"Cả cuộc đời ông được sống trọn vẹn không chỉ với nghệ thuật, mà còn giữ được tâm hồn, nhân cách đầy lịch lãm, khiêm tốn và trân trọng mọi người" - nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến đúc kết về danh họa Trần Văn Cẩn.

Mới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đã ra mắt sách Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại đây cũng làm lễ tiếp nhận tác phẩm Little Thuy's Minuet (tạm dịch: Vũ điệu của em Thúy) của nhà soạn nhạc Paul Zetter người Anh, lấy cảm hứng từ kiệt tác Em Thúy (sơn dầu, 60 x 45cm, 1943) của Trần Văn Cẩn.

Đây cũng là sự kiện tôn vinh những đóng góp của danh họa Trần Văn Cẩn và tưởng niệm 30 năm ngày mất của ông (1994 - 2024).

Nhạc sĩ Paul Zetter phát biểu tại buổi lễ

Hành trình nghệ thuật

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến, trong bộ tứ danh họa Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn), Nguyễn Gia Trí và Trần Văn Cẩn gần như sống trọn vẹn cả thế kỷ 20.

Suốt cuộc đời mình, Trần Văn Cẩn luôn tuân thủ 3 mệnh đề: lịch sử - di sản và xã hội. Với lịch sử, nghệ thuật của ông trải dài suốt thế kỷ XX, bao gồm từ thời kỳ hiện đại đến kháng chiến chống Pháp, thời kỳ hòa bình, kháng chiến chống Mỹ và đương đại. Đây cũng là con đường được ông son sắt đi đến tận cuối đời.

sach-1723418907836269567121.jpg

Cuốn “Trần Văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”

Dù học ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo khuynh hướng ấn tượng, với thế mạnh về tranh sơn dầu, nhưng ánh sáng và màu sắc trong tranh của Trần Văn Cẩn lại gắn bó với di sản sơn mài truyền thống của Việt Nam.

Ở khía cạnh xã hội, cũng là điều quan trọng nhất, là các tác phẩm của ông có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống. Điều này có thể nhìn từ chủ đề trên tranh của ông ở thời kỳ cận đại, tuy là thời kỳ tiếp thu phương Tây, nhưng chính trong những năm tháng Việt Bắc, thời gian hòa bình và giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, ông đã đóng góp cho nền nghệ thuật Việt Nam với những sáng tác gắn bó với xã hội, từ chiến sĩ, họa sĩ đi theo kháng chiến, đến nông thôn, nông dân Việt Nam với các tác phẩm như Tát nước đồng chiêm, Đưa nước lên cao nguyên, Cho trâu ăn, Nối lại dây gầu… Sức sống các tác phẩm của họa sĩ còn tiếp nối đến ngày nay, khi luôn được công chúng và những người hoạt động nghệ thuật yêu mến.

tiepnhan-1723418907789873594286.jpg

Lễ tiếp nhận tác phẩm âm nhạc “Little Thuy’s Minuet” giữa tiến sĩ Nguyễn Anh Minh (Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân

Qua nhiều câu chuyện, đặc biệt là thời gian mà Trần Văn Cẩn gắn bó với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bà Hải Yến đã nói thêm về cốt cách của họa sĩ.

Bà kể: "Từ năm 1973, danh họa Trần Văn Cẩn là Chủ tịch hội đồng tuyển chọn tranh cho Bảo tàng. Còn tôi vinh dự là thư ký vài nhiệm kỳ mà ông làm Chủ tịch.

Khi đó, tôi thường đến gặp ông vào buổi chiều ở ngôi nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Vào giờ cơm nước như bao nhà, nhưng vì mải trao đổi với tôi mà ông quên luôn cả việc mình đang chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Chúng tôi trao đổi khá nhiều chủ đề, từ chuyên môn đến đời sống xã hội, gồm cả chuyện mua tranh của các sinh viên vẽ quảng cáo. Rồi ông nói về cái nút bằng lá chuối khô ở chai rượu quê và cái lạt buộc đỏ ở bánh cốm, ông luôn nhớ đến các di sản như vậy".

haithieunutruocbinhphong1-17234195201601599427946.jpg

Tác phẩm “Hai thiếu nữ trước bình phong”

Bà Yến kể thêm: "Rồi đến năm mừng thọ ông 70 tuổi - cũng là lần ông mở cuộc triển lãm riêng đầu tiên và duy nhất tại chính phòng chuyên đề của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với hơn 200 tác phẩm. Lúc này, ông Trần Đình Thọ làm Chủ tịch hội đồng đã thống nhất mua gần 200 tác phẩm của Trần Văn Cẩn. Nhưng nghe xong, họa sĩ thắc mắc với chúng tôi: "Sao mua nhiều thế?" và từ chối bán hết, nên chúng tôi chỉ mua được 100 tác phẩm.

hocchu1tu-1723418908467503334520.jpg

Tác phẩm “Học chữ 1 từ”

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn ấy, Bảo tàng chưa đủ tiền để trả ông ngay, mà phải đến 2 - 3 năm sau mới thanh toán được. Mọi người không biết thì hay trêu họa sĩ là sao bán được tranh nhiều mà không thấy khao, còn ông chỉ cười.

