Người Việt Nam từng rất quen thuộc với trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ; từng nhớ những ghi chép trong cổ thư về phong tục gõ trống đồng báo hiệu khi nhà có việc… thì sẽ rất hứng thú khi đọc sách Trống đồng Đông Nam Á của tác giả Jacques de Guerny (NXB Tri thức). Có lẽ đây là cuốn sách hiếm hoi chuyên về trống đồng Đông Nam Á.

Jacques de Guerny giới thiệu cho chúng ta không chỉ trống đồng Việt Nam, Hoa Nam (Trung Quốc) mà cả một thế giới trống đồng Đông Nam Á: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia. Công trình dẫn dắt người ta từ quê hương của trống đồng là tam giác Việt Nam - Vân Nam - Quảng Tây từ thiên niên kỷ thứ nhất, sau đó phát triển ra Myanmar, Thái Lan và các quốc gia hải đảo.

Cuốn “Trống đồng Đông Nam Á”

Công trình cũng giới thiệu kỹ thuật đúc trống đồng, ý nghĩa của các họa tiết trên mặt trống, phong tục gõ trống đồng. Trống đồng không chỉ gõ như trống da, mà nó còn được gõ theo kiểu giả lên mặt trống, được đeo lên người mà gõ (trống nhỏ). Trống được sử dụng để báo hiệu, để gõ trong các lễ hội, được dùng trong các nghi lễ thờ thần, trong ma chay, dùng trong nhạc lễ cung đình, và nhất là được dùng trong chiến trận. Trên mặt trống đồng còn ghi khá rõ các phong tục dùng trống.

trong-dong-1-17205690259051075285107.jpeg

Việt Nam là cái nôi của trống đồng. Từ khi Viện Viễn Đông Bác Cổ phát hiện cái trống đầu tiên ở Thanh Hóa, đến nay người ta đã sưu tập được trên 600 cái trống lớn nhỏ. Trống đồng Việt Nam phần nhiều thuộc loại một, to lớn, tinh xảo. Ở Bắc Ninh vài chục năm trước đây người ta còn đào được một cái khuôn gốm đúc trống đồng. Sử sách còn ghi lại tướng nhà Hán, nhà Minh (Trung Quốc) từng thu hàng chục trống đồng để nấu ra lấy đồng; hoặc trống đồng từng là cống vật cho các triều đình Trung Quốc. Sứ thần nhà Nguyên từng viết về uy lực của âm vang trống đồng sau khi thất trận ở Đại Việt: "Kim qua ảnh lý đan tâm khổ/ Ðồng cổ thanh trung bạch phát kim" (Lờ mờ giáo sắt, lòng kinh khiếp/ Ầm ầm tiếng trống, tóc bạc phơ).

Jacques de Guerny không phải là nhà sử học, ông là một doanh nhân người Pháp, một giáo sư về kinh tế học, nhưng yêu thích trống đồng, ông bỏ nhiều thì giờ, công sức để nghiên cứu các tài liệu về trống đồng, đi hầu khắp các nước, các bảo tàng có lưu giữ trống đồng, nhờ thế ông có một kiến thức vững chắc, sâu rộng và có hệ thống về trống đồng Đông Nam Á. Công trình viết bằng tiếng Pháp được dịch giả Đào Tuyết Nga dịch một cách nghiêm túc, thú vị, mà thanh thoát.

ngoc-lu-1720569025751702634844.jpeg

Trống đồng Ngọc Lũ in trong sách

song-da-1720569025894358515042.jpeg

Trống đồng Sông Đà

cau-nguyen-1720569025470983597878.jpeg

Người Kmmu cầu nguyện trước trống đồng

danh-trong-172056902554411339023.jpeg

Lễ hội trống đồng hiện đại ở Quảng Tây, Trung Quốc

Trống đồng Sông Đà - Từ nhà quan lang Mường đến Paris

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022