Chưa đầy một tháng con gái bước vào lớp 1, vợ chồng chị Đinh Thu Trang (29 tuổi, Hà Nội) cãi nhau không dưới 10 lần chỉ vì chuyện dạy con học đánh vần, tập viết.

Tối nào, chị cũng dành 2 tiếng để cùng con vật lộn với luyện viết, đánh vần. “Con càng học càng sợ. Còn tôi thì bế tắc lắm”, bà mẹ trẻ chia sẻ về hành trình học chữ gian nan của con.

Ban đầu, chị nghĩ con mới học lớp 1, cho bé làm quen với kiến thức dần. Thế nhưng, chỉ sau mấy ngày, chị “choáng” khi 80% học sinh trong lớp đã học trước từ hè, thành thạo ghép vần, đọc trơn. Trong khi đó, con chị mới chỉ biết chữ cái. Sau 3 tuần, bé chưa thuộc hết âm ghép, ghép vần chậm, thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở.

bat-luc-khi-day-con-05183790.jpgNhiều phụ huynh bất lực khi dạy con học. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài việc học ở trường, mỗi ngày, giáo viên giao bé 5 tờ bài tập mang về, kèm phiếu đọc. Do đó, tối nào, chị cũng dành hai tiếng để kèm con học.

Vị phụ huynh này đánh giá, chương trình môn Tiếng Việt quá nặng. Mỗi buổi, học sinh học hai chữ, đi kèm với từ ghép. Ví dụ gh-ghẹ, g-gà. Sau đó, con đọc đoạn văn cuối bài và trả lời câu hỏi, "tiếp thu nhiều kiến thức trong một bài khiến trẻ càng học càng rối, phụ huynh thì như quả bom chờ nổ".

"Nhiều hôm thấy 2 mẹ con quát mắng ầm ĩ vì mãi không đánh vần đúng, chồng tôi vào can ngăn, dạy con học. Thế nhưng cũng chỉ được 30 phút đã phải chào thua vì kiến thức, cách học thời nay quá khác so với trước kia", chị kể.

Không chào thua, chị Trang đăng ký cho con học thêm 2 lớp, 1 lớp Toán Tiếng Việt nâng cao, 1 lớp luyện chữ đẹp. Mỗi buổi chiều sau khi kết thúc buổi học ở trường, chị Trang đưa con tới thẳng lớp học thêm, một tuần 4 buổi.

Sở dĩ phải học vào khung giờ "lửng lơ" như vậy vì chị tranh thủ thời gian buổi tối để con làm thêm bài tập. Vì thường xuyên phải đưa con đi học thêm vào khung 17-19h nên chị Trang không thể đảm đương việc bếp núc. Điều này càng khiến vợ chồng chị lục đục, cãi nhau ỏm tỏi không ít lần.

Chưa căng thẳng đến cãi nhau, nhưng gia đình anh Nguyễn Đình Hoàng (35 tuổi, Hải Dương) cũng mệt mỏi vì gánh trên vai những áp lực vô hình.

Do điều kiện gia đình không mấy khá giả, thêm khoản nợ nần sau khi khởi nghiệp thất bại đúng đợt dịch COVID-19, anh Hoàng phải làm 2-3 công việc cùng lúc để gồng gánh gia đình. Vợ anh Hoàng cũng phải nhận thêm việc làm buổi tối để kiếm tiền cho con ăn học.

Áp lực cơm áo gạo tiền khiến vợ chồng mệt mỏi nhưng vì muốn cải thiện thành tích học tập của con nên tối nào anh Hoàng cũng cố dành thời gian học cùng con.

Cậu con trai lớp 2 học khá hầu hết các môn, nhưng riêng môn Toán lại yếu hơn, một bài toán đơn giản cũng khiến cậu bé loay hoay, chật vật. Nhìn con như vậy anh Hoàng muốn đưa con đi học thêm để cải thiện nhưng gia đình không đủ điều kiện, bắt buộc phải học cùng con mỗi tối.

