Sai lầm của người làm cha mẹ

Tôi là mẹ của một cậu con trai 16 tuổi. Từ khi con còn nhỏ, tôi đã luôn hy vọng rằng con sẽ trở thành người giỏi giang, xuất sắc. Vì vậy, tôi đặt rất nhiều kỳ vọng cao vào con.

Tôi muốn con học giỏi tất cả các môn, thi đỗ vào trường chuyên lớp chọn, rồi sau này lớn lên sẽ thành công và xuất sắc. Tôi tin rằng, đó là con đường mở ra tương lai tươi sáng và hạnh phúc nhất cho con

Vì thế, tôi luôn theo sát từng bước chân của con, kèm cặp và sắp đặt mọi thứ trong cuộc sống.

Tôi vạch ra một lộ trình rõ ràng: mỗi ngày con phải học thêm môn gì, sau này thi vào trường nào, thậm chí con chơi với ai, tôi cũng muốn kiểm soát.

Mỗi lần con làm bài không tốt, tôi thất vọng, trách mắng. Có những lúc không kiềm chế được, tôi buông những lời nặng nề như: “Con làm mẹ thất vọng quá!”.

Tôi vẫn luôn tin rằng mình làm tất cả vì tình yêu thương, vì mong con có được những điều tốt đẹp nhất. Nhưng vô hình, tôi lại không nhận ra rằng chính những áp lực tôi đặt lên con từng ngày lại âm thầm đẩy con rời xa tôi, khiến con trưởng thành trong căng thẳng, mệt mỏi và không thực sự vui vẻ.

Con dần trở nên ít nói, thu mình, và hay cáu gắt. Đã có lần, con ngước nhìn tôi, đôi mắt đỏ hoe, nghẹn ngào hỏi: "Mẹ có bao giờ hỏi con thực sự muốn gì chưa? Hay tất cả chỉ là điều mẹ muốn và con phải làm”.

Nhưng lúc ấy, tôi đã gạt đi lời nói của con. Tôi cho rằng con chỉ bướng bỉnh, nổi loạn ở cái tuổi dậy thì. Chính vì thế, tôi đâu hay biết rằng đó chính là tiếng kêu cứu yếu ớt của con giữa những áp lực mỗi ngày đè nặng lên đôi vai bé nhỏ ấy.

Cho đến một ngày, tôi phát hiện con thường xuyên nhốt mình trong phòng, né tránh mọi người. Con có dấu hiệu trầm cảm, và tim tôi như thắt lại khi biết con đã từng nghĩ đến chuyện tự làm hại bản thân.

Khoảnh khắc ấy khiến tôi chết lặng. Chưa bao giờ tôi sợ hãi đến vậy. Tôi không ngờ rằng, những gì tôi vẫn nghĩ là tình yêu, là kỳ vọng, lại trở thành gánh nặng, đẩy con đến sát bờ vực thẳm.

Tôi nhận ra, có những vết thương tôi vô tình khắc lên tâm hồn con, mà có lẽ suốt đời này, tôi cũng chẳng thể xoá nhoà.

capturesdcdsvs-17394301591471990867659-1739438413978-17394384140251234725685-1739445805070-1739445805221971835430.png

Sự thức tỉnh của người mẹ

Một buổi tối, trong lúc tâm trạng bế tắc, tôi vô tình xem bộ phim "Sex Education". Tôi không nghĩ rằng, một bộ phim về giáo dục giới tính lại có thể khiến tôi bật khóc và thay đổi suy nghĩ nhiều đến thế.

Đặc biệt, khoảnh khắc Jean Milburn – người mẹ tâm lý trong phim nói rằng: “You can’t choose who your children are going to be. All you can do is support them” (Tạm dịch là: bạn không thể chọn con mình sẽ trở thành ai. Tất cả những gì bạn có thể làm là ủng hộ con), khiến tôi như chết lặng.

Từng lời, từng chữ ấy như một cú đánh sâu vào trái tim, khiến tôi nhận ra những điều bấy lâu mình đã vô tình bỏ quên. Tôi lặng người rồi bật khóc nức nở. Lần đầu tiên, tôi nhìn lại hành trình làm mẹ của mình và nhận ra sai lầm nghiêm trọng.

Suốt những năm tháng qua, tôi vẫn giáo dục con theo khuôn mẫu lý tưởng mà tôi tin là tốt nhất, nên quên mất rằng con cũng là một cá thể độc lập, có những khát vọng, suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình.

Tôi yêu con, nhưng vô tình dựng lên một chiếc lồng, giam giữ con trong những kỳ vọng của mình, mà chưa từng một lần thực sự lắng nghe con bằng muốn gì và thích làm gì.

Bộ phim "Sex Education" đã cho tôi hiểu thêm về cuộc đời của những bạn trẻ chật vật tìm kiếm hạnh phúc, khao khát được thấu hiểu và yêu thương.

Giữa những gương mặt đó, tôi chợt nhận ra bóng dáng con trai mình đang lạc lõng, cô đơn và gồng mình gánh chịu những kỳ vọng mà mẹ vẫn đặt lên vai.

Khoảnh khắc ấy, tôi bàng hoàng thức tỉnh: Điều con thật sự cần nhất chưa bao giờ là một người mẹ sắp xếp, định đoạt thay con mọi thứ, mà chính là một người mẹ sẽ lắng nghe, thấu hiểu, và sẵn sàng nắm tay con đi qua những khó khăn của hành trình trưởng thành.

Đêm hôm đó, tôi quyết định thay đổi, ngồi xuống và tâm sự cùng con. Lần đầu tiên, tôi không chất vấn điểm số, không nói về tương lai hay thành tích. Tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi: "Con thực sự muốn gì? Con có hạnh phúc với những gì mẹ đã và đang làm cho con không?".

Nghe tôi hỏi, con bật khóc nức nở. Tiếng nấc nghẹn của con như bóp nghẹt trái tim tôi. Tôi cũng khóc theo đó là những giọt nước mắt muộn màng của sự hối hận.

Con kể về những áp lực con phải trải qua, kể về nỗi sợ thất bại, về cảm giác bản thân không bao giờ đủ tốt để xứng đáng với kỳ vọng của mẹ. Tôi ôm con vào lòng, nấc nghẹn nói: "Mẹ xin lỗi. Mẹ sẽ học cách lắng nghe con nhiều hơn. Mẹ sẽ luôn ở bên con, ủng hộ con trong mọi quyết định”.

Từ hôm đó, mọi thứ dần đổi khác. Tôi học cách buông bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc từng áp đặt lên con.

Thay vì bắt con đi trên con đường tôi vạch sẵn, tôi bước chậm lại, lắng nghe và cùng con tìm ra những điều mà con thực sự yêu thích.

Con trai tôi dần lấy lại nụ cười, trở nên cởi mở hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là, tôi biết con đã hiểu: Dù con là ai, dù con lựa chọn thế nào, mẹ vẫn luôn yêu con vô điều kiện.

Bộ phim |Sex Education| với tôi không chỉ là câu chuyện về giới tính hay tuổi trẻ nổi loạn. Đó là bài học thức tỉnh về tình yêu thương, sự thấu hiểu và tôn trọng dành cho con cái, những điều mà lẽ ra tôi phải nhận ra từ rất lâu rồi.

Và hơn tất cả, tôi nhận ra rằng: Tình yêu thương con vẹn tròn nhất là khi cha mẹ chấp nhận để con được sống đúng với đam mê và sở thích của mình, luôn sẵn sàng đồng hành cùng con trên mọi chặng đường.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022