Đã 70 năm trôi qua kể từ ngày diễn ra sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau. Từ đó đến nay, cả nước cũng như tỉnh Cà Mau đã trải qua nhiều chặng đường lịch sử, song đây luôn là một dấu mốc tự hào để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau trân trọng lịch sử, tri ân thế hệ đi trước, vững bước vươn lên, phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Thiết thực tri ân
Tự hào truyền thống, tri ân những người có công với đất nước, tập trung phát triển kinh tế - xã hội để đời sống người dân ngày càng được nâng lên, quê hương ngày càng đổi mới chính là thiết thực thể hiện sự trân trọng với lịch sử hào hùng, xứng đáng với những hi sinh của thế hệ đi trước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Trung Việt cho biết: Cà Mau sẽ tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, để mang lại nhiều kết quả tích cực như thời gian qua. Tỉnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững. Cà Mau cũng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Các cấp, ngành quan tâm chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo tồn bản sắc văn hóa nông thôn.
Biểu tượng của Đất Mũi Cà Mau là tiểu cảnh Pano hình con tàu hướng ra biển Đông. Nguồn: vnexpress.net
Phát huy lợi thế là tỉnh duy nhất nước ta có 3 mặt giáp biển, là địa phương nơi địa đầu phía Nam Tổ quốc, Cà Mau đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm… Tính riêng trong năm 2024, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng: Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 47.983 tỷ đồng (tăng 6,53%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 72,6 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.265 triệu đô la Mỹ, tăng trên 5% so với năm 2023...
Bên cạnh nhiều kết quả đáng khích lệ, Cà Mau cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Từ nền tảng vùng đất giàu truyền thống, được sự chỉ đạo, định hướng sát sao của Đảng, Chính phủ, nhân dân đoàn kết, thủy chung một lòng, Cà Mau sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, nỗ lực khắc phục khó khăn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều thành tựu mới trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân cho biết thêm.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Cà Mau Nguyễn Hoàng Đạo, những ngày này, tuổi trẻ Cà Mau tự hào được giao nhiệm vụ cùng với nhân dân tái hiện sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc tại huyện Thới Bình. Đây là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, tri ân các thế hệ cha anh, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lịch sử lưu dấu và những lời nhắn nhủ
Cùng với gắn biển di tích lịch sử tại Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam ở xã Trí Phải (huyện Thới Bình), tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) - nơi trước đây những chuyến tàu nhổ neo, đưa cán bộ, chiến sĩ học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, cụm công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 với thiết kế cách điệu hình tượng chiếc tàu vươn khơi được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc là công trình mang nhiều ý nghĩa của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau. Tại địa điểm này, tối 16/11 dự kiến diễn ra cầu truyền hình Cà Mau - Thanh Hóa - Hải Phòng với chủ đề “Hẹn ngày thống nhất” .
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã quyết định bổ sung Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) vào Di tích lịch sử quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn cuối năm 1949 - 1955) tại tỉnh Cà Mau.
Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam được xây dựng năm 2004. Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, dịp này trên địa bàn tỉnh còn diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc như: Hội thảo khoa học 200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử; các hoạt động triển lãm, giới thiệu tư liệu hiện vật của các học sinh miền Nam, cán bộ, bộ đội từng tập kết ra Bắc; biểu diễn nghệ thuật, ngày hội thả diều, đua vỏ lãi..., tái hiện các hoạt động trong khu vực tập kết năm xưa. Qua đó, tiếp tục khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp của cha ông, xây dựng và phát triển quê hương.
Bên dòng Chắc Băng trong những ngày lịch sử này, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững chia sẻ, lịch sử mãi còn lưu dấu từ vùng đất Thới Bình có cây vú sữa được chuyển ra Bắc kính tặng Hồ Chủ tịch trong giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt của đất nước. Dòng kênh Chắc Băng, sông Trẹm hiền hòa chứng kiến 200 ngày tập kết, chuyển quân ra Bắc hào hùng, luôn là “chứng nhân” lịch sử đầy tự hào để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thới Bình tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng quê hương. Dự kiến cuối năm 2024, huyện hoàn thiện, làm hồ sơ đề nghị công nhận hai xã Trí Lực và Trí Phải là xã nông thôn mới nâng cao với các tiêu chí nổi trội.
Cùng với quan tâm phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động và lời kêu gọi của Trung ương MTTQ Việt Nam với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”; thực hiện Chỉ thị 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, đồng thời thể hiện tấm lòng tri ân những gia đình có công với đất nước, dịp này, tỉnh Cà Mau cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 50 hộ gia đình có công, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Thới Bình.
“Đất nước mình nói chung, quê hương Cà Mau nói riêng hôm nay đã đổi thay phát triển nhiều lắm. Tôi mong những thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phát huy, để quê hương, đất nước ngày càng giàu, càng đẹp, người dân hạnh phúc hơn”- bác Dương Thanh Toàn, bộ đội tập kết ra Bắc (hiện ở Phường 5, thành phố Cà Mau) bày tỏ.
Còn cô Đàm Thị Ngọc Thơ - học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, hiện ở Phường 9, thành phố Cà Mau nhắn nhủ chân thành: "Ra Bắc khi còn là học sinh, tôi được đùm bọc, yêu thương, từ đó nỗ lực rèn luyện, học tập và trưởng thành, trở thành cô giáo. Sau này trở lại quê hương Cà Mau, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người cho đến ngày nghỉ hưu, tôi tin thế hệ trẻ hôm nay sẽ kế tục xứng đáng và đạt được nhiều thành tựu mới. Hãy luôn khát khao cống hiến, rèn luyện, trưởng thành với tâm niệm “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, các bạn trẻ chắc chắn sẽ tiếp tục đưa quê hương, đất nước ta phát triển nhiều hơn.