"Cách học toán ngày nay cũng khác xưa, nhiều khi đến tôi cũng khó giải nổi những bài toán, câu hỏi logic của học sinh lớp 2 trong sách giáo khoa", anh thừa nhận. Thậm chí không ít lần phát điên, quát mắng con chỉ vì giảng mãi con vẫn không hiểu phải làm bài thế nào.

Dạy con học, người đàn ông 35 tuổi thường xuyên rơi vào trạng thái bất lực. Áp lực, sự bực tức khiến anh không kiềm chế được bản thân mà trút giận lên vợ mình. Dạy con nhiều khi rất bực nhưng vì thương con không nỡ đánh nên đôi khi anh quay ra trách móc vợ những chuyện cỏn con rồi cả gia đình lại to tiếng với nhau. Tôi hiểu bản thân giận cá chém thớt là sai nhưng có những lúc không thể kiềm chế cảm xúc", anh Hoàng nói.

Phụ huynh này nhận ra việc dạy con học là điều không dễ dàng, đó là quá trình gian nan đòi hỏi sự thấu hiểu và kiên trì.

bat.jpgNhiều phụ huynh than phiền chương trình học ngày càng.

Để vợ chồng không bất đồng chuyện dạy con học?

Là người từng trải qua những cãi vã vì chuyện học của con, chị Phùng Thuý Hằng (50 tuổi, Quảng Ninh) chia sẻ: "Bất đồng quan điểm trong quá trình nuôi dạy con là điều xảy ra ở bất cứ cặp vợ chồng nào, đặc biệt là những người trẻ khi mới tiếp xúc với công việc này".

Theo chị Hằng, làm bố làm mẹ là "nghề" khó nhất trên đời, nuôi con đã khó nhưng dạy con trưởng thành nên người còn khó gấp bội. Để một đứa trẻ chăm học, học giỏi phụ thuộc rất lớn vào sự đồng hành của bố mẹ.

Đã đọc qua nhiều sách về nuôi dạy trẻ, cộng thêm kinh nghiệm nuôi con của bản thân, chị Hằng khuyên các phụ huynh không nên tranh cãi trước mặt con. "Khi trẻ biết bố mẹ bất hoà với nhau vì mình, các con sẽ sợ hãi, tự ti, thậm chí chán ghét việc học, cho rằng học hành là nguồn cơn của mâu thuẫn. Khi đó việc dạy con học càng khó khăn hơn", chị Hằng cho hay.

TS Nguyễn Thị Hằng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, phương pháp học của trẻ hiện nay không giống với phụ huynh trước đây nên cách dạy khác biệt giữa bố mẹ và cô giáo sẽ làm con bối rối. Giả sử phụ huynh có nắm được đúng phương pháp, nhưng không có sự kiên trì, mà nổi nóng, thậm chí đánh con, sẽ làm đứa trẻ bị tổn thương. "Hơn nữa, tâm lý của phụ huynh là luôn nghĩ con mình kém hơn bạn bè, nên bắt con phải học ở nhà, làm thêm bài tập khiến đứa trẻ bị quá tải và rối loạn trong tiếp nhận kiến thức", vị này nói.

Do vậy, việc bố mẹ kèm cặp con học ở nhà không phải lúc nào cũng tốt, đôi khi tạo không khí căng thẳng hơn cho trẻ, nhất là các em lứa tuổi đầu cấp lớp 1, 2, 3.

Vị chuyên gia tâm lý này khuyên phụ huynh hãy để con tự học, tự lập làm bài tập về nhà. "Chúng ta có thể yêu cầu con hoàn thành hết 10 bài tập trong vòng 1 tiếng. Nếu trẻ hoàn thành sẽ được thưởng, còn không sẽ bị cô giáo phê bình. Việc này nhằm tạo động lực, thúc con học tốt hơn mỗi tối, thay vì phụ huynh ngồi cạnh bên để kèm", TS Hằng nói.

 

page.jpg?width=150Yolo
Đọc các nguyên tắc giao tiếp người Do Thái dạy con mới thấy vì sao trẻ em nước này lớn lên giỏi giang, hạnh phúc

Theo Vtcnews 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022