Bệnh thường có các triệu chứng khó chịu dai dẳng, dễ gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày, thể thao, giải trí, học tập và làm việc của người bệnh.

Ths.BS.CK2 Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng Khoa Mũi Xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết bệnh nhân khám viêm mũi dị ứng ngày càng tăng trong bối cảnh ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Có hai loại viêm mũi dị ứng gồm theo mùa và quanh năm.

Dị nguyên phổ biến của viêm mũi dị ứng theo mùa là phấn hoa, cỏ, nấm mốc trong không khí, cỏ phấn hương. Tác nhân thường gặp của viêm mũi dị ứng quanh năm là mạt bụi, nấm mốc, côn trùng, vảy da động vật.

Một số tác nhân ngoài môi trường có thể ảnh hưởng đến viêm mũi dị ứng là khói thải động cơ, hoạt động sản xuất, thu gom xử lý rác thải, gió bụi, cháy rừng... Trong nhà, ô nhiễm không khí làm nảy sinh hoặc làm tăng nặng bệnh có thể đến từ phòng ngủ thông gió kém, bụi và mạt bụi nhà, vi khuẩn và virus, thú cưng, máy sấy, quần áo cũ và ga trải giường, khói nấu ăn, thiết bị gas, chất tẩy rửa gia dụng, thùng rác, rò rỉ ống nước, vòi hoa sen, đồ nội thất và thảm trải sàn, khói thuốc lá... Khu vực sân nhà có thể có các tác nhân như phấn hoa, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, khói xăng và khí thải từ nơi để xe...

Việc biến đổi khí hậu đang xảy ra trên toàn cầu cũng ảnh hưởng đến số lượng và loại chất gây ô nhiễm trong không khí, làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều kiện biến đổi khí hậu còn làm thay đổi phân bố của các dị nguyên có nguồn gốc từ thực vật và nấm, ảnh hưởng đến mùa phấn hoa trên toàn thế giới, khiến mùa dị ứng ở nhiều nơi bắt đầu sớm và kéo dài hơn.

ba-c-si-ha-o-ho-n-3221-1704097-9226-2619-1734422001.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sZhGvAnQz1pzrS3E6go_kg

Bác sĩ Hớn và ê kíp