screenshot-2024-11-28-at-153809-1733204333921-17332043340091535253426.png

Có một cuốn sách được gọi với cái tên “Sổ tay dành cho nhân viên Patagonia”, theo lời người sáng lập công ty Yvon Chouinard. Trong đây, ông tuyên bố đối xử tốt với nhân viên là trách nhiệm chính của công ty mình.

“Một điều tôi không bao giờ muốn thay đổi, rằng mỗi ngày, công việc phải thật thú vị”, Chouinard viết. “Chúng tôi cần xóa nhòa ranh giới giữa công việc, giải trí và gia đình”.

Kể từ khi thành lập vào năm 1973, Patagonia tự định vị mình là thiên đường, chính xác hơn là một cộng đồng thay vì công ty đơn thuần. Tiếc là việc doanh số chậm lại những năm trở lại đây khiến văn hoá này không thể duy trì mãi mãi. Nhà bán lẻ này hiện đang phải đối mặt với nỗi thất vọng nghiêm trọng từ phía nhân viên - những người cho rằng sự cứng nhắc mới đây trái ngược hẳn với tinh thần vốn có của thương hiệu.

Patagonia là một công ty trị giá hàng tỷ USD với hơn 70 cửa hàng trên toàn thế giới. Những chiếc áo vest 130 USD hay áo khoác 280 USD đã trở thành sản phẩm thương hiệu dễ dàng bắt gặp trên khắp đường phố. Patagonia còn quyên góp số tiền tương đương 226 triệu USD cho các hoạt động vì môi trường, đồng thời cam kết trích 1% doanh số để bảo tồn và phục hồi môi trường tự nhiên.

Doanh số của Patagonia tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Từ mùa hè năm 2020 đến mùa hè năm 2022, nó tăng trưởng với tốc độ khoảng 20% đến 25%, theo Alan Adams, cựu đại diện bán hàng khu vực Mỹ tại Montana, Wyoming và Alaska. Tuy nhiên, sự bùng nổ này là “không bền vững” do các hạn chế của COVID-19.

Vào tháng 9 năm 2022, founder Chouinard thông báo sẽ tặng cổ phiếu của mình cho một quỹ tín thác mới thành lập để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Toàn bộ lợi nhuận của công ty, vào khoảng 100 triệu USD mỗi năm sẽ được dùng để bảo vệ môi trường cũng như những khu vực nguyên sinh cần được bảo tồn trên thế giới. Động thái diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự nghi đối với giới siêu giàu.

“Tôi hy vọng rằng điều này sẽ tạo nên một trào lưu mới thay vì một cuộc chiến bảo vệ môi trường chỉ có sự tham gia của vài đại gia cùng một loạt những người nghèo. Chúng tôi sẽ quyên góp lượng lớn lợi nhuận cho những người đang thực sự cứu trái đất của nhân loại”, ông Yvon cho biết.

Vào thời điểm này, Patagonia bắt đầu đánh giá lại hoạt động của mình, chỉ ra những gì chưa đạt được và cách cải thiện. Nhiều cố vấn đã được thuê để tái cấu trúc công ty, trong khi nhân viên cảm thấy không an toàn trước hướng đi mới của hãng.

“Có vẻ như chính sách mới đang khuyến khích mọi người chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả hiện tại và mua nhiều thứ mà họ không cần. Điều này hoàn toàn trái ngược với sứ mệnh và thông điệp chống tiêu dùng của Patagonia”, nhân viên này cho biết.

Stanley, giám đốc triết lý của công ty, nói với BI rằng tăng trưởng đã mang lại sự cân bằng cùng các giá trị cốt lõi, trong khi vẫn cung cấp mức phúc lợi nhất quán cho tất cả nhân viên. Ổn định tài chính là yếu tố quan trọng giúp Patagonia thực hiện đúng các cam kết của mình.

Giống như nhiều công ty khác sau đại dịch, Patagonia phải chịu tình trạng dư thừa nhân viên và hàng tồn kho. Trong vài năm qua, công ty đã cố gắng kiểm soát chi phí và hợp lý hóa hoạt động kinh doanh. Chính sách mới còn yêu cầu nhân viên kho tình nguyện làm ca ngày lễ để đảm bảo khách hàng được trải nghiệm dịch vụ trọn vẹn.

Mới đây nhất, Patagonia bắt đầu cắt giảm việc làm, đồng thời cho 90 nhân viên trong nhóm kho vận tự quyết định xem có muốn chuyển đến một trong bảy trung tâm khác hay nghỉ việc. Người phát ngôn của Patagonia cho biết những thay đổi này “rất quan trọng đối với chúng tôi để xây dựng một nền văn hóa nhóm năng động”. Nhóm nhân viên trên đã dư thừa nhân sự từ 200% đến 300%.

Ba tháng sau, Patagonia thông báo rằng 41 nhân viên công ty đã bị sa thải. Đợt sụt giảm doanh số đầu tiên trong lịch sử cũng được ghi nhận. Đại diện công ty nói thêm rằng do quá căng thẳng về tài chính, việc đi lại công tác sẽ bị hạn chế, trong khi tiền thưởng cắt giảm.

Sau nhiều năm rao giảng về tầm quan trọng của hạnh phúc nhân viên, ông Chouinard gọi quyết định sa thải là “gần như không thể tưởng tượng được” đối với Patagonia. Phía nhân sự thì cho rằng đây chính là cách giúp công ty giải toả áp lực thay vì chờ chính lao động tự xin nghỉ việc.

“Nhân viên sẽ không còn hào hứng  đi làm nữa nếu công ty không thể bảo vệ họ”, một người nói.

Đáp lại, đại diện công ty thừa nhận lực lượng lao động không phải lúc nào cũng đồng ý với quyết định của ban lãnh đạo: “Hành động cân bằng rất tinh tế nhưng về cơ bản không phải là thỏa hiệp. Chúng tôi đã làm tốt nhất có thể để bảo vệ lợi ích cho mọi bên liên quan”.

Khó khăn là vậy, song Patagonia trong mắt người tiêu dùng vẫn là một thương hiệu đẹp. Theo tờ New York Times, việc quyên góp toàn bộ tài sản xây dựng cả đời cho cuộc chiến bảo vệ môi trường đã giúp gia đình founder Chouinard  trở thành một trong những gia đình làm từ thiện nhiều nhất nước Mỹ.

Ban đầu, vị tỷ phú chỉ kinh doanh để có kinh phí tài trợ cho các dự án chứ không hề có ý định làm giàu. Công ty của ông chuyên sản xuất dòng quần áo dành riêng cho những người chơi thể thao: leo núi, đi bộ và lướt sóng. Chẳng ai ngờ được, Patagonia sau này đã trở thành một trong những nhãn hiệu hàng đầu thế giới.

Không có gì phải nghi ngờ, rằng Patagonia đã tạo ra một câu chuyện hấp dẫn và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trẻ. Hơn thế nữa, điều này còn giúp tỷ phú Yvon Chouinard hướng đến những mục tiêu lớn lao bởi “việc khó làm nhất trên đời này là đơn giản hóa cuộc sống, còn khiến nó trở nên phức tạp thì quá dễ dàng”, ông từng nói.

Theo: Business Insider

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022