Đến lúc đại diện cho Bảo tàng mang tiền gửi ông, tôi đã vô cùng lo lắng, vì phải vác một bị tiền xu. Vậy mà lúc nhận, ông chỉ kể chuyện mình vừa đi gặp các họa sĩ miền Nam để chuẩn bị triển lãm tranh toàn quốc. Nhớ về Trần Văn Cẩn trong dịp này, những ngày gần sinh nhật ông, 13/8, tôi lại càng trân trọng những kỷ niệm với họa sĩ - một người anh, người thầy lớn".

anhoianhbotdauchua-1723418908496227366077.jpg

Tác phẩm “Anh ơi anh bớt đau chưa, nghe đàn xơi chuối cho vừa lòng em”

"Nguyên cốt, nguyên nét tâm hồn đẹp đẽ nhất của Trần Văn Cẩn qua những tác phẩm sơn mài, lụa hoặc khắc gỗ cũng như các ký họa đều không xoay chuyển một nét nào trong suốt hành trình nghệ thuật. Tôi nghĩ đấy là giá trị trường tồn của một danh họa đã giữ được trọn vẹn cho đến tận khi ông đi xa" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định.

Hành trình của "Em Thúy", từ họa đến nhạc

Nhắc đến danh họa Trần Văn Cẩn, phải kể đến Em Thúy, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông (đã được công nhận Bảo vật quốc gia từ năm 2013). Bà Hải Yến nhớ lại thời điểm bức tranh này chính thức vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Những năm 1962 - 1963, Hội Mỹ thuật Việt Nam thường đi mượn tranh của các nhà sưu tầm tư nhân để triển lãm, trong đó có bức Em Thúy, thuộc sở hữu của nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân ở 63 Nguyễn Thái Học.

em-thuy1-1723419295085899252484.jpg

Tranh "Em Thúy”

Khi đó, bạn thân của ông Đỗ Huân là nhà nhiếp ảnh Lê Vượng thường nhắc đến bức tranh này mỗi khi hai người hàn huyên và lúc được đề xuất mang tác phẩm tặng lại bảo tàng, ông Đỗ Huân đã đồng ý.

Trong khi đó, tác phẩm âm nhạc Little Thuy's Minuet (tạm dịch: Vũ điệu của em Thúy) được nhạc sĩ Paul Zetter viết trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Video tập luyện trình diễn tác phẩm “Little Thuy’s Menuet”

"Tôi sống ở Anh, nên sau khi nhận chức trợ lý giám đốc Hội đồng Anh năm 1998, tôi muốn tìm hiểu về Việt Nam trước khi đến đây. Và là một nghệ sĩ, nên tôi muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Tình cờ, tôi đã gặp tác phẩm Em Thúy trong một cuốn sách nghệ thuật" - Paul Zetter chia sẻ.

keo-be-lo-ren-17234189085041372210180.jpg

Tác phẩm “Kéo bễ lò rèn”

Và ông nói thêm: "Lúc xem tranh, thấy ánh mắt trong trẻo, hồn nhiên của Thúy, tôi cảm thấy đồng điệu với nhân vật. Thúy khi đó mới 8 tuổi, là một cô bé đang còn nhiều bỡ ngỡ trước cuộc sống. Và tôi cũng vậy, Việt Nam là một mảnh đất mới, có những con người mới, cuộc sống mới, mọi thứ cũng rất bỡ ngỡ với tôi. Với thế giới xung quanh, tôi và Thúy như tờ giấy trắng. Từ cảm nhận đó về bức tranh mà tôi có cảm xúc âm nhạc, những giai điệu đã đến với tôi từ khi đó".

