
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày sinh nhật năm 12 tuổi, khi em gái tôi, kém tôi 5 tuổi, được bố mẹ tặng một chiếc váy công chúa lấp lánh trị giá bằng nửa tháng lương của bố, còn tôi chỉ nhận được một cuốn sổ tay bìa cứng. Khi tôi ngơ ngác hỏi: "Sao không phải quà giống nhau ạ?" , mẹ vuốt tóc tôi nói: "Con là chị, phải nhường em chứ". Đó là lần đầu tiên tôi hiểu rằng, trong gia đình này, tình yêu thương được phân chia bằng những tiêu chuẩn khác nhau.
Những năm tháng lớn lên của tôi là chuỗi ngày dài chứng kiến sự thiên vị không thể phủ nhận. Mỗi cuộc tranh giành đồ chơi của con nít, tôi luôn là người phải nhường bất kể điều đó có vô lý đến đâu.
Khi tôi bị sốt cao 39 độ, bố mẹ vẫn đưa em đi chơi vì em tôi đòi như vậy. Giấc mơ vào đại học của tôi bị gạt đi vì "con gái lớn phải phụ gia đình", lo cho em út.
Tôi từng nghĩ rằng khi trưởng thành, mọi chuyện sẽ thay đổi. Nhưng số phận trớ trêu thay, sự bất công ấy không chỉ dừng lại ở những món quà hay lời quan tâm.
Năm tôi 35 tuổi, bố đột ngột qua đời vì tai biến. Trong lúc cùng mẹ dọn dẹp giấy tờ, tôi tình cờ phát hiện ra sự thật kinh hoàng.

Toàn bộ 3 căn nhà đã được sang tên cho em gái từ 5 năm trước. Tài khoản tiết kiệm 7 tỷ đồng cũng đứng tên em tôi. Trong di chúc, bố phân chia rõ ràng: "Giao toàn bộ tài sản cho con út, con lớn đã tự lập nên không cần hỗ trợ".
Mẹ tôi, người phụ nữ tôi luôn kính trọng thì thản nhiên giải thích: "Em con yếu đuối, không tự lo được. Con phải hiểu cho hoàn cảnh của em, bản thân con là đứa nhanh nhẹn con không phải sợ ra đời không sống được, em con thì khác" . Câu nói ấy xé nát trái tim tôi thành trăm mảnh.
Đáng buồn nhất không phải là mất đi tài sản, mà là thái độ của em gái tôi, người đã quá quen với việc được ưu ái:
"Chị đừng làm quá lên thế! Em cũng không đòi hỏi gì, tự bố mẹ cho em thôi mà" - cô ấy nói với vẻ mặt khó chịu khi tôi chất vấn.
Trong căn phòng khách ngập tràn kỷ niệm tuổi thơ, tôi chợt nhận ra nhiều điều. Những lần tôi thức trắng đêm chăm em ốm. Những bữa cơm tôi nhường phần thịt cho em. Từ bỏ đại học để đi làm kiếm tiền cho em đi học. Tất cả chỉ là sự hy vọng hão huyền rằng một ngày nào đó, tôi sẽ được đối xử công bằng.
Sau nhiều đêm trăn trở, tôi quyết định cắt đứt quan hệ với em gái, kẻ chỉ coi tôi như cái bóng trong cuộc đời nó. Tôi cũng viết cho mẹ 1 bức thư chỉ để giải bày tất cả và nói rằng có lẽ tôi và mẹ sau này khó có thể bình thường với nhau.
Cuối cùng, tôi chọn rời xa cái căn nhà đang đứng tên em gái mình để xây dựng cuộc sống mới bằng chính bàn tay và khối óc của mình
Hôm nay, khi đã bước sang tuổi 40, tôi hiểu ra rằng. Tình thân đích thực không đo bằng giá trị vật chất. Lòng tự trọng quan trọng hơn bất kỳ di sản nào và dự bao dung không có nghĩa là chấp nhận sự bất công.
Tôi vẫn dành một góc nhỏ trong tim để yêu thương gia đình mình, nhưng giờ đây, tôi học cách yêu bản thân trước tiên.
"Đôi khi, rời xa mới là cách để giữ lại những gì đẹp đẽ nhất của tình thân. Và tôi chọn cách ra đi trong im lặng, như một sự tôn trọng cuối cùng dành cho quá khứ".
Giờ đây, khi đã trở thành mẹ của hai đứa trẻ, tôi luôn dạy chúng bài học về sự công bằng. Tôi thề sẽ không bao giờ để bất kỳ đứa con nào của mình phải trải qua nỗi đau mà tôi từng nếm trải.