Bài viết là lời của một người đàn ông tên Cao Diện, 52 tuổi, được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc).

***

Đời người liệu mấy lần trải qua "10 năm". Nếu như thời trai trẻ, tôi né tránh những buổi họp lớp. Tôi từng cho rằng những buổi gặp mặt đó thật vô bổ, chỉ là dịp để đàn đúm tụ tập, khoe mẽ huênh hoang thì giờ đây, khi càng có tuổi, tôi càng trân trọng dịp được gặp lại bạn cũ.

Tôi nghĩ đó là cơ hội để chúng tôi cùng ôn lại kỷ niệm quý giá, cùng nhau chia sẻ cuộc sống hiện tại và chung tay hỗ trợ những người bạn có hoàn cảnh khó khăn. Như vừa qua, trong buổi họp lớp, tôi càng hiểu ra ý nghĩa đằng sau những lần gặp mặt.

 Người phụ nữ chống đỡ ngôi nhà lung lay 

Vương Kỳ - bạn tôi từng là một công chúa nhỏ sinh ra trong một gia đình giàu có. Cả cha mẹ cô đều làm việc trong doanh nghiệp nhà nước. Vì là con một nên cô nhận được mọi tình yêu thương từ cha mẹ.

Cha mẹ Vương Kỳ có công việc ổn định và gia thế vững chắc nên từ nhỏ, cô ấy đã có một cuộc sống êm đềm và chưa từng trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp đại học, Vương Kỳ cưới một người chồng cũng có gia cảnh hiển hách. Họ có với nhau một bé gái xinh xắn, đáng yêu.

Mỗi lần nhìn khuôn mặt dễ thương của con gái, Vương Kỳ cảm thấy cuộc đời này không còn gì phải hối hận. Cô chỉ cần chăm sóc thật tốt cho con gái và tận hưởng cuộc sống yên bình.

captureacfad-17260410161872130208377-1726054372878-1726054373184339824659-1726123332046-17261233324961130197150.png

Buổi họp lớp khiến tôi vô cùng xúc động. (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xảy ra vào năm 2020, công ty của chồng Vương Kỳ bất ngờ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất do quản lý kém, khiến gia đình vốn giàu có đứng bên bờ vực phá sản. Sau khi công việc kinh doanh của chồng thất bại, chồng cô suy sụp. Vương Kỳ đã nhiều lần động viên chồng nhưng tình hình không khả quan.

Đến năm 2022, Vương Kỳ lo lắng cho công việc của chồng nên đành giục chồng ra ngoài tìm việc, dù là lao động tay chân cũng được. Nhưng khi chồng cô mới xin đi làm tại một công ty nhỏ thì sức khoẻ gặp vấn đề, phải vào viện điều trị cột sống, nằm liệt giường, rất lâu mới có thể hồi phục.

Lúc này, gánh nặng gia đình đổ lên vai Vương Kỳ, cô phải làm việc vất vả để duy trì cuộc sống của gia đình. Mẹ ruột cô còn bị gãy chân, nên cô phải chạy qua chăm sóc bà, vừa chăm sóc chồng khiến cô kiệt sức. Vì thế, Vương Kỳ chểnh mảng công việc và nằm trong danh sách bị sa thải. Nhiều biến cố ập đến khiến Vương Kỳ bàng hoàng.

Nhưng cô không bỏ cuộc, kiên trì rải đơn đi xin việc và may mắn nhận được vị trí văn thư gần nhà. Tuy lương không cao nhưng công việc tương đối dễ dàng và thuận tiện cho việc chăm sóc cả gia đình.

Trong buổi họp lớp, cô ngậm ngùi chia sẻ những khó khăn mình đã trải qua những năm gần đây. Tôi không còn thấy một Vương Kỳ được mệnh danh "hoa khôi" của trường, luôn xinh đẹp, tươm tất mà thay vào đó là người phụ nữ luống tuổi, trên gương mặt hằn lên nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh.

 Người trung niên nợ nần chồng chất 

Ngoài Vương Kỳ, Ánh Nguyệt cũng đang trải qua những khó khăn trong cuộc sống. Ánh Nguyệt sinh ra và lớn lên tỉnh Thiểm Tây. Cô lớn lên trong một gia đình bình thường, nhưng vì ngoại hình đẹp và có học thức nên cô đã cưới một người chồng xuất thân từ một gia đình khá giả. Bố mẹ chồng cô đều là viên chức nhà nước, có mức lương nghỉ hưu cao. Còn chồng cô là công chức trong huyện, tuy lương không cao nhưng công việc rất ổn định.

Sau khi kết hôn, Ánh Nguyệt sinh được một con trai và một con gái. Khi các con đi học, cô mở một cửa hàng mỹ phẩm nhỏ, cũng đủ trang trải các khoản chi tiêu cho gia đình. Cuộc sống của gia đình vốn dĩ rất yên bình nhưng vào năm 2015 và 2016, mẹ chồng và bố chồng lần lượt qua đời.

Bố mẹ chồng cô có khoản tiền tiết kiệm 2 tỷ đồng nhưng đã dành một nửa để chữa bệnh và làm tang lễ. Số tiền còn lại, bố mẹ chồng để lại cho vợ chồng cô để có vốn làm ăn. Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát năm 2020, công việc buôn bán của cô sa sút, không có khách hàng. Cuối cùng, cô phải đóng cửa tiệm, thanh lý mỹ phẩm tồn kho.

capture-1726041016182628250563-1726054373995-17260543741361781235773-1726123333416-1726123333545832538236.png

Nhiều bạn học của tôi phải vất vả kiếm sống. (Ảnh minh hoạ)

Trong lần tháo dỡ biển cửa hàng, không may có một bé gái chạy ra và bị rơi thanh sắt quệt vào má, bị chảy máu. Bé gái la khóc thất thanh, Ánh Nguyệt vội vàng đưa bé gái đi viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bé bị gãy mũi, dập má phải và phải phẫu thuật gấp. May mắn về sau, khuôn mặt bé gái đã hồi phục rất nhiều, không để lại vết sẹo lớn.

Ca phẫu thuật hết 120.000 NDT (khoảng 414 triệu đồng) và cô đã phải thanh toán toàn bộ. Cha mẹ của cô bé còn yêu cầu Ánh Nguyệt bồi thường tinh thần 100.000 NDT (khoảng 345 triệu đồng). Cô không đồng ý nên gia đình bé gái đã kiện cô ra toà. Cuối cùng, Ánh Nguyệt phải đền cho họ một nửa số tiền. Cô đã phải đi vay mượn khắp nơi mới gom đủ tiền.

Sự việc xảy ra khiến cô kiệt quệ. Gặp lại Ánh Nguyệt, tôi thấy đôi mắt cô không còn trong trẻo, tươi vui như nhiều năm về trước mà thay vào đó là những thăng trầm của cuộc sống.

Ngoài Ánh Nguyệt, còn nhiều bạn học trung niên của tôi cũng có cuộc sống khó khăn. Chẳng hạn Tư Huy - ông bố đơn thân nuôi 2 con ngày ngày phải đi giao đồ ăn, chắt bóp từng đồng để sinh hoạt hay Lục Quân, Tư Lệ,... phải ra nước ngoài làm công việc tay chân rất vất vả. Họ phải đánh đổi sức khoẻ để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Theo Toutiao

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022