Trên chuyến tàu tập kết ra Bắc xuất phát từ bến Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) có một món quà rất đặc biệt từ Cà Mau được gửi ra miền Bắc, chuyển tới Bác Hồ kính yêu, đó là cây vú sữa nhỏ xanh non. Món quà giản dị nhưng thể hiện thông điệp thật ý nghĩa: Đồng bào miền Nam luôn nhớ thương Bác, luôn vững vàng một lòng theo Đảng, cách mạng và mong chờ ngày thống nhất hai miền Nam - Bắc.

Cây vú sữa nhỏ trên chuyến tàu tập kết

Liên quan đến sự kiện tập kết ra Bắc, trong những ngày chuyển quân cuối cùng ở Cà Mau, tiễn cán bộ, chiến sĩ và học sinh lên tàu ra Bắc, các bà, má (mẹ) thay mặt nhân dân Cà Mau gửi tặng chiến sĩ nắm đất quê hương và dặn dò: “Con ra thưa với Bác Hồ. Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”. Trong đó, má Lê Thị Sảnh (hiện đã mất) lúc đó tham gia công tác Hội Phụ nữ cứu quốc xã Trí Phải, huyện Thới Bình quyết định mang một cây vú sữa cao khoảng 20 cm, trao cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên (Đại đội trưởng Đại đội pháo binh 370, Tiểu đoàn 307) nhờ đưa ra Bắc, chuyển đến Hồ Chủ tịch kính yêu.

Nhân dân miền Bắc đón tiếp cán bộ, bộ đội và nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc tại bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), theo quy định tại Hiệp định Geneva (25/9/1954). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tài liệu từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau còn ghi lại: Má Sảnh đã nói rằng, khi thấy cây vú sữa từ quê hương nơi xa nhất của miền Nam, Bác sẽ như thấy đồng bào miền Nam. Má thay mặt các bà má ở Cà Mau hứa sẽ cùng đồng bào tiếp tục đấu tranh đến ngày thống nhất đất nước.

Hành trình ra Bắc dù dài ngày với không ít cam go nhưng nhờ sức sống bền bỉ của cây, sự chăm sóc, bảo vệ của các cán bộ, chiến sĩ trên chuyến tàu tập kết, cây vú sữa nhỏ vẫn xanh tươi, an toàn, trở thành món quà vô giá gửi tới Bác Hồ vào đúng mùa Xuân năm 1955.

Về ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, trong khuôn viên khu di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, chúng tôi được bà Đỗ Thị Lệ (77 tuổi) là cháu của má Sảnh kể lại: Cách đây 70 năm, khi cán bộ, bộ đội về ở xã Trí Phải, Trí Lực chờ tập kết ra Bắc, xóm ấp vui lắm.

"Tôi lúc  đó 7 tuổi còn nhớ bà của tôi đã sai con gái đi bứng cây vú sữa nhỏ để bà gửi theo tàu ra Bắc dâng tặng Bác Hồ. Bà còn nấu cơm, xay bột, nấu nồi chè trôi nước rất to cho bộ đội ăn", bà Huệ nhớ lại.

Cũng là cháu của má Sảnh, ông Lê Thanh Hùng (54 tuổi) chia sẻ thêm: “Lúc bà tặng cây vú sữa cho Bác Hồ, tôi chưa ra đời. Nhưng sau này, những năm tháng tuổi thơ, khi bà còn sống, tôi thường được bà kể cho nghe câu chuyện bà đã nhờ bộ đội ra Bắc chuyển cây vú sữa nhỏ kính tặng Bác Hồ. Bà còn kể đã cùng chị em may vá quần áo, nấu cơm, xay rất nhiều bột để nấu chè trôi nước trong nồi đất rất to, mời cán bộ, bộ đội ăn những ngày chờ lên tàu ra Bắc”.

Nối dài những mùa trái ngọt lành

Theo tài liệu của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch: Cây vú sữa miền Nam từ mảnh đất Cà Mau xa xôi được nâng niu, chăm sóc an toàn, đã được kính tặng Bác Hồ vào mùa Xuân năm 1955. Bác trồng cây ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 1954, nơi Người ở 4 năm đầu tiên trong Phủ Chủ tịch. Hằng ngày, dù bận nhiều công việc nhưng Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cây non. Mùa Đông đến, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây.

vnapotalkyniem130namngaysinhchutichhochiminh1951890-1952020canggiandibachocangvidai1052135644686586-17314727033921942501544.jpg

Cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi tặng được Bác Hồ trồng và chăm sóc hằng ngày ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 54, nơi Bác ở 4 năm đầu tiên trong Khu Phủ Chủ tịch. Tháng 5/1958, khi chuyển sang sống và làm việc tại ngôi Nhà sàn, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn, dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hằng ngày, làm việc tại Nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tháng 5/1958, Bác Hồ chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn. Cuối năm đó, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn, dường như Bác muốn cây vú sữa miền Nam luôn ở gần bên Bác. Hằng ngày, làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người. Cùng với các loài cây trong vườn Bác, cây vú sữa đã gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc trong Phủ Chủ tịch, trở thành biểu tượng tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào miền Nam ruột thịt.

Thời gian trôi qua đã lâu, nhiều bậc cao niên từng có mặt trong dịp 200 ngày tập kết ra Bắc, tại các xã Trí Phải, Trí Lực (huyện Thới Bình) nay cũng không còn. Nhưng những ngày này, ghé vào một nhà người dân bất kỳ, khách đều có thể được nghe kể câu chuyện năm xưa má Sảnh từng gửi cây vú sữa ươm trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc ra tặng Bác Hồ kính yêu.

Sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện di nguyện của Bác, năm 1990, cây vú sữa miền Nam trồng trong Phủ Chủ tịch đã được nhân giống bằng phương pháp chiết cành, đưa về Cà Mau thân thương. Hiện nay, cây vú sữa phát triển xanh tốt bên Đền thờ Bác Hồ tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình), là biểu tượng thiêng liêng của tấm lòng Bác Hồ với nhân dân miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam nói chung, người dân Cà Mau nói riêng với Bác Hồ, với Đảng và tình đoàn kết gắn bó Nam - Bắc một nhà mãi mãi trường tồn.

Phát huy truyền thống, nối dài những mùa trái ngọt lành, nhiều năm nay, phong trào trông cây vú sữa nhớ Bác được phát động nhân rộng ở các địa phương tại Cà Mau. Qua đó, khắc sâu tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau, miền Nam đối với Bác Hồ, góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Phó Bí thư Huyện đoàn Thới Bình Nguyễn Hoài Nam thông tin: Trong dịp kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc, tuổi trẻ Cà Mau nói chung, huyện Thới Bình nói riêng rất tự hào được tham gia chuỗi các hoạt động tái hiện 200 ngày tập kết ra Bắc năm 1954 với nhiều phần việc ý nghĩa, thể hiện tình quân dân “như cá với nước”.

Các đoàn viên, thanh niên đến cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người dân, tham gia sửa nhà cho gia đình chính sách, góp sức thực hiện phong trào xóa nhà dột nát, thắp sáng đường quê, làm đường Cờ Tổ quốc, bờ kè chống sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, các đoàn viên, thanh niên trồng cây vú sữa trên một số tuyến đường, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, vừa góp phần giáo dục truyền thống để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử đất nước, những hi sinh của thế hệ cha anh, đồng thời thể hiện quyết tâm tiếp nối truyền thống, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài 3: Tự hào vùng đất cực Nam của Tổ quốc

70 năm tập kết ra Bắc - Ký ức không phai (Bài 1): Ký ức không phai

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022