Bóng đá Việt Nam rộn ràng những thương vụ khủng

Ngày 13/8, bóng đá Việt Nam tiếp tục chứng kiến thêm một thương vụ có giá trị lên tới cả triệu USD trên thị trường chuyển nhượng khi thủ thành Đặng Văn Lâm chính thức gia nhập CLB Thanh niên TP.HCM – tân binh của giải hạng Nhất 2024/2025.

Theo những thông tin được chia sẻ, số tiền nhận về cho bản hợp đồng kéo dài tới 4 năm của thủ thành mang 2 dòng máu Việt – Nga lên tới gần 30 tỷ đồng, chưa tính tiền lương, thưởng hoặc các chế độ đãi ngộ khác.

bong-da-vn-1.jpgĐặng Văn Lâm chính thức rời Bình Định để khoác áo đội hạng nhất Thanh niên TP.HCM. Ảnh: SN

Dù nhận số tiền lót tay lớn ngang với kinh phí mà một CLB ít tham vọng ở sân chơi hạng Nhất cần, nhưng thực tế thương vụ của Văn Lâm cũng chưa phải kỷ lục của bóng đá Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại khi vẫn sau Quang Hải, Tuấn Hải và có thể là Hoàng Đức tới đây.

Và đáng nói, Văn Lâm cũng chỉ nằm trong số hàng chục thương vụ chuyển nhượng bạc tỷ đối với nội binh ở mùa này, chưa tính những trường hợp ngoại binh hay như sao hạng A tại V-League kiểu Jason Pendant Quang Vinh chẳng hạn.

... nhưng sau đó đừng là nắng hạn

Sòng phẳng mà nói, thị trường chuyển nhượng V-League, hạng Nhất sôi động với những thương vụ đình đám là đáng mừng, khi ít nhất nền bóng đá ấy vẫn còn sức sống hay giúp các cầu thủ đổi đời.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn sợ rằng sau “cơn mưa tiền” bóng đá Việt Nam lại quay trở lại thời nắng hạn không chỉ ở thị trường chuyển nhượng mà còn khiến các giải đấu chấp chới cũng vì… tiền, nhưng ở chiều ngược lại là: Thiếu thốn.

bong-da-vn-2.jpgNhững thương vụ triệu USD mùa này như của Văn Lâm, Quang Hải là chẳng hiếm. Ảnh: CLB

Nỗi sợ hãi ấy chẳng phải là mơ hồ, trái lại rất trực quan với trường hợp của CLB Bình Định - đương kim á quân V-League 2023/2024 chẳng hạn.

Ít mùa trước, đội bóng đất Võ ngay khi trở lại V-League đã được người hâm mộ gắn mác “PSG của Việt Nam”. Nhưng bây giờ, sau chức á quân có được, đang đối mặt với hàng loạt sự ra đi vì khó khăn về tài chính là chủ yếu chứ không hẳn chuyện thay cách làm.

Câu chuyện gần là thế, còn quá khứ nhiều người hẳn còn nhớ những năm 2008 đến quãng 2014, khi ấy bóng đá Việt Nam cũng xuất hiện các ông bầu mới và thị trường chuyển nhượng cũng sôi động chẳng kém.

Khi ấy nhiều người từng khẳng định bóng đá Việt Nam giờ cứ bước chân ra khỏi sân sẽ gặp các cầu thủ tỉ phú cũng chẳng sai là bao khi cứ chuyển nhượng mặc nhiên có giá tiền tỉ bất chấp năng lực xứng hay không.

Sau chu kỳ thị trường chuyển nhượng rực rỡ ấy, các ông bầu hết tiền, làm ăn khó khăn dẫn tới lấy cớ giải đấu chưa sạch, các cầu thủ còn bán độ… nên lần lượt tháo chạy khỏi V-League. Bóng đá Việt Nam bỗng “khô hạn” cả về thành tích lẫn sức sống như thế nào không cần phải nói lại.

Vậy nên, nhìn những cơn mưa tiền đang nhảy nhót ở V-League, giải hạng Nhất lúc này chẳng thể không lo cho tương lai khi các ông bầu, đội bóng chán và nghỉ chơi.

Cũng chẳng xa xôi gì, cứ nhìn ở V-League nhiều đội còn nợ lương, thưởng, thậm chí bị FIFA phạt hay tới giải hạng Nhất không đủ tiền tham dự thì sẽ thấy âu lo nói trên chẳng thừa.

indonesia.jpg?width=150Yolo
Bóng đá Việt Nam liên tục thất bại trước Indonesia

Theo Vietnamnet

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022