Ngày 11-7, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận 2 nữ bệnh nhân bị biến chứng mù mắt, hoại tử ngực sau khi làm đẹp tiêm filler (chất làm đầy).

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân Đ.T.N. (30 tuổi, ở Hà Tĩnh) đang sống và làm việc tại Nhật Bản, đã tiêm filler làm đẹp tại một cơ sở spa chuyên làm đẹp da và móng ở nước sở tại.

photo-2-172070201284191114872-1720702143864578592786.png

Mắt phải bệnh nhân sưng nề bầm tím, gần như mù toàn bộ, thị lực chỉ còn phát hiện sáng tối

Khi mới chỉ tiêm 0,5 cc vào giữa trán, chị cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt, nôn... Dù được tiêm thuốc giải ngay sau đó nhưng chị vẫn thấy khó chịu, nôn nao không đỡ. Chiều cùng ngày, chị N. đã tới bệnh viện kiểm tra, được bác sĩ khám, không can thiệp gì và dặn về nhà theo dõi. Ngày hôm sau, thấy mắt đỏ, phù nề và không còn nhìn thấy rõ, chị tiếp tục đến bệnh viện.

Thấy tình trạng nghiêm trọng hơn trong ngày kế tiếp, chị N. quyết định đặt vé trở về Việt Nam điều trị. Bệnh nhân tới khám tại một bệnh viện mắt và được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức sau 6 ngày tiêm filler.

PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, cho biết người bệnh đến viện trong tình trạng mắt phải phù nề căng tím đỏ, thị lực gần như mất hoàn toàn, chỉ còn phân biệt được sáng tối một cách khó khăn; sụp mi, cơ vận nhãn trong liệt hoàn toàn.

Nhận định đây là ca tai biến rất nặng sau tiêm filler gây biến chứng đến mạch máu của mắt dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu, bệnh nhân được điều trị bằng các thuốc giảm áp lực ổ mắt, thuốc giãn mạch và tăng cường tuần hoàn tổ chức.

Hiện tại, sau 6 ngày can thiệp mạch, mắt phải đỡ phù nề nhiều, sụp mi bớt dần, bệnh nhân có thể vận động nhãn cầu nhẹ nhàng theo yêu cầu của bác sĩ.

Tuy nhiên, do bệnh nhân đến viện muộn, đã bỏ mất thời gian vàng nên rất khó có thể phục hồi thị lực hoàn toàn như một số ca bệnh mà bệnh viện đã từng cấp cứu, điều trị.

photo-1-1720702012080481000354.jpeg

Bác sĩ tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân bị biến chứng sau tiêm filler

Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 31 tuổi, (ở Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe, hoại tử ngực hai bên do tiêm filler ngực.

Bệnh nhân cho biết sau khi sinh 2 con, ngực bị chảy xệ nên chị muốn nâng ngực. Đọc được thông tin quảng cáo của một thẩm mỹ viện trên mạng xã hội về phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh, hiệu quả, không đau, nên đã tiêm filler ngực.

Sau tiêm, chị thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau. Đến bệnh viện khám sức khỏe đã phát hiện các khối filler đọng. Bệnh nhân đến thẩm mỹ viện hút filler nhưng không đỡ.

Tại Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm trùng nhiễm độc, tuyến vú có nhiều khối u cục kích thước to nhỏ. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật hút, vét filler đọng ở ngực.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022