"Nhưng khi sang Việt Nam, tôi đã phải chờ rất lâu, từ tuần này sang tuần khác mới nhận được chiếc piano điện của mình. Khi mở đàn ra, tôi đã chơi ngay những giai điệu có sẵn trong đầu, nên chỉ mất một buổi sáng là tác phẩm hoàn thành với sự tuôn trào của cảm xúc".

xuongrentrongchienkhu-1723418907696150318477.jpg

Tác phẩm “Xưởng rèn trong chiến khu”

Sau này, khi Paul Zetter có dịp đến thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1998, được trực tiếp xem bức tranh gốc Em Thúy, cũng là lúc ông nhận thấy bức tranh có dấu hiệu xuống cấp, cần được tu bổ. Paul Zetter đã liên hệ với những nhà phục chế từ Anh và Australia, cùng phát động việc tu bổ tranh Em Thúy năm 2000.

Vì sao bức tranh ở thể tĩnh mà nhạc sĩ lại viết nhạc ở hình thức điệu nhảy? Paul Zetter nói mình đã tưởng tượng việc làm mẫu của một em bé 8 tuổi trong thời gian dài chắc hẳn sẽ được "cân bằng" lại bằng cách hoạt động, chạy nhảy sau khi tranh hoàn thành. Và ông muốn diễn đạt điều đó bằng những giai điệu vui tươi, rộn ràng.

ohang-1723418907849263549338.jpg

Tác phẩm “Ở hang”

Tác phẩm lúc đầu có tiết tấu nhẹ nhàng, du dương, nhưng sau đó được thể hiện với sự dồn dập như cuồng phong còn là cách thể hiện những liên tưởng của Paul Zetter về Việt Nam giai đoạn 1945, khi đất nước chuẩn bị bước sang trang sử mới.

Và "sự liên hệ giữa hội họa, âm nhạc và cả xã hội trong tác phẩm Little Thuy's Minuet xuất phát từ việc cảm hứng của một nghệ sĩ luôn đến từ cuộc sống" - Paul Zetter cho hay.

Tác phẩm Little Thuy's Minuet có hai phiên bản, trong đó phiên bản gửi tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân chuyển soạn cho 6 nhạc cụ. Sau sự kiện này, tác phẩm sẽ tiếp tục đến với công chúng trong chương trình "Khi âm nhạc hòa quyện với mỹ thuật", đang được Bảo tàng triển khai thực hiện.

tacphamm-17234192951271637684745.jpg

Các tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn trong cuốn sách

Video về họa sĩ Trần Văn Cẩn

Vài nét về Trần Văn Cẩn

Kiệt tác Em Thúy được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2013. Trước đó 80 năm, 1943, tác phẩm ra đời và được trưng bày lần đầu tại triển lãm của FARTA (Hội Nghệ thuật An Nam) ở Hà Nội.

Nguyên mẫu là khuôn mặt thiên thần của cô cháu gái 8 tuổi (sinh 1935), sau này là nhà giáo Nguyễn Minh Thúy, qua đời tại Hà Nội hôm 9/7/2024.

Trần Văn Cẩn thể hiện tài năng ở nhiều mặt, từ tranh lụa, tranh sơn mài, tranh sơn dầu đến tranh khắc gỗ. Nửa đầu sự nghiệp, ông có đóng góp rất quan trọng trong việc tìm tòi và hoàn thiện kỹ thuật tranh sơn mài. Nửa sau sự nghiệp, ông dấn thân cho sự nghiệp mỹ thuật, phục vụ nhân dân, phụng sự nền mỹ thuật của dân tộc.

Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, Huân chương độc lập hạng Nhất và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Trần Văn Cẩn được đặt tên đường ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) và quận Tân Phú (TP.HCM)…

Ngoài kiệt tác Em Thúy, các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến Cảnh bờ sông (khắc gỗ màu), Gội đầu (khắc gỗ), Bên ao sen (sơn dầu), Hai thiếu nữ trước bình phong (lụa), Nắng trong vườn (sơn dầu), Mùa Thu (sơn mài), Nữ dân quân vùng biển (sơn dầu), Mùa Thu đan áo (sơn mài), Tát nước đồng chiêm (sơn mài)…

Về cuốn sách vừa phát hành

Cuốn sách Trần văn Cẩn - Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam in 105 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm lần đầu tiên được công bố. Chủ biên cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến cho biết việc thực hiện khá thuận lợi, vì Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi sở hữu nhiều tác phẩm của ông nhất.

"Nên khi làm sách, chúng tôi chỉ phải chọn những bức tranh phù hợp với từng đề mục. Và cũng rất đúng với cuộc đời ông, nên độc giả không cần đọc nhiều, chỉ cần xem tranh là hiểu ông đã gắn bó với lịch sử Việt Nam như thế nào" - nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến cho biết.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa Trần Văn Cẩn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022