Chăm sóc cụ ông hàng xóm tận tình

Sau khi lên thành phố học đại học, Tân Vương (Nam Ninh, Trung Quốc) trở về quê xây dựng gia đình và lập nghiệp. Anh may mắn được bố mẹ vợ cho một mảnh đất ở khu đô thị mới nên sớm xây được căn nhà. Ở đây một thời gian, anh dần làm quen với cụ ông tên Trần nhà kế bên. 

Theo như lời kể của cụ ông này, ông từng có một gia đình là hình mẫu lý tưởng của nhiều người. Trước đây, vợ chồng ông kinh doanh buôn bán vô cùng phát đạt. Sau khoảng 10 năm kết hôn, gia đình có 2 người con trai. Tất cả đều được vợ ông chăm chút cẩn thận và có thành tích học tập xuất sắc. Sau khi hoàn thành chương trình học trong nước, 2 con của ông đều ra nước ngoài làm việc và rất ít trở về. 

untitled-1732972835285-17329728359462016414884.jpg

Ảnh minh hoạ

Ông cho biết nhiều lần cố tình nói dối bản thân đang đau ốm chỉ vì mong các con dành thời gian để về thăm nhà. Tuy nhiên, điều ông nhận được chỉ là lời hỏi thăm. “Lúc nào, chúng cũng nói rằng bận công việc, không thể sắp xếp được. Cũng vì luôn suy nghĩ về con cháu, ở tuổi 65, vợ tôi đã qua đời. Thậm chí cho đến ngày bà ấy mất, tụi nhỏ cũng chỉ kịp về khi mọi việc đã xong”, ông chua xót kể lại.  

Sau khi bà xã qua đời, cụ ông này không đi bước nữa mà quyết định ở vậy. Không có con cái ở bên, ông Trần tự tìm niềm vui với những đam mê của mình và dành thời gian cho những người hàng xóm. Chính vì thế, ông luôn được mọi người xung quanh kính trọng và yêu quý, từ người già cho đến trẻ nhỏ. 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sức khoẻ của ông ngày một yếu đi. Là hàng xóm ngay cạnh, vợ chồng Tân Vương khó có thể đứng nhìn cụ ông một mình loay hoay với cuộc sống ở năm cuối đời. “Nhận thấy bệnh tình chú trần ngày một trở nặng, tôi và vợ quyết định nhận trọng trách chăm sóc cho chú”, anh kể. 

Lúc đầu, ông Trần một mực từ chối lòng tốt này vì lo rằng sẽ phiền đến mọi người. Theo thời gian, ông cũng dần mở lòng. Trong 3 năm sau đó, bất kể lúc nào ông cụ đổ bệnh, vợ chồng Tân Vương đều kề cận ở bên chăm sóc bất kể ngày hay đêm.

untitled1-1732972836535-1732972836665442317279.jpg

Ảnh minh hoạ

“Người ngoài nhìn vào thường tưởng rằng vợ chồng tôi thừa thời gian nên mới làm những công việc như vậy. Tuy nhiên, chưa khi nào chúng tôi có suy nghĩ đó. Chúng tôi luôn cho rằng họ hàng ở xa không bằng những hàng xóm sống liền kề. Chúng tôi sẽ giúp đỡ bất kỳ ai khi có thể, không chỉ riêng ông Trần”, anh Vương giãi bày.

Theo thời gian, 2 nhà trở nên thân thiết như ruột thịt. Vào dịp lễ Tết, vợ chồng Tân Vương thường gọi ông cụ sang nhà ăn cơm cùng. Ông Trần cũng coi người hàng xóm này như con cháu trong nhà, chỉ bảo tận tình những điều hay lẽ phải.

Vướng vào rắc rối khi cụ ông qua đời

Chớp mắt, vào đầu năm nay, ông Trần bước sang tuổi 85. Ông vẫn thường có dự cảm không lành về sức khỏe của mình. Tuy nhiên, Tân Vương vẫn động viên ông cố gắng vì không phải ai cũng có thể sống thọ được như vậy.

“Cho đến ngày cuối cùng của tháng 3 năm nay, tôi sang nhà ông Trần như thường lệ. Gõ cửa hồi lâu nhưng không có ai trả lời, tôi cảm thấy có chuyện không lành nên tự ý lấy chiếc khóa dự phòng được ông cho mượn để vào nhà.

Tôi chạy thẳng vào phòng ngủ để kiểm tra. Điều đáng buồn là ông Trần đã theo bà xã, rời xa gia đình chúng tôi. Ngay lập tức, tôi tìm thông tin để liên lạc với con của ông nhằm thông báo. Song 2 người lại tỏ ra phớt lờ, nói rằng nhờ gia đình tôi hỗ trợ việc lo tang lễ vì không thể về kịp”, Tân Vương kể lại. 

Sau đó, toàn bộ công việc trong tang lễ của ông cụ đều do 1 tay vợ chồng anh lo liệu. Những người con của ông Trần chỉ trở về sau 1 tuần khi luật sư thông tin sẽ công bố di chúc. Ngày hôm đó, vợ chồng Tân Vương cũng được yêu cầu tham gia. 

Theo tờ giấy di chúc, cụ ông để lại cho vợ chồng tân Vương căn nhà và khoản tiền 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng). Tưởng rằng, 2 người con của ông Trần hiểu được những đóng góp của vợ chồng Tân Vương nên sẽ không có những phản ứng khó xử. Song thực tế, mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng tiêu cực.

2 người này tỏ thái độ giận dữ, không công nhận bản di chúc, dẫu cho luật sư thuyết phục thế nào. Thậm chí, người nhà gia đình ông Trần đã kiện vợ chồng người hàng xóm ra tòa. Họ cho rằng gia đình Tân Vương đã ép ông Trần lập nên bản di chúc này nhằm lấy tài sản. 

Tuy nhiên, giấy trắng mực đen không thể thay đổi được. Đồng thời, 2 người con trai của ông cụ không cung cấp được các bằng chứng có liên quan. Cuối cùng tòa án vẫn đưa ra phán quyết cuối cùng là giữ nguyên nội dung bản di chúc do ông Trần để lại.

“Lúc chăm sóc cho ông Trần, tôi chưa khi nào nghĩ đến việc sẽ được thừa kế bất kỳ thứ gì. Đến khi có tên trong di chúc, tôi không ngờ bản thân vướng vào một loạt những rắc rối không đáng có”, Tân Vương bộc bạch. 

Dường như thấy con cái ông Trần không thoải mái với phán quyết của toà, chỉ 2 ngày sau đó, vợ chồng Tân Vương quyết định tìm gặp người nhà của ông cụ và trao lại toàn bộ số tài sản. Anh cho biết việc giúp đỡ ông cụ xuất phát từ tấm lòng của mình. Bản thân anh thấy món quà này quá lớn nên quyết định không lấy bất kỳ thứ gì. 

 (Theo Toutiao)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022