Ngày 11/8, đại diện Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn cho biết bệnh nhân được gia đình chuyển vào Phòng khám Đa khoa Khu vực Quan Lạn trong tình trạng chảy máu cổ chân phải. Ê kíp xử trí cấp cứu truyền dịch, tiêm huyết thanh uốn ván, kháng viêm, song các bác sĩ nhận định bệnh có thể diễn biến nặng, nên lập tức gọi Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn xin hội chẩn.
Tiếp nhận thông tin trong đêm, kíp cấp cứu thuộc khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, lái xuồng cứu thương lên đường. Sau khoảng hơn hai giờ chạy xuồng liên tục, đến gần sáng, ê kíp đón được bệnh nhân về khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức – Cấp cứu và Chống độc.
Qua mô tả cùng khám vết thương, bác sĩ xác định loại rắn cắn người bệnh là cạp nong, rất độc. Bệnh nhân được xử trí rửa vết thương, truyền dịch, giảm đau, chống viêm, làm các xét nghiệm đánh giá toàn trạng. Hiện, sức khỏe người bệnh ổn định.
Bác sĩ cấp cứu người bệnh trong đêm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Khắc Mạnh, Trưởng khoa, nhận định trường hợp này rất may được đưa đến viện sớm để xử trí vết thương do rắn độc cắn kịp thời, nên có thể hồi phục hoàn toàn, không ảnh hưởng đến tính mạng. Ngược lại, người bệnh có thể tử vong nhanh do tình trạng liệt cơ hô hấp hoặc để lại di chứng liệt và hôn mê vĩnh viễn do não thiếu oxy kéo dài.
Bác sĩ khuyến cáo đề phòng rắn cắn người dân cần đi ủng, dày cao cổ và quần dài, đặc biệt khi đi trong đêm tối, trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Không bắt, đuổi hoặc dồn ép rắn trong khu vực khép kín; không sống ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đỏ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình.
Từ tháng 4 đến tháng 11 là mùa sinh sôi phát triển của rắn độc nên rất nhiều người bị rắn cắn phải nhập viện. Khi bị rắn độc cắn, người dân không nên áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết thương như trích rạch, châm chọc tại vùng vết cắn, dùng miệng hút máu, dùng các bài thuốc dân gian đắp lá vào vết thương.
Các bước sơ cứu người bị rắn cắn là không tự đi lại. Bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp, bởi vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn. Băng ép bất động vết thương nếu bị cắn bởi họ rắn hổ.
Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay, trong khi vẫn duy trì băng ép, bất động. Nếu nạn nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt hoặc dùng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay.
Thúy Quỳnh