Trường Mỹ thuật Đông Dương được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn thành lập theo Nghị định ký ngày 27/10/1924 tại Hà Nội. Nhà trường khai giảng khóa học đầu tiên vào năm 2025. Từ những dấu mốc này, sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương được đánh giá như một dấu ấn lịch sử quan trọng tạo ra những triển vọng mới mở đầu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Đây là khẳng định được nhiều chuyên gia thống nhất tại Hội thảo khoa học Trường Mỹ thuật Đông Dương và sứ mạng lịch sửdiễn ra ít ngày trước tại Hà Nội. Hội thảo do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển Trường Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân củaTrường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay).

Từ dự án đổi mới nghệ thuật…

Theo PGS-TS Đoàn Thị Mỹ Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương là kết quả của một "hành trình" đi từ những ý tưởng phục hồi nền thủ công mỹ nghệ đang chậm phát triển đến một dự án nghệ thuật do chính quyền thực dân Pháp khởi xướng vào đầu thế kỷ 20. Dự án đổi mới nghệ thuật này hướng đến mục đích củng cố những kỹ thuật bản địa và cung cấp những kiến thức nghệ thuật đến từ phương Tây nhằm "Tây hóa" nghệ thuật Việt Nam. Và, ngôi trường này hình thành đã tạo nên một thiết chế và chương trình dạy học độc đáo bởi có sự kết hợp ảnh hưởng của 2 nền văn hóa Pháp - Việt Nam.

Hội thảo khoa học “Trường Mỹ thuật Đông Dương và sứ mạng lịch sử”

Ở đây, chuyên gia này nhấn mạnh đến sự xuất hiện của Victor Tardieu (1924 - 1937) ở Việt Nam như một "điểm sáng" đáng ghi nhận trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Theo đó, năm 1921, Victor Tardieu đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương một bản báo cáo, trong đó khẳng định sự cần thiết mở một trường dạy mỹ thuật ở Hà Nội. Sự thuyết phục về "tài năng nghệ thuật đặc thù của những người An Nam" và về sự cần thiết "được dẫn lối… để có thể bộc lộ và tỏa sáng" bởi "những khóa đào tạo chất lượng" dành cho "những tài năng bị chôn vùi của giới trẻ địa phương" đã giúp bản báo cáo này nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Thực tế, vấn đề mà Tardieu đặt ra ở thời điểm này không phải không có cơ sở. Bởi trước đó, chính quyền Pháp cũng đã lưu tâm đến khả năng suy thoái của nghệ thuật bản địa, thể hiện trong các bài viết, bài phát biểu của một số người Pháp như: Nhà báo Albert Maybon, Pierre Rey, Henri Gourdon…" - bà Hương dẫn chứng - "Họ nhắc đến những vấn đề đặt ra đối với sự tiến bộ của mỹ thuật ở các nước Đông Dương; về sự cố gắng thành lập các trường học để duy trì truyền thống nghệ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm; về chương trình đào tạo hội họa và tạo hình theo thiên nhiên cần được đặt ra tại Bắc kỳ…".

Ví như nhà báo Albert Maybon đã từng viết trên tạp chí Revue Indochinoise illustrée số ra tháng 4/1912 về việc thành lập một cơ sở đào tạo mỹ thuật ở Hà Nội "thì có lẽ đất nước này sẽ chiếm một vị trí quan trọng trong nền công nghiệp mỹ thuật mới của Viễn Đông".

Cùng có ý tưởng tương tự, Pierre Rey hy vọng về một chương trình giảng dạy nghệ thuật bản địa, "nơi những người trẻ tuổi không chỉ được học lý thuyết mà còn được thực hành, được tìm hiểu về đối tượng sáng tác, về các quy tắc tạo hình, về nguồn cảm hứng trong tạo hình; nơi đội ngũ giáo viên là người Pháp và người bản địa"…

hocve-1730245602935988736480.jpg

Trong giờ học vẽ mẫu tại Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

TS Mỹ Hương cho rằng, những ý tưởng này chính là sự khởi đầu khơi mào một dự án nghệ thuật tại Đông Dương của Victor Tardieu với mục tiêu: Thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam thông qua sự kết hợp nghệ thuật truyền thống Việt Nam với kỹ thuật và phong cách hiện đại phương Tây để tạo ra một thế hệ nghệ sĩ Việt Nam mới được đào tạo cả về kỹ thuật truyền thống và hiện đại.

Cụ thể hơn, dự án đổi mới nghệ thuật Đông Dương của ông hướng đến việc thành lập một ngôi trường dạy mỹ thuật đặt tại Bắc kỳ. Đây sẽ là nơi góp phần giáo dục và nuôi dưỡng thị hiếu cho người dân xứ Đông Dương, giúp họ hiểu được giá trị của nghệ thuật truyền thống; mang đến những điều mới mẻ về những kiến thức trong tạo hình và phát huy ưu thế, đặc trưng nghệ thuật phương Đông.

Đến ngôi trường mang sứ mạng lịch sử

Bằng những nỗ lực và tình yêu xứ sở xa xôi ở phương Đông, cuối cùng Victor Tardieu và cộng sự Nam Sơn (Nguyễn Nam Sơn, 1890 - 1973) đã đạt được nguyện vọng của mình. Theo đó, ngày 27/10/1924, Phủ toàn quyền đã ban bố quyết định thành lập École des Beaux-Arts de l'Indochine (Trường Mỹ thuật Đông Dương) dưới sự điều hành của Victor Tardieu với tư cách là hiệu trưởng.

giohoc-1730245602916549874583.jpg

Trong một giờ học của Ban Kiến trúc tại Trường Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1930. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ thời điểm thành lập này, sự định hình phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng của vị hiệu trưởng người Pháp. Theo TS Hoàng Thị Đào (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), Victor Tardieu là người đại diện tiêu biểu cho mối giao lưu văn hóa Pháp - Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Ông đã có những tư tưởng đi khác hướng với mục tiêu mở trường của chính quyền thực dân.

"Với mong muốn để người An Nam tìm lại diện mạo của mình, trong suốt những năm làm việc, ông đã cố gắng bảo vệ sự tồn tại của ngôi trường và tạo lập chương trình giảng dạy tổng quát với tư tưởng, triết lý mang tính khai phóng. Sự cống hiến của ông đã mang lại danh tiếng cho ngôi trường ở Đông Dương và chính quốc. Và như vậy, ngay từ khi thành lập, ngôi trường đã mang trên mình những sứ mạng hết sức đặc biệt và phức tạp" - bà Đào nhấn mạnh.

Như lời chuyên gia này, trái với mong muốn của chính quyền thực dân Pháp về ngôi trường, dưới sự lãnh đạo của Victor Tardieu và những phương pháp đào tạo khoa học của Trường Mỹ thuật Quốc gia Paris, kết hợp với nghệ thuật Á Đông và văn hóa Việt Nam đã khai phóng lớp thế hệ học trò xứ thuộc địa. Những bài học, triết lý linh hoạt, mềm mỏng chuyển sứ mệnh sang hướng tìm kiếm bồi dưỡng tài năng trên cơ sở bản sắc Việt Nam. Việc phát hiện đào tạo những tài năng trẻ có ý thức về dân tộc góp phần hình thành thế hệ nghệ sĩ hiện đại đầu tiên. Và sứ mạng lịch sử của ngôi trường này không chỉ đơn thuần đào tạo nghệ sĩ mà còn là một phần trong quá trình văn hóa, xây dựng bản sắc dân tộc.

thaytro-17302456028511895093310.jpg

Hiệu trưởng Victor Tardieu (hàng đầu, thứ 4, từ trái sang) cùng các thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1926. Ảnh: tư liệu

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Thị Đào cũng cho biết, sau 2 năm thành lập, Trường Mỹ thuật Đông Dương phải đương đầu với những khó khăn "tưởng chừng như suýt bị giải thể do chính quyền "mẫu quốc" luôn tìm cách thay đổi chương trình giảng dạy đào tạo, xóa bỏ đi mọi sáng kiến giáo dục của Tardieu".

"Bất chấp những khó khăn giai đoạn đầu, thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương đã nỗ lực vượt qua. Lúc đầu còn bỡ ngỡ, sinh viên tiếp thu kiến thực bằng sự sao chép vụng về, dần dần họ đã chủ động kết hợp phong cách nghệ thuật phương Tây với các yếu tố truyền thống của dân tộc để tạo nên một phong cách riêng biệt" - bà Đào cho hay - "Sự cần mẫn, kiên trì đã tạo nên thành công bước đầu trong nghiên cứu phát triển các chất liệu của thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương. Những nghệ sĩ đã khai thác chất liệu địa phương như sơn mài, lụa, khắc gỗ và phát triển con đường nghệ thuật của mình theo hướng dân tộc hiện đại".

Đặc biệt, trong giai đoạn 1925 - 1945, nhà trường đã mở rộng đào tạo nguồn lực cho nhiều lĩnh vực: hHội họa, kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng… phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội. Song, mục tiêu hàng đầu của trường vẫn là đào tạo những họa sĩ Việt Nam có khả năng kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống của nghệ thuật Việt Nam với những tinh hoa mỹ thuật hiện đại phương Tây. Điều này đã tạo nên một nền mỹ thuật Việt Nam vừa mang đậm bản sắc dân tộc, vừa có thể giao thoa với nghệ thuật thế giới.

Thực tế đã minh chứng, 20 năm tồn tại của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945) là một giai đoạn lịch sử đã xuất hiện nhiều chất liệu sáng tạo mới, những phong cách nghệ thuật mới, đào tạo nên một thế hệ nghệ sĩ tài năng. Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng tạo ra bước ngoặt của lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn hóa Việt Nam thế kỷ 20.

Thực tế đã minh chứng 20 năm tồn tại của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945) là một giai đoạn lịch sử đã xuất hiện nhiều chất liệu sáng tạo mới, những phong cách nghệ thuật mới, đào tạo nên một thế hệ nghệ sĩ tài năng.

(Còn tiếp)

Hơn 76 tỷ đồng cho phiên đấu giá Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022