Một chia sẻ của anh Bách Nguyễn – một ca sĩ chuyên nghiệp đang sống và làm việc tại Hà Nội – gần đây đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ trên mạng xã hội khi chạm đến nỗi lòng của nhiều bậc cha mẹ hiện đại. Trong một buổi sáng công tác xa nhà, giữa nỗi nhớ con và guồng quay công việc, anh bỗng nhận ra một nỗi lo lắng sâu xa đang lớn dần trong lòng: hai đứa con của mình ngày càng có dấu hiệu ỷ lại, sống thụ động và thiếu trách nhiệm với chính cuộc sống của mình.

Điều khiến anh trăn trở không phải là chuyện con cái nghịch ngợm hay hỗn láo, mà chính là sự ngoan ngoãn tưởng chừng vô hại lại đang che giấu một vấn đề nghiêm trọng. Anh viết: “Không phải cứ cãi lời, to tiếng mới là bất hiếu. Ỷ lại, sống thụ động, để cha mẹ phải lo hết từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến cả tương lai… cũng là một kiểu bất hiếu – âm thầm nhưng bào mòn sức lực, tinh thần cha mẹ từng ngày”. Sự chia sẻ chân thành này lập tức tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn về nuôi dạy con.

5-1407.jpg Điều khiến anh trăn trở không phải là chuyện con cái nghịch ngợm hay hỗn láo, mà chính là sự ngoan ngoãn tưởng chừng vô hại lại đang che giấu một vấn đề nghiêm trọng.

Từ câu chuyện cá nhân của mình, anh Bách cũng thẳng thắn thừa nhận, lỗi không hoàn toàn thuộc về con trẻ. Chính sự bao bọc, hy sinh vô điều kiện của cha mẹ – từ việc sợ con khổ nên làm thay mọi thứ, đến quan điểm "chỉ cần con học giỏi là đủ" – đã vô tình khiến con mất đi khả năng tự lập, hình thành thói quen thụ hưởng. Thay vì học cách chia sẻ trách nhiệm trong gia đình, các con của anh dần quen với việc được phục vụ, sống trong vùng an toàn được cha mẹ dựng lên.

Từ một tin nhắn ngắn gửi cho con trong nhóm chat gia đình, anh Bách đã mở ra cuộc đối thoại lớn hơn giữa những người làm cha mẹ: về trách nhiệm, tình thương, và giới hạn của sự hy sinh. Bài viết không chỉ là lời nhắn gửi riêng tư của một người cha, mà còn là lời cảnh tỉnh cho nhiều gia đình hiện đại đang loay hoay giữa tình thương và sự kỳ vọng, giữa lo toan và buông lỏng.

Anh cho rằng, để yêu con đúng cách, cha mẹ cần dũng cảm lùi lại một bước – để con học cách chịu trách nhiệm, biết tự làm, không đòi hỏi vô điều kiện và quan trọng hơn cả là được hướng dẫn kỹ năng sống thông qua thời gian và sự đồng hành thực chất từ cha mẹ. Sự trưởng thành của con không thể đến từ việc cha mẹ làm thay tất cả, mà chỉ đến khi con hiểu được giá trị của lao động, thấu cảm với nỗi vất vả của người nuôi dưỡng mình.

6-1407.jpg Sự trưởng thành của con không thể đến từ việc cha mẹ làm thay tất cả, mà chỉ đến khi con hiểu được giá trị của lao động, thấu cảm với nỗi vất vả của người nuôi dưỡng mình.

Câu chuyện ấy không đơn lẻ, bởi sau khi chia sẻ của anh Bách lan truyền, rất nhiều phụ huynh đã lên tiếng đồng tình. Nhiều người thừa nhận rằng chính sự bao bọc quá mức, cộng với điều kiện vật chất đủ đầy, đang tạo nên một thế hệ trẻ thiếu kỹ năng sống và tinh thần trách nhiệm. Từ đó, một vấn đề tưởng như cá nhân đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh: rằng nếu không dạy con cách tự lập hôm nay, thì mai sau chính những đứa trẻ ấy sẽ trở thành gánh nặng – không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình.

Liệu sự ỷ lại đã đủ để gọi là bất hiếu?

Nhiều ý kiến cho rằng việc gọi sự ỷ lại là “bất hiếu âm thầm” có phần quá nặng nề, thậm chí cực đoan. Trong bối cảnh xã hội hiện đại đầy biến chuyển, không ít người cho rằng gốc rễ của vấn đề không chỉ nằm ở con trẻ, mà còn đến từ cách cha mẹ giáo dục và thích nghi với thời đại.

Có người chia sẻ: “Chưa tự lập không có nghĩa là bất hiếu. Nhiều bạn trẻ vẫn yêu thương, tôn trọng cha mẹ, chỉ là chưa được dạy dỗ hoặc trao đủ cơ hội để rèn luyện kỹ năng sống”. Một số ý kiến khác cho rằng, nếu cha mẹ luôn lo liệu mọi thứ cho con từ bé, rồi sau lại trách con không biết tự lo, thì đó là một vòng luẩn quẩn giữa sự bao bọc và kỳ vọng mâu thuẫn.

Thực tế, nhiều bậc cha mẹ vẫn lấy trải nghiệm của chính mình ngày xưa làm chuẩn mực, rồi vô tình áp đặt lên thế hệ trẻ. Nhưng xã hội đã thay đổi, và điều kiện sống cũng khác xưa rất nhiều. Có người thẳng thắn đặt câu hỏi: “Người lớn thường yêu cầu con cái phải tự lập, trưởng thành giống như mình năm xưa, nhưng liệu có nhớ rằng ngày xưa, ông bà đâu có nuôi con bằng smartphone và các tiện nghi hiện đại?”

Cuộc tranh luận này cho thấy một điều quan trọng: việc nuôi dạy con trong thời đại tiện nghi không chỉ cần tình yêu thương mà còn đòi hỏi sự tỉnh táo và chủ động điều chỉnh từ phía cha mẹ. Yêu thương đúng cách không phải là làm thay tất cả, mà là để con được va vấp, học cách tự đứng dậy và biết quan tâm đến người khác. Bởi món quà báo hiếu lớn nhất mà con cái có thể dành cho cha mẹ không nằm ở lời nói ngọt ngào, mà ở việc sống có trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022