Trong cuộc sống hôn nhân, đôi khi chúng ta phải đối mặt với những hi sinh và nhượng bộ. Tôi cảm thấy mình may mắn khi có một người chồng tận tâm với công việc, dẫu biết rằng áp lực và trách nhiệm đôi khi nặng nề đè lên vai anh. Mỗi dịp cuối năm, chồng tôi lại bận rộn hơn bao giờ hết với những buổi tiệc tùng, gặp gỡ đối tác - những cuộc vui mà kết quả làm ăn có thể phụ thuộc vào một ly rượu.
Tôi chưa bao giờ phàn nàn về điều này. Tôi hiểu rằng trong thế giới của những người đàn ông làm ăn, nhiều quyết định quan trọng được thực hiện trên bàn tiệc, và việc uống rượu xã giao là một phần không thể thiếu của công việc.
Rất nhiều người nói tôi chiều chồng quá, mấy bà ở cơ quan còn bảo tôi hầu chồng vừa thôi nhưng hơn ai hết tôi là người hiểu rõ nhất và biết nên vận hành gia đình nhỏ của mình như thế nào là hợp lý nhất. Bản thân chồng tôi không phải người thích bia rượu, nhậu nhẹt nên nếu không có việc thì chẳng bao giờ anh ấy đi uống. Bởi vậy mà tôi hiểu nếu đã phải đi uống rượu tức là đấy là buổi rượu công việc nên dù anh ấy say đến mấy, tôi vẫn luôn sẵn lòng chăm sóc anh, không hề than trách dù việc dọn dẹp sau những cuộc nhậu đó có thể khiến bất kỳ người phụ nữ nào cảm thấy mệt mỏi.
Thời điểm cuối năm là thời điểm mà chồng tôi vắt kiệt sức với những buổi tiệc rượu như vậy, tôi gần như phải liên tục chăm sóc chồng và dọn dẹp tàn tích mà đôi khi anh sẽ để lại khắp nhà. Làm mãi cũng thành quen.
Nhưng điều khiến tôi tự hào hơn cả là con trai mình. Thằng bé năm nay mới 11 tuổi, đứa con nào trong mắt mẹ cũng luôn bé bỏng như vậy, thế nhưng năm nay tôi bỗng nhận ra con mình nó lớn rồi, lớn và trưởng thành đến bất ngờ.
Thằng bé giờ cao hơn cả mẹ, cũng nặng cân hơn mẹ dù chưa bước vào tuổi dậy thì. Thằng nhóc con ngày nào vẫn nhèo nhẽo bám theo mẹ đi khắp nơi giờ đã biết thể hiện sự thông cảm và trách nhiệm đáng ngạc nhiên. Thay vì ngủ yên trong đêm, con trai tôi âm thầm thức dậy, vào lúc 3 giờ sáng, để giúp tôi dọn dẹp nhà cửa, dù biết rằng ngày hôm sau nó vẫn phải đến trường.
Khi tôi đang vật lộn lau mặt cho ông chồng cao to gấp đôi mình thì thằng bé đã lau dọn sạch sẽ "sản phẩm" của bố ở sàn nhà, phòng tắm. Thằng bé cứ im lặng làm, không nói bất kỳ câu nào. Xong xuôi lại về phòng đắp chăn, vỗ lưng cho em ngủ.
Tôi là bà mẹ có quan điểm sinh con ra chỉ mong nó lớn lên thành người, không đòi hỏi hay áp đặt trách nhiệm báo hiếu lên đứa trẻ, vậy nên khi thấy con quan tâm, hỗ trợ mẹ khi nhà có việc tôi bỗng thấy tự hào lắm. Tự hào vì mình đã nuôi dạy được 1 đứa bé sống tình cảm như thế.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều nhìn nhận vấn đề một cách tích cực như tôi. Khi tôi chia sẻ niềm vui này với người thân, chị chồng tôi lại nói toẹt vào mặt tôi là chả hiểu có gì hay ho mà mang đi khoe. Chị cho rằng tôi là một người mẹ không ra gì, vì đã "bắt" con cái phải tham gia vào công việc phục vụ bố mà đấy là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi. Với chị, người chồng làm việc kiếm tiền về, thì nhiệm vụ của người vợ và con cái là phải phục vụ chồng, còn con trai tôi là cháu đích tôn của cái nhà này, nó không cần phải làm những việc như osin như vậy!
Thực tế, việc con trai tôi dậy giúp đỡ không phải vì tôi "bắt" nó làm vậy, mà vì nó đã tự nguyện thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với cả gia đình. Điều này thì có gì sai? Tôi và chồng mình đã có thể nuôi dạy được một đứa trẻ biết nghĩ cho người khác như vậy thì có gì đáng để bị rỉa róc.
Thế nhưng sau cùng, nhìn lại con trai của chị, thằng thanh niên hơn 20 tuổi đầu vẫn không có công ăn việc làm, học không hết cấp 3 thì tôi bỗng cảm thấy không cần phải phản bác lại những lời chỉ trích từ chị chồng tôi, bởi sâu thẳm bên trong, tôi biết rằng mình đã làm đúng!
Việc chúng ta như thế nào không chỉ định hình bởi công việc hay tiền bạc, mà còn bởi cách chúng ta yêu thương và đối xử với những người xung quanh. Và đối với tôi, không có gì quý giá hơn việc được chứng kiến sự trưởng thành và lòng tốt của con trai mình.