, trái lại càng làm cô có thêm sức mạnh, hiên ngang trước đòn roi của kẻ thù.

Nhiều khán giả đã khóc rất nhiều trong cảnh Như Thuần bị đốt chân, tuy đau đớn vô cùng, nhưng cô vẫn cất lên tiếng hát Bài ca hy vọng đầy kiêu hãnh, như một niềm tin sắt đá vào tương lai, khiến giặcnể sợ.

NSƯT Đặng Thanh Nga đã thể hiện vai Như Thuần rất tự nhiên và sâu lắng. Những lớp Như Thuần bên người yêu hoặc với thủ trưởng, đồng đội thì rất duyên dáng, tự tin, nhưng trước kẻ thù lại rất thần thái, đầy bản lĩnh và kiên định.

Sáu Kiên (do Châu Hoàng Vũ đóng) người đàn ông tuyệt vời, với tình yêu chân thành, sâu đậm, anh dành cho Như Thuần. Tình yêu đôi lứa trong chiến tranh thật đẹp, nó trong sáng, dễ thương, từ một cái kẹp tóc hoặc một đôi dép ràng dây dừa cũng tạo nên một tình yêu hết sức mãnh liệt, không màu mè, không ướt át, bi lụy. Yêu là chấp nhận cả những khiếm khuyết và những nỗi đau của nhau.

Như Thuần yêu Sáu Kiên, nhưng cô chấp nhận rời xa, vì không muốn mình làm ảnh hưởng đến tương lai của anh. Còn với Sáu Kiên, niềm hạnh phúc nhất chính là nhìn thấy người con gái mình yêu còn sống để trở về. Vở diễn đã miêu tả được tình yêu đôi lứa trong thời kỳ chiến tranh một cách tinh tế và sâu sắc.

can-dam-1733266607923854612399.jpg

Như Thuần gan dạ trước kẻ thù trong vở kịch “Hoa sắt”. Ảnh: H.K

Sự cao cả của tình đồng đội

Sự trung thành, sự chia sẻ của đội trưởng Ba Thành (do Lâm Văn Cửu đóng), nữ cán bộ (do Lê Thị Kim Phượng đóng) với Sáu Kiên, với Như Thuần… là ví dụ cho sự cao cả này. Họ thấu hiểu cho những nỗi đau của nhau, cũng như hiểu được tình yêu lớn lao, sự hy sinh vì nước vì dân. Xuyên suốt vở kịch là những cung bậc cảm xúc khác nhau, có lúc thăng trầm, có khi hồi hộp, rồi lại xúc động, nhưng ấn tượng nhất có lẽ là cảnh diễn ra trận đánh đài ra-đa Phú Lâm. Khúc tráng ca là đây!

Tuy là một trận chiến tàn khốc, nhưng lại không mang màu sắc của sự bi thương, tuyệt vọng, mà ngược lại còn mang đến sự bi tráng, hào hùng. Không có sự hy sinh nào là vô nghĩa, nó chỉ càng làm cho lòng quyết tâm của những người ở lại mạnh mẽ, làm cho hòa bình giá trị hơn.

Vở kết thúc với hình ảnh đoàn người ăn mừng chiến thắng, thật đẹp và ý nghĩa.

Vở kịch có ê-kíp lên tới gần 80 người, thật sự không phải là điều dễ dàng với một cơ sở đào tạo, vốn không chuyên về biểu diễn và bán vé. Cho nên, để vở diễn đến được Liên hoan, diễn suôn sẻ, tạo được ấn tượng ban đầu, đã là một sự nỗ lực rất nhiều.

Xem xong vở Hoa sắt, nếu có ai hỏi rằng, loài hoa này có thật hay không? Thì tôi sẽ trả lời rằng "có", nó là biểu tượng của sự cứng rắn trước kẻ thù, của sự dũng cảm hy sinh, của sự kiên định với lý tưởng tốt đẹp. Vì vậy, luôn có một "hoa sắt" trong tim của nhiều người.

Các huy chương của Liên hoan

Liên hoan Sân khấu kịch TP.HCM đã trao 5 HCV cho các vở diễn: Đồng chí (Hội Sân khấu TPHCM), Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử (Nhà hát kịch IDECAF), Cơn mê cuối cùng (Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh), Giáng Hương (Sân khấu kịch Thiên Đăng), Cánh đồng rực lửa (Sân khấu kịch Quốc Thảo).

Bên cạnh đó là 6 vở diễn đoạt HCB cùng 28 HCV, 43 HCB cho các cá nhân xuất sắc.

Liên hoan Sân khấu kịch nói TP.HCM lần 1 - 2024: Thấy rõ thực lực sân khấu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022