Nhà tâm lý học Adler từng nói: "Người hạnh phúc sử dụng tuổi thơ để chữa lành cả cuộc đời, trong khi người bất hạnh phải dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ." Câu nói này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay, khi thế hệ 9x trưởng thành và bắt đầu nhận thức sâu sắc về những tổn thương tâm lý mà gia đình đã để lại.
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có những người luôn xảy ra xung đột dù họ rất yêu nhau? Tại sao một số người nỗ lực hết mình trong hôn nhân nhưng vẫn cảm thấy không hạnh phúc? Thực tế, câu trả lời cho những câu hỏi này có thể ẩn chứa ngay trong những ảnh hưởng từ gia đình ban đầu của chúng ta.
Tiến sĩ Lin Wencai, một giáo sư tâm lý học, đã từng chỉ ra rằng gia đình ban đầu của chúng ta có ảnh hưởng sâu sắc đến con người chúng ta và thậm chí quyết định chức năng cảm xúc trong các mối quan hệ thân mật. Mối quan hệ giữa một người và bạn đời của họ phần lớn là sự phản chiếu của gia đình mà họ xuất thân.
Cách cha mẹ hòa hợp với nhau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm của con cái về hôn nhân và tình yêu. Theo góc độ tâm lý, mô hình tình cảm trong gia đình ban đầu chính là nền tảng để hình thành mô hình tình yêu của đứa trẻ trong tương lai.
Tiến sĩ tâm lý học đã chỉ ra ba loại gia đình có thể gây ra những khiếm khuyết tâm lý kéo dài cho trẻ em, khiến chúng dễ dàng gặp khó khăn và bất hạnh trong hôn nhân sau này.
Gia đình có cha mẹ kiểm soát quá mức
Trong văn hóa truyền thống Á Đông, chữ “hiếu” thường bị hiểu là “vâng lời tuyệt đối”, khiến trẻ em không có cơ hội thể hiện chính kiến của mình. Mọi quyết định trong cuộc sống của con đều phải tuân theo “ý trời” - tức là ý của cha mẹ.
Với lý do “muốn tốt cho con”, không ít bậc phụ huynh can thiệp quá sâu vào mọi lĩnh vực trong đời sống của con cái, từ cách ăn mặc, bạn bè cho đến định hướng nghề nghiệp. Điều này không chỉ xâm phạm quyền tự quyết của trẻ mà còn phủ nhận cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của chúng.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy thường có xu hướng phản kháng bằng cách tự hủy hoại bản thân – như bỏ học, sống buông thả hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là tìm đến cái chết, chỉ để khiến cha mẹ phải hối hận. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại là đứa trẻ phải chịu tổn thương lớn nhất.

Gia đình bỏ bê con cái
Một số bậc cha mẹ, vì lý do vô trách nhiệm hoặc do hoàn cảnh mưu sinh, đã để con cái lớn lên trong sự thiếu vắng tình yêu thương. Những đứa trẻ này thường thiếu sự chăm sóc, quan tâm và gắn bó tình cảm từ cha mẹ.
Theo các nghiên cứu, trẻ em bị bỏ bê dễ phát triển kiểu gắn bó né tránh, tức là luôn nghi ngờ tình yêu và sợ bị tổn thương. Vì vậy, chúng tìm cách né tránh mọi mối quan hệ thân mật. Mặc dù khao khát được yêu thương, nhưng lại luôn sợ hãi sự gần gũi. Khi bước vào một mối quan hệ, thay vì giữ gìn và trân trọng, chúng lại có xu hướng phá vỡ để tự bảo vệ mình.

Gia đình đơn thân
Ly hôn không phải là một sự kiện nhất thời mà là một quá trình dài. Đối với trẻ em, chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã căng thẳng, cùng với tiếng đồ đạc vỡ vụn, có thể khiến chúng cảm thấy mất an toàn về tình yêu và hôn nhân.
Sau khi ly hôn, nhiều phụ huynh có xu hướng trút giận lên con cái, coi con như gánh nặng, hoặc rơi vào trạng thái suy sụp cảm xúc và đẩy con trở thành người phải chăm sóc mình. Điều này khiến trẻ phải gánh vác những trách nhiệm tâm lý vượt quá khả năng và độ tuổi của mình, một hiện tượng được gọi là "trẻ em hóa người lớn".
Những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh như vậy thường sống trong sự bất an, nghi ngờ về tình yêu và gặp khó khăn trong việc xây dựng một mối quan hệ hôn nhân lành mạnh trong tương lai.