Tôi sống ở khu phố buôn bán, mấy hôm nay lúc nào cũng phải hít khói hóa vàng cúng ông Công ông Táo. Không khí ô nhiễm đã đành, điều tôi sợ nhất là an toàn cháy nổ.
Người buôn bán dường như sợ nếu đốt ít vàng mã thì thành thần không chứng, làm ăn sẽ kém hanh thông nên lúc nào cũng đốt rõ nhiều đồ, nhất là những ngày cúng lễ quan trọng. Ở nhà mặt phố, những ngày này tôi luôn chứng kiến cảnh hàng xóm đốt vàng mã ngay trên vỉa hè đông người qua lại, có nhà đốt gần 20 phút mới cháy hết. Khu phố tôi sống dịp này trở thành cái "lò bát quái" mù mịt khói, tàn tro bay tán loạn trên không.
Không ít lần, những mảnh giấy đang cháy bay lên, "đáp" vào tóc, vào áo người đi xe máy qua đường, khiến họ lạng tay lái, có người sém cả lông mày.
Nhiều người hồn nhiên đốt vàng mã ngay gần sạp hàng chất đống đồ dễ cháy của mình. Có người hóa mã sát gốc cây, trụ điện, thậm chí cạnh hàng xe máy đang đỗ. Rùng mình nghĩ đến cảnh những khả năng xấu khi bình xăng nóng lên, tôi đã nhiều lần can ngăn nhưng họ chỉ đáp lại bằng cái nhìn khó chịu, có khi mắng lại hoặc vớ thêm tờ giấy đốt vía. Biết nói với họ không ăn thua, tôi phản ánh với cán bộ tổ dân phố, họ cũng nhắc nhở nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Lửa đốt vàng mã bốc cao ngang mái nhà trên phố Tạ Hiện vào ngày 23 tháng Chạp năm ngoái. (Ảnh: Viên Minh)
Nhìn ngọn lửa bốc lên giữa khu dân cư trong tiết trời hanh khô mà tôi lạnh hết cả sống lưng, không hiểu sao người ta có thể thờ ơ đến vậy với nguy cơ hỏa hoạn, khi mà Hà Nội mấy năm qua liên tục xảy ra những vụ chết người hàng hoạt vì giặc lửa.
Với đặc điểm nhà cửa, đường sá của Thủ đô hiện tại, điều quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Một khi đã xảy ra cháy nổ thì việc cứu chữa, khống chế tổn thất vô cùng khó khăn, số người chết có thể rất khủng khiếp, như thảm kịch ở chung cư mini Khương Hạ đêm 12/9/2023 khiến 56 người chết và 37 người bị thương. Hơn 9 tháng sau, đêm 24/5/2024, lại có 14 người chết, 3 người bị thương trong vụ cháy nhà trọ ở đường Trung Kính, quận Cầu Giấy.
Và chỉ cách đây vài ngày thôi, trên địa bàn Hà Nội đã có 2 vụ cháy nhà dân gây chết người. Hỏa hoạn tại ngôi nhà 3 tầng ở số 79 Bạch Đằng sáng 19/1 khiến 1 người tử vong; còn vụ cháy tại số 173 khu phố Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên) khiến 2 người thiệt mạng. Giặc lửa xuất hiện lúc năm cùng tháng tận khiến cho những gia đình này chẳng những mất Tết mà đau thương còn in dấu trong cuộc đời người thân của họ mãi sau này.
Trong những điều kiêng kỵ cuối năm được lưu truyền từ xa xưa, khuyến cáo cẩn thận củi lửa luôn được đặt lên hàng đầu, vì đây là thời gian cực kỳ dễ xảy ra hỏa hoạn, và hễ cháy thì thiệt hại cũng lớn nhất. Nếu đốt vàng mã cúng ông Công ông Táo để xảy ra hỏa hoạn, Táo quân sẽ báo cáo gì khi lên thiên đình, ông Trời sẽ phán xét, thưởng phạt thế nào đây?
Xin hãy biết sợ! Đó là điều tôi khẩn thiết cầu mong đồng bào của mình những ngày giáp Tết này. Khi hóa mã, hãy chọn địa điểm phù hợp, sẵn sàng các phương án chữa cháy, và đốt ít thôi. Phúc lộc chúng ta nhận được không nằm ở số lượng đồ giấy được đốt đâu, mà nếu không cẩn thận thì phúc không thấy, chỉ thấy họa.