Diện mạo văn học Việt Nam 50 năm qua kể từ dấu mốc 1975 ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trên lĩnh vực thi ca. Sự phát triển của thơ trong dòng chảy văn học đương đại ghi dấu ấn trên nhiều bình diện như lực lượng sáng tác, đề tài, thể loại, giọng điệu, thi pháp,… nhưng đều hướng tới tinh thần đổi mới như một yêu cầu tất yếu.

Và, theo nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu, những đổi mới trong hành trình 50 năm của thi ca Việt Nam từ năm 1975 tới nay là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam đương đại.

Từ những thế hệ thơ…

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, sau thế hệ thơ Tiền chiến (1930 - 1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh với thế hệ thơ Kháng chiến (1945 - 1975). Trong 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 50 năm sau chiến tranh, thế hệ thơ Hậu chiến (1975 - 2015) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới.

Ông nhận xét: "Cho đến nay, đã 50 năm sau chiến tranh, cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh".

Tập tiểu luận phê bình "Thơ Việt Nam tìm tòi & cách tân (1975 - 2015) của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Trong khi đó, PGS-TS Hồ Thế Hà nhấn mạnh: "Sau 1975, nền thơ Việt Nam hội tụ nhiều thế hệ nhà thơ đông vui và giàu nhiệt huyết sáng tạo. Các thế hệ nhà thơ trong cuộc đại đoàn viên lần này đa dạng, đa thanh và đa khu vực…"

"Ở khu vực phía Nam, còn có các thế hệ nhà thơ ở chiến trường, từ những cánh rừng trở về sau chiến tranh, có các thế hệ ở trong lòng các đô thị miền Nam, bên cạnh các thế hệ là học sinh, sinh viên yêu nước ở đô thị miền Nam, rồi các thế hệ trưởng thành trong hòa bình từ 1975, đặc biệt là thế hệ từ đầu thế kỷ 21 đến nay" - chuyên gia cho biết.

Theo ông Hà, các thế hệ sáng tác này, bằng kinh nghiệm và phong cách riêng, khuynh hướng riêng đã tạo ra sự đa thanh, phức điệu cho tổng thể phong trào. Những tiếng nói thi ca theo phong cách riêng ấy không loại biệt nhau, trái lại cộng hưởng nhau, tạo nên dàn hợp xướng ngôn từ thi ca âm vang, độc đáo, tươi sáng; tích hợp thành những giọng điệu và tư duy sáng tạo khác nhau.

"Đặc biệt, càng về sau, nhất là bước sang thế kỷ 21, các khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa được các thế hệ nhà thơ trẻ vận dụng và thể nghiệm bước đầu thành công, đem lại cho nền thơ những thông điệp thi ca mới mẻ" - ông Hà phân tích - "Không thể không thừa nhận có sự khác biệt về ngôn ngữ, giọng điệu thi ca ở các thế hệ cầm bút, ở các lứa tuổi thi sĩ và ở các vùng miền, nhưng cũng không thể không thừa nhận sự ảnh hưởng và học hỏi lẫn nhau ở các thế hệ cầm bút - từ thế hệ các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới đến thế hệ các nhà thơ sau 1975 và thế hệ đầu thế kỷ 21 đến nay".

Đến những đổi mới quan trọng

Từ những thế hệ thơ đã định hình, giai đoạn thơ Việt Nam sau năm 1975 bắt đầu có những đổi mới quan trọng. Như lời nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là việc họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp.

"Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới" - ông Chiến dẫn chứng.

cachtantho-17333716686672135758864.png

Một số tập thơ mang dấu ấn cách tân của Nguyễn Quang Thiều

Cũng theo nhà thơ này, các nhà thơ sau 1975 không mấy khi phải gồng mình lên để nói những điều lớn lao. Cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc hoạ được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời.

"Đọc thơ họ, chúng ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng rậm đặc, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng - cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm" - ông Chiến bày tỏ - "Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực - làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận".

Còn TS Đoàn Ánh Dương cho rằng, thơ Việt Nam đương đại dù phát triển khá đa dạng, nhưng nhìn chung vẫn có thể chia làm 2 dòng phổ biến: Trong cái đa bản chất của thơ, hoặc người ta hướng đến các trò chơi ngôn từ (con chữ) hoặc hướng đến các trò chơi ngữ nghĩa (ý tưởng).

Ở một góc độ nào đó, chẳng hạn, thơ của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… là thơ hướng đến các trò chơi ngôn ngữ; thơ của Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quyến, Vi Thùy Linh,… là thơ hướng đến các trò chơi ngữ nghĩa.

Theo ông Dương, còn nhiều trò chơi khác nữa mà thơ đương đại hướng đến như trò chơi diễn trò (đồng dao, thoại kịch), trò chơi trình diễn (thơ trình diễn), trò chơi dán ghép (thơ hình ảnh)… Ở mỗi trò chơi, nhịp điệu thơ được hiểu như là vận động của sinh thể nghệ thuật đều bộc lộ những điểm độc đáo, mới mẻ.

Từ đây, nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương nhấn mạnh, những nhịp điệu thơ này cho thấy những biến chuyển về mặt thi pháp của thơ đương đại so với truyền thống. Nếu đặt một góc nhìn thơ Việt Nam đương đại từ nhịp điệu, ta sẽ chứng minh được có sự xuất hiện của một kiểu loại thơ mới.

"Chỉ có điều, thành tựu của thơ đương đại so với thơ các thời kỳ trước, thậm chí, so với văn xuôi đương đại còn quá mỏng mảnh, khiến nhiều khi cái khác biệt ấy vẫn chưa đủ sức để thơ đương đại tự minh định mình. Thơ Việt Nam đương đại đã và đang tô điểm cho sắc màu riêng có của nó. Và, nó có đóng góp quan trọng của thế hệ nhà văn sau 1975" - ông nói.

Một thế hệ đổi mới

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, những nhà thơ xuất hiện sau 1975 đã là một thế hệ đổi mới quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Trong số họ có những người đã cầm bút từ trước đó, nhưng thành tựu thơ ca chính lại xuất hiện và được ghi nhận sau 1975.

"Có thể tạm phân định các nhà thơ này theo 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến (xuất hiện từ năm 1975 đến năm 2000). Đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại" - ông nói - "Nhóm thứ hai là các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2025 với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận".

(Còn tiếp)

50 năm văn học Việt Nam từ 1975 (kỳ 1): 3 bước ngoặt của sáng tạo

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022