Nhiều năm qua, những cây cầu bộ hành bắc qua đường đã trở thành môt hình ảnh quen thuộc với người dân Hà Nội. Là một phần của hạ tầng giao thông trong thành phố, chúng được sử dụng mỗi ngày - và cũng được đón nhận một cách tự nhiên - đến mức sẽ hiếm có ai trong số chúng ta bỏ công dừng lại, chiêm ngưỡng và tìm hiểu về xuất xứ của một cây cầu bộ hành mà mình vừa đi qua.

Thế nhưng, ở góc độ khác, hàng loạt cây cầu bộ hành của Hà Nội cũng là những "cột mốc" khác nhau, gắn với sự phát triển của đô thị, của hệ thống giao thông và cả thẩm mỹ ngày một nâng cao từ phía thiết kế lẫn người sử dụng.

Để rồi, trong bối cảnh thói quen sử dụng cầu bộ hành của cộng đồng còn gặp nhiều hạn chế, cũng như việc các công trình này chưa được chú ý đúng mức từ góc độ một không gian công cộng đặc thù, sẽ là hợp lý nếu cùng nhìn lại lược sử, cũng như về cơ hội được "đánh thức" và phát huy hết giá trị trong tương lai của chúng.

Từ cầu bộ hành "thời bao cấp"…

Những thống kê hiện tại cho biết: Hiện, Hà Nội có khoảng trên 70 cây cầu bộ hành. Vậy, đâu là cầu bộ hành đầu tiên của Hà Nội?

Câu trả lời khá bất ngờ: Cây cầu bộ hành sớm nhất tại Hà Nội hiện không còn tồn tại. Trong trí nhớ - và tư liệu lưu trữ - của người dân Thủ đô, đó là cây cầu vượt đường sắt, đặt tại khu vực chắn tàu đầu phố Khâm Thiên, trong các thập niên 1980, 1990 và bị dỡ bỏ sau này.

Thực chất, ở bối cảnh thời bao cấp vốn rất ít xe máy khi đó, cây cầu này chủ yếu phục vụ cả người đi bộ và… xe đạp có nhu cầu vượt qua đường tàu hỏa trong trường hợp khẩn cấp. Do vậy, thay vì các bậc thang lên xuống, cầu vượt Khâm Thiên chỉ có mặt cắt khá hẹp (khoảng 2  mét) uốn hình chữ U, cho phép người dùng đi bộ, hoặc dắt xe đạp lên rồi xuống cầu. Như chia sẻ của những người lớn tuổi từng trải nghiệm, do độ dốc cao, thường chỉ có người đi bộ qua "cầu bộ hành" sơ khai này, còn những người đi xe đạp thường có xu hướng dừng lại trước chắn tàu và chờ tàu hỏa đi qua…

Cây “cầu bộ hành” hiếm hoi của Hà Nội trong thời bao cấp tại phố Khâm Thiên, hiện đã bị dỡ bỏ. Ảnh: TL

Phải tới cuối thập niên 2000, khi giao thông của thành phố phát triển khá mạnh, nhu cầu về những cây cầu bộ hành - công trình giúp người đi bộ có thể sang đường an toàn mà không cản trở dòng giao thông trên đường - mới được đặt ra một cách nghiêm túc.

Và, 1 trong 2 cây cầu bộ hành đầu tiên của Hà Nội đặt trước cổng bệnh viện Bạch Mai được khánh thành vào năm 2007, đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 năm đó. Giai đoạn ấy, nút giao thông tại đây được coi là một điểm nóng của Hà Nội, khi luôn gánh lượng xe rất lớn trên trục đường chính ra vào thành phố, cộng thêm lượng bệnh nhân (và người nhà) ra vào bệnh viện, cũng như sinh viên của 3 trường đại học nằm liền kề.

Thậm chí, hơn một năm trước khi có cầu, khu vực này còn gây chú ý bởi vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân là giáo sư người Mỹ Seymour Papert, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Tới Việt Nam để thuyết giảng cho sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội, ông bị xe máy đâm và chấn thương sọ não khá nặng khi đang qua đường.

Để rồi, thi công trong 6 tháng với độ dài gần 100 mét, cầu bộ hành đầu tiên của Hà Nội có điểm đầu trước cửa bệnh viện Bạch Mai, kéo qua ngã ba Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, rồi tiếp tục vắt ngang phố Lê Thanh Nghị và tạo thành một góc vuông khi tiếp đất. Sự xuất hiện của công trình khi ấy nhận về khá nhiều hào hứng từ cộng đồng: Thành phố đã chính thức có một cầu đi bộ - loại công trình có chức năng giúp người đi bộ có thể sang đường an toàn mà không cản trở dòng giao thông trên đường.

Vừa làm vừa… điều chỉnh

Đáng nói, gần như cùng thời điểm xuất hiện cầu bộ hành tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp tục khánh thành một cây cầu tương tự tại trường Đại học Giao thông Vận tải, nối với điểm trung chuyển xe bus Cầu Giấy khi đó. (Cây cầu này sau đó được tháo bỏ và xây lại một lần nữa khi tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được triển khai). Tiếp nữa, đến lượt 2 cây cầu mọc lên tại các phố Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Chí Thanh, và một số cây cầu khác rải rác trong những năm sau, đa phần đều hoàn thành quanh dịp Hà Nội kỷ niệm Đại lễ ngàn năm (2010).

Như thống kê của thạc sĩ Nguyễn Tuấn Bình, giảng viên bộ môn Cầu - hầm thuộc Khoa Công trình, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, cầu bộ hành tại bệnh viện Bạch Mai và 19 cây cầu bộ hành khác đầu tiên của thành phố đều được triển khai xây dựng theo dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội, giai đoạn 1, do JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) hỗ trợ nghiên cứu và chủ yếu sử dụng nguồn vốn ODA.

bachmai-1722900682692117104044.jpg

1 trong 2 cây cầu bộ hành đầu tiên của Hà Nội giai đoạn thập niên 2000, đặt trước Bệnh viện Bạch Mai

"Tôi có may mắn được cùng trường ĐH Giao thông Vận tải tham gia tư vấn thiết kế cho dự án này" - ông cho biết - "Nhìn chung, loạt 20 cây cầu bộ hành xây dựng đợt 1 của Hà Nội khi đó đều đặt tại những khu vực nhức nhối về nhu cầu dân sinh, như trên các tuyến phố Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Hoàng Quốc Việt". Theo lời chuyên gia này, thời điểm ấy, mô hình cầu đi bộ còn khá xa lạ với các kỹ sư Việt Nam. Do vậy, gần như 20 cây cầu bộ hành đợt 1 của Hà Nội đều sử dụng "nguyên xi" thiết kế của người Nhật: Khá chắc chắn nhưng tương đối giản dị về mặt mỹ thuật.

"Nhìn lại, có thể thấy các cây cầu khi đó mang phong cách tối giản của người Nhật, với những thiết kế cơ bản và phổ thông nhất. Cả 20 cầu gần như không có đường cong hay các nét trang trí, bền vững nhưng tương đối nặng nề, có thiết kế mẫu đã định hình nên lắp ráp dễ dàng tại mọi vị trí và cũng có thể di chuyển mang đi lắp tại vị trí khác khi cần" - ông Bình nói - "Ngoài hệ thống mái che, và thảm cao su lót sàn, khoảng một nửa trong số này còn có hệ thống tường bao kín bằng các tấm mica. Có lẽ điều này cũng đến từ phong cách ưa chuộng sự chắc chắn an toàn, đề cao không gian riêng tư của Nhật Bản".

Đáng nói, yêu cầu đặt ra với các cầu bộ hành của Hà Nội khi đó là hoàn thiện trong thời gian ngắn để giải quyết các "điểm nóng" giao thông trước mắt. Trong bối cảnh thông tin về hệ thống cấp thoát nước, hay cáp điện của thành phố chưa được chuẩn bị và cung cấp đầy đủ, việc thi công hệ thống cầu đôi khi "vênh" so với bản vẽ kĩ thuật ban đầu và phải điều chỉnh hệ thống vị trí cọc đỡ, cũng như một số kết cấu cho phù hợp.

Riêng với vị trí đặt cầu, để tránh tối đa những rắc rối trong khâu giải phóng mặt bằng, hệ thống cầu bộ hành này hầu hết đều chọn đặt tại những điểm diện tích công như trường học hay cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống các thang lên xuống kết nối 2 đầu cầu lại khó tránh khỏi… phiền phức.

Cụ thể, với chiều cao tiêu chuẩn là 4m75, các thang lên xuống 2 đầu cầu thường kéo dài khoảng 12 mét. Ở những nơi có không gian chật hẹp, những đoạn thang này sẽ cắt qua mặt khoảng 2 hộ gia đình. Và cũng vì việc chưa chú ý tới ý kiến của những hộ dân có đường lên xuống đi qua trước nhà trong giai đoạn này, phía thực hiện gặp phải phản ứng khá tiêu cực trong một số trường hợp.

Về cơ bản, điều này đến từ đặc trưng của nền kinh tế vỉa hè, khi việc đặt đường lên xuống tại những vị trí quá hẹp có thể gây ảnh hưởng tới việc để xe hoặc bán hàng của mỗi gia đình. Hoặc, người qua cầu có thể… nhìn thẳng vào tầng 2 của các tòa nhà qua hệ thống ban công.

"Có một nghịch lý cần giải quyết: Cư dân luôn hào hứng với việc có thêm cầu đi bộ tại khu vực mình. Nhưng, sự ủng hộ chỉ đến, khi các đường lên xuống không ảnh hưởng tới điều kiện sinh sống của họ" - thạc sĩ Nguyễn Tuấn Bình nói - "Với những trường hợp không thể điều chỉnh lại đường lên xuống, chúng tôi chỉ còn giải pháp đặt lại toàn bộ hệ thống cầu vượt ở vị trí khác, có thể là xa hơn một vài chục mét so với dự kiến ban đầu".

Dù sao, vượt lên những sự cố vì thiếu kinh nghiệm, 20 cây cầu bộ hành đầu tiên của Hà Nội cũng lần lượt hoàn thiện và được dư luận đón nhận khá tích cực. Trong số đó, một số cây cầu vẫn phát huy tốt tác dụng trong nhiều năm qua như các cầu đặt trước bệnh viện Bạch Mai hay gần trường Đại học Thương mại (ngã tư Hồ Tùng Mậu - Phạm Văn Đồng).

Có thể đơn giản về thẩm mỹ và chỉ tập trung vào công năng, nhưng đó là những cây cầu đánh dấu giai đoạn Hà Nội bắt đầu chuyển mình với những công trình giao thông đáp ứng nhu cầu mà nhịp sống hiện đại đặt ra.

Từ những phát sinh trong đợt xây dựng đầu tiên, trong những giai đoạn sau, các cây cầu bộ hành trong khi quy hoạch đều được lấy ý kiến tại các hộ dân ở phạm vi có thể bị ảnh hưởng. Đồng thời, phía thực hiện cũng được yêu cầu có chữ ký xác nhận đồng thuận của toàn bộ các hộ dân này.

(Còn tiếp)

Góc nhìn 365: Đánh thức những cây cầu 'khô cứng'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022