1cc75a41d366cd74235bc0ef7b665db2-17469437422581715086196-96-0-420-519-crop-17469437490191748491270-1746958952974-17469589532111329475821.jpg

Tôi vẫn thường ngắm nhìn bàn tay gầy guộc của mẹ chồng mỗi khi bà chuẩn bị bữa cơm chiều. Những ngón tay chai sạn, thô ráp vì bao năm lam lũ, nhưng vẫn khéo léo vo từng nắm gạo, thái từng lát rau. Đôi bàn tay ấy đã một mình nuôi nấng hai đứa con thơ thành người, nhưng lại không dám nắm lấy hạnh phúc muộn màng của đời mình.

Những năm tháng khốn khó của mẹ chồng tôi bắt đầu từ cái ngày định mệnh khi bà mới 27 xuân xanh. Bố chồng tôi - khi ấy đang là trụ cột vững chắc của gia đình - đột ngột ra đi trong một tai nạn kinh hoàng trên quốc lộ. Tôi nghe kể lại rằng, đêm tang lễ ấy, mẹ chồng ôm chặt hai đứa con nhỏ (chồng tôi mới 5 tuổi và em gái anh mới lên 3) mà nước mắt như cạn kiệt. Thế nhưng sáng hôm sau, khi ánh mặt trời đầu tiên ló dạng, bà đã lau khô nước mắt, bắt đầu cuộc mưu sinh đơn độc.

Hai mươi năm trời với biết bao thăng trầm. Tôi từng nghe chồng kể lại những ký ức xót xa thời thơ ấu: "Có những bữa mẹ nhịn ăn để dành phần cơm cho hai đứa con. Đêm đêm mẹ thức đến khuya nhận may vá sửa chữa quần áo, sáng sớm lại tất tả chạy xe đạp đi bán từng gói xôi". Thế mà lạ thay, trong ký ức của chồng tôi, chưa bao giờ thấy mẹ than vãn một lời. Bà như cây tùng kiên cường trước gió, che chở cho hai đứa con thơ dại dưới tán lá xanh.

Nỗ lực của mẹ đã được đền đáp xứng đáng. Chồng tôi trở thành kỹ sư tại một công ty lớn, còn em gái anh là giáo viên mầm non được nhiều người quý mến. Cả hai đều là những đứa con hiếu thảo, luôn dành cho mẹ sự quan tâm chu đáo. Nhưng chính sự hiếu thảo ấy lại trở thành chiếc lồng vàng vô hình giam hãm trái tim người mẹ.

019474af238f52a66c0e33b2d116f4af-1746943681543468872626-1746958953888-1746958954163237415816.jpg

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi bác Hải - một thương binh cùng xóm - thường xuyên qua nhà giúp đỡ mẹ chồng tôi. Ban đầu chỉ là những việc nhỏ như sửa lại cánh cổng, thay bóng đèn hỏng. Dần dà, tôi nhận ra ánh mắt mẹ chồng mỗi khi bác đến trở nên rạng rỡ lạ thường. Bà cười nhiều hơn, thậm chí còn học cách nhắn tin điện thoại dù trước giờ luôn nói mình "già rồi không học nổi cái mới".

Rồi một chiều thu, khi lá vàng rơi lả tả ngoài sân, mẹ chồng gọi cả nhà lại, giọng run run: "Mẹ có chuyện muốn nói... Mẹ và bác Hải... muốn làm bạn với nhau" . Khoảnh khắc ấy như tiếng sét giữa trời quang. Em gái chồng bật khóc nức nở: "Mẹ không nghĩ đến ba sao?" . Chồng tôi mặt đỏ bừng, gằn giọng: "Mẹ đã ngoài 50 rồi, người ta sẽ cười chê cho mà xem!" . Còn tôi, đứng giữa cơn bão gia đình, chỉ biết cúi đầu im lặng.

Những ngày sau đó, căn nhà nhỏ chìm trong bầu không khí ngột ngạt. Mẹ chồng trở nên trầm lặng khác thường, nhưng vẫn âm thầm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Tôi bắt gặp đôi lần bà đứng lặng trước bàn thờ chồng, đôi mắt đỏ hoe nhưng nén chặt tiếng thở dài.

Là con dâu, tôi hiểu mình không thể can thiệp thô bạo. Nhưng mỗi tối, khi xếp lại chồng áo đã là phẳng lì, tôi thủ thỉ với chồng về những bà góa ở quê mình tìm được hạnh phúc muộn màng. Tôi dẫn anh đi thăm nhà bác Hải, để anh tự mình thấy ngôi nhà tuy đơn sơ nhưng ngăn nắp, khu vườn nhỏ xinh với những luống rau xanh mướt - minh chứng cho một con người cần cù, chu đáo.

Thời gian trôi qua, những lớp băng giá trong lòng chồng tôi dần tan chảy. Một tối mưa gió, khi thấy mẹ chồng trằn trọc mãi không ngủ nổi vì cơn đau xương khớp hành hạ, anh chợt nói với tôi: "Hay là... mình đồng ý cho mẹ với bác Hải... Ít ra cũng có người chăm sóc mẹ những lúc như thế này".

Tôi bảo là hạnh phúc của anh mẹ không cấm cản thì anh cũng không nên làm như vậy. Chuyện mẹ đến với ai, làm bạn với ai đúng ra là mẹ không cần xin phép mà chỉ cần thông báo mà thôi. Bởi vậy anh đồng ý hay không, chẳng phải là vấn đề, chẳng qua mẹ thương con cháu nên mẹ nhún nhường thôi.

Chẳng có lễ thành hôn diễn ra nhưng chúng tôi làm mâm cơm nhỏ để thông báo chuyện này đến bố và gia tiên vào một sáng chủ nhật yên ả. Mẹ chồng tôi mặc chiếc áo dài màu thiên thanh - màu áo đầu tiên bà mua cho mình sau 20 năm chỉ dám mặc đồ cũ. Khi hai người nghiêng mình trước bàn thờ bố chồng, tôi thấy rõ giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ đã một đời hy sinh. Chồng tôi quay mặt đi, nhưng tôi biết anh đang nghẹn ngào.

Nói là mẹ sang ở cùng bác Hải nhưng nhà bác Hải cũng cách nhà tôi có mấy bước chân thôi. Bởi thế nên khi tôi sinh con, 2 ông bà tíu tít nhận trông cháu ngay để tôi yên tâm làm ăn.

Giờ đây, mỗi chiều về, tôi thường thấy hai cụ ngồi uống trà trước hiên nhà. Bác Hải cẩn thận đỡ tay mẹ chồng mỗi khi bà bước xuống bậc thềm. Những câu chuyện râm ran về chuyện trồng rau, nuôi gà, rồi cả chuyện thời sự trong nước ra sao... khiến căn nhà nhỏ bừng lên sức sống mới. Và tôi hiểu rằng, đôi khi hiếu thảo thực sự không phải là giữ cha mẹ mãi trong ký ức, mà là dang rộng vòng tay để họ được sống trọn vẹn những ngày còn lại.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022