Rất nhiều người cho rằng loãng xương nói riêng hay các bệnh xương khớp nói chung đều là bệnh của người già. Do đó, thường ít quan tâm tới bảo vệ xương khớp khi còn trẻ, chủ quan với các dấu hiệu loãng xương. Trong khi xương rất dễ bị tác động bởi những thói quen ăn uống, hành vi nhỏ nhặt hàng ngày.

Sau đây là 4 thói xấu khiến xương sớm rỗng như tổ ong nhưng vô cùng phổ biến trong xã hội hiện đại:

1. Giảm cân quá mức hoặc quá nhanh

Nhiều người không hề biết đến sức tàn phá của việc giảm cân quá nhanh, giảm cân quá mức đối với sức khỏe xương khớp. Thói quen hại xương này thường gặp hơn ở nữ giới. Thậm chí nhiều chị em trẻ tuổi còn giảm cân cực đoan, nhịn ăn phản khoa học.

-17206984489071222257616.jpg

Giảm cân quá mức gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, gồm cả bệnh xương khớp (Ảnh minh họa)

Trong quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, lượng lipid hợp lý sẽ chuyển hóa thành estrogen, giúp tăng khả năng hấp thụ canxi, thúc đẩy quá trình hình thành xương và ngừa loãng xương. Tuy nhiên, khi giảm cân quá mức sẽ giảm dinh dưỡng cung cấp cho xương, làm giảm mật độ xương, loãng xương rất nhanh. Chưa kể, việc cân nặng giảm đột ngột, tốc độ quá nhanh dù vì lý do gì khiến cơ thể rối loạn dinh dưỡng và miễn dịch, xương yếu đi nhanh hơn.

2. Ít vận động, ngồi lâu trong thời gian dài

Lối sống lười vận động, ngồi lâu một chỗ nhiều giờ mỗi ngày là “đồng phạm” quen thuộc của bệnh loãng xương. Lười vận động, ngồi lâu khiến cơ thể bị lão hóa một cách nhanh chóng, bao gồm cả xương khớp. Khi lười vận động, xương khớp và cơ bắp của bạn sẽ không được rèn luyện, khiến cho quá trình phân hủy xương đẩy nhanh tốc độ hơn bình thường. Điều này dẫn đến rối loạn chuyển hóa xương và cuối cùng gây ra tình trạng loãng xương.

Mặt khác, nếu ngồi lâu mà không vận động, chức năng tiêu hóa, hấp thu của đường tiêu hóa cũng sẽ giảm đi. Do đó lượng canxi trong thức ăn hàng ngày cũng không được hấp thu tốt và tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp.

3. Ăn quá nhiều muối

Nếu cho rằng ăn quá nhiều muối chỉ hại tim mạch hay thận thì bạn đã lầm. Tiêu thụ quá nhiều muối trong khẩu phần ăn có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến xương.

-17206984470701606706614.jpg

Mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri, tương đương khoảng 5g muối trên ngày (Ảnh minh họa)

Điều này là do khi tiêu thụ quá nhiều muối, cơ thể cần phải đào thải nó ra ngoài. Thành phần chính của muối là natri, đồng thời canxi cũng sẽ được đào thải cùng nhau trong quá trình bài tiết. Kết quả là quá trình mất canxi diễn ra nhanh hơn và chứng loãng xương dễ xảy ra hơn.

Một số nghiên cứu còn cho thấy lượng muối quá tải gây ra sự gia tăng số lượng hủy cốt bào cùng với việc giảm số lượng nguyên bào xương và thể tích xương. Quá trình tái tạo xương tách rời này có thể làm tăng tốc độ mất xương và thay đổi cấu trúc xương.

Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đưa ra khuyến nghị thận trọng hơn là 1,5 g natri mỗi ngày, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ hoặc đang mắc bệnh tim mạch.

4. Uống quá nhiều nước ngọt, đồ uống chứa caffeine

Không khó để bắt gặp những người có thói quen xấu này, nhất là người trẻ tuổi, thường xuyên phải chịu áp lực hoặc thiếu ngủ.

-1720698444077494722591.jpg

Uống nước ngọt có ga thời gian dài làm mất dần canxi và gây loãng xương (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, nước ngọt, nhất là nước ngọt có ga chứa nhiều photpho và đường. Khi uống nhiều gây cản trở sự hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến tình trạng mất cân bằng và thiếu hụt canxi. Trong quá trình chuyển hóa và tiêu thụ đường, cơ thể phải đốt cháy lượng lớn khoáng chất thiết yếu như magie, kẽm, natri… đặc biệt là canxi. Để có thể bù lại lượng canxi trong máu thì xương phải giải phóng canxi và tất yếu dẫn tới quá trình loãng xương, gãy xương.

Các đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà… có thể giúp bạn sảng khoái, tỉnh táo nhất thời nhưng uống quá nhiều sẽ làm xương sớm rỗng như tổ ong. Bởi caffeine  lợi tiểu làm cản trở quá trình hấp thụ vitamin và khoáng chất, nhất là canxi.

Nguồn và ảnh: Sohu, Health 2.0

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022