Đội ngũ chuyên gia WHO gồm các nhà dịch tễ học, bác sĩ lâm sàng, kỹ thuật viên xét nghiệm, chuyên gia phòng chống nhiễm khuẩn và truyền thông rủi ro. Họ dự kiến phối hợp Đội Phản ứng nhanh Quốc gia và cơ quan y tế Kwango tăng cường giám sát dịch bệnh. Khu vực này bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm từ cuối tháng 11.

Các chuyên gia mang theo thuốc thiết yếu, bộ dụng cụ xét nghiệm và thu thập mẫu bệnh phẩm để phân tích nguyên nhân gây bệnh. Nhóm tập trung tăng cường biện pháp ứng phó như điều tra dịch tễ, truy vết tiếp xúc, điều trị và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các chuyên gia cũng phối hợp lãnh đạo địa phương thúc đẩy phòng ngừa lây nhiễm, xác định và báo cáo các trường hợp mới.

"Ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ hiệu quả các gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng, tập trung mọi nỗ lực để tìm nguồn cơn căn bệnh, phương thức lây truyền và đảm bảo ứng phó phù hợp nhanh chóng nhất có thể", tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc Khu vực Châu Phi của WHO, cho biết.

7360-1733335272-4533-173333531-8120-5758-1733562730.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ib0W_7P3tsKDpRhVJWQ3qg

Trẻ em được khám bệnh tại Congo. Ảnh: Xinhua

Theo Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo, đến nay Panzi đã báo cáo 394 trường hợp mắc bệnh và 30 ca tử vong. Các triệu chứng bao gồm đau đầu, ho, sốt, khó thở và thiếu máu. Nguyên nhân bệnh vẫn chưa rõ ràng.

Panzi là cộng đồng nông thôn nằm cách thủ đô Kinshasa hơn 700 km. Đường sá khó khăn và mạng lưới liên lạc hạn chế. Đến nay, 7 trong số 30 khu vực y tế tại tỉnh Kwango đã ghi nhận ca bệnh, phần lớn tập trung ở ba khu vực. Giới chức đang điều tra tác nhân gây bệnh đường hô hấp như cúm, Covid-19, sốt rét, sởi và các bệnh khác.

WHO cam kết chia sẻ thêm thông tin về các nỗ lực xác định căn bệnh này ngay khi có thể. Theo cơ quan, căn bệnh mới xuất hiện trong bối cảnh quốc gia này đang chịu áp lực từ nhiều dịch bệnh khác, đặc biệt là đậu mùa khỉ, với hơn 47.000 ca nghi ngờ nhiễm và hơn 1.000 ca tử vong.

Thục Linh (Theo WHO)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022