Pearl S. Buck là nhà văn Mỹ viết về Trung Quốc được trao giải Nobel văn chương 1938, lại là một phụ nữ, dường như hội đủ những điều đặc biệt để xứng đáng có trong một tủ sách đại chúng. Nhưng tôi biết gì về Pearl S. Buck (1892-1973) cùng bộ ba tiểu thuyết Đất lành đồ sộ của bà?

1. Trong một đôi lần ra đề bài cho sinh viên ngành viết văn và truyền thông văn hóa nghệ thuật, tôi có ra đề bài các em nghĩ sao về việc đọc văn chương kinh điển. Dẫu biết là yêu cầu có vẻ khó với thời nay (đọc văn chương đương đại còn khó nữa là!) nhưng nếu theo đuổi nghề viết hay chí ít là cần một phông kiến thức về di sản văn hóa nói chung, ta cũng nên có biết Những người khốn khổ hay Truyện Kiều chứ nhỉ?

Tôi không dám chắc các sinh viên có thực sự đụng đến bộ tiểu thuyết nhiều tập (3, 4 hay 5 tùy bản in) hoặc bỏ công đọc lại từ đầu đến cuối 3254 câu Truyện Kiều (có thể là đã đọc rồi), nhưng cũng trông đợi có thể một cuốn tiểu thuyết nào đó trong lịch sử văn học thế giới được lấy làm ví dụ. Bản thân tôi cũng đầy nghi ngờ chính mình liệu có thể đủ kiên nhẫn đọc hết một bộ trường thiên tiểu thuyết trong quá khứ hay không khi mà giờ đây, số sách và phim bỏ dở giữa chừng khá nhiều.

Nhà văn Pearl S. Buck (1892-1973)

Đọc sách chẳng hạn, đã không còn thuần túy là giải trí nữa. Trong guồng quay cuộc sống thường nhật, bỏ ra vài tiếng đồng hồ mỗi ngày đọc một cuốn sách là cả một sự cố gắng để chống lại thói quen lướt mạng xã hội.

Cuốn Đất lành (1931) đến tay tôi bằng bản dịch mới của Nguyễn Vân Hà, cùng hai tập kế tiếp là Đời con (1932, Nguyễn Tuấn Bình dịch) và Ly tán (1935, Nguyễn Quang Huy dịch). Cảm giác đầu tiên khi qua được mươi trang đầu tiên là tôi có thể đọc tiếp. Một văn phong điềm tĩnh, êm ả, chi tiết được tỉ mỉ mô tả kết nối với nhau mau chóng tạo ra một đường dây chắc chắn, như những cái tảng kê, khung cột và hệ đấu củng đỡ lớp mái nhà Trung Hoa  được dựng lên từng lớp, từng lớp.

Thay vì những trang sách và phim ảnh thường dùng yếu tố Trung Hoa như một thứ "hương xa" (exotic) thời thượng để trang điểm cho không gian giải trí phương Tây, Pearl S. Buck vén bức màn đã bị "kinh kịch hóa" để tiếp cận hiện thực.

2. Bộ saga câu chuyện gia tộc bắt đầu từ cuộc vật lộn của anh nông dân Vương Long trên mảnh đất nhỏ bé với ngôi nhà bằng đất biệt lập ở bên lề làng xã, rồi theo bước trưởng thành về trí tuệ xã hội của anh để mở rộng dần khung cảnh về xã hội nông thôn Trung Quốc đầu thế kỷ 20. Nếu là người đọc yêu thích những câu chuyện tuyến tính được dẫn dắt qua giọng kể chừng mực từ bên ngoài, họ sẽ thấy đây là bộ sách của mình. Pearl S. Buck không làm cuộc vận động bạo lực với ngôn từ, mà thong thả làm cho độc giả đồng cảm với số phận các nhân vật, đan xen giữa bóc tách tâm trạng và kỹ càng khắc họa khung cảnh.

Người đọc đã quen với các đại danh tác Trung Hoa hay lối văn có nhiều từ ngữ diễm lệ cũng vẫn thấy gần gũi vì chà, Buck tả thật tỉ mỉ như bút lông một họa sĩ vẽ tranh quốc họa! Mảnh đất mỗi lần Vương Long nhìn là một chặng bước tiến trong cái nhìn của anh ta về thế giới, về bản năng gắn với đất đai, được tiếp sức bằng triết lý canh tác mang dấu vết văn hóa ngự trị sẵn trong cộng đồng.

Cho đến giữa thế kỷ trước, Trung Quốc và các nước thế giới thứ Ba như Việt Nam vẫn là những nước nông nghiệp, là những vựa lúa của thế giới, tuy vậy cũng là những nước đánh vật với an ninh lương thực của chính mình. Ruộng đất thật sự là nỗi ám ảnh và mấu chốt của những biến động long trời lở đất trong thế kỷ 20, thứ người Việt Nam đã có những trải nghiệm phức tạp, vì thế với người đọc có một phông kiến thức tương đối về lịch sử, những chất liệu này giúp cuốn họ vào đọc tiếp.

tieuthuyet-dat-lanh-17213488198661448473120.jpg

Bộ ba tiểu thuyết

Thay vì những trang sách và phim ảnh thường dùng yếu tố Trung Hoa như một thứ "hương xa" (exotic) thời thượng để trang điểm cho không gian giải trí phương Tây, Pearl S. Buck vén bức màn đã bị "kinh kịch hóa" để tiếp cận hiện thực. Bà còn đi xa hơn trong việc có tham vọng vẽ lại toàn cảnh đời sống chính trị xã hội đất nước này, trải từ mạt kỳ phong kiến nhà Thanh đến những cuộc cách mạng dân chủ tư sản và những làn sóng bạo động suốt ba thập niên đầu thế kỷ 20.

Nếu Vương Long và người vợ A Lan là thế hệ mọc lên từ ruộng đất trực tiếp như một sự trao truyền từ đời ông cha, thì những người con trai của họ là những cành nhánh phát triển từ cái cây này, có nhánh được chiết để trồng ở những vùng đất mới: phố thị buôn bán hay phiêu lưu chinh chiến. Chính nhân vật Vương Mãnh Hổ, kẻ võ biền phiêu lưu của gia đình này là một tính cách thú vị - đầy ảo tưởng về khả năng chinh phục "trăm họ" theo kiểu thiên mệnh, nhưng lại là kẻ mau chóng tỉnh ngộ khi nhận ra nguồn lực tốt nhất anh ta có chính là điền sản của cha mình và duyên nợ cuộc đời nằm ở đó.

Một điều mà Lỗ Tấn hay những nhà văn Trung Quốc khác đã đề cập về việc các cuộc cách mạng thời kỳ đầu thế kỷ 20 là sự nửa vời như cái đuôi sam của AQ buộc cao lên hoặc chỉ là cắt đi về hình thức. Bên cạnh những thành thị Tây phương hóa mau chóng, đại bộ phận diện tích còn lại của đất nước này gồm những sinh linh mắc kẹt trong sự tù đọng của mô hình xã hội có từ hàng nghìn năm.

Tuy vậy, ở cuốn cuối cùng là Ly tán (1935), Pearl S. Buck thông qua hành trình tiến ra phương Tây của thế hệ người cháu - Vương Nguyên, có chút lý tưởng hóa trong việc tạo ra kết nối cái tân tiến với cổ xưa, giữa những làn sóng hiện đại với bảo lưu truyền thống, khi nhân vật này sau 6 năm du học Mỹ trở về với chính ngôi nhà bằng đất ban đầu của ông nội mình, nơi người cha Mãnh Hổ hấp hối. Cấu trúc vòng tròn được định rõ, tên nhân vật đã hàm ý sự khởi thủy, sự trở về bản nguyên - chính là nơi xuất xứ của gia tộc, và người con gái ở bên cạnh anh ta lúc trở về tên là Ái Lan, trùng tên với bà nội.

3. Kể lại nội dung một bộ tiểu thuyết là một việc có vẻ lạc thời, nhưng Đất lành là một loại văn chương đã ngự trị thế giới hiểu biết của nhân loại, hội tụ những tinh hoa của sự trải nghiệm. Các tác giả giống như nhà bách khoa thư, nhà xã hội học, triết gia, dựng lên khung cảnh một xã hội cũng là đi tìm câu trả lời cho những xung đột gặp trên đường đi vào bản thể nhân vật. Pearl S. Buck sống ở Trung Quốc gần bốn thập niên, đủ để có thẩm quyền là một nhân chứng của xã hội phương Đông.

Đôi khi đọc lại những cuốn sách như thế này, tôi vẫn nghĩ sự lên ngôi của những thể tài và phong cách mới vẫn cần dành đất nhắc đến những thành tựu của văn chương ở khía cạnh kinh điển của đề tài. Lỗ Tấn thì đã thôi nghề bác sĩ chữa bệnh cho người để làm nhà văn chữa bệnh cho đời (những truyện Thuốc hay Chúc phúc là điển hình), Hemingway thì cho rằng điều quan trọng nhất là "viết những trang văn xuôi giản dị và trung thực về con người", nỗ lực của họ đo bằng tác phẩm. Đất lành của Pearl S. Buck có cả hai điều đó. Đọc những trang sách này, có thể khiến ta nhận ra, dù công nghệ có vẻ giúp ta bớt lấm láp, mó chân mó tay thường nhật, hóa ra ta gần với những trần trụi khổ đau của mặt đất hơn ta tưởng.

Đất lành, Đời con, Ly tán, bộ ba tiểu thuyết của Pearl S. Buck, do Nguyễn Vân Hà, Nguyễn Tuấn Bình, Nguyễn Quang Huy dịch (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2024).

Đã từng chuyển thể thành kịch và phim

Sau khi Đất lành được xuất bản, tiểu thuyết đã được chuyển thể thành vở kịch và hãng MGM của Hollywood đã làm phim vào năm 1937 với đạo diễn Sidney Franklin. Bộ phim có tiếng vang với 5 đề cử Oscar, trong đó giành được giải nữ diễn viên chính cho Luise Rainer và quay phim cho Karl Freund. Tuy vậy, do luật Hay Codes đương thời không cho phép phim thực hiện những cảnh quan hệ tính dục giữa người da trắng và da màu, nên các diễn viên hầu hết là người da trắng. Nữ diễn viên gốc Hoa nổi tiếng nhất ở Hollywood khi đó là Anna May Wong vì vậy không được giao vai chính mà chỉ đóng một vai phụ.

Ghé thăm mảnh 'đất lành' của nhà văn đoạt giải Nobel Pearl S. Buck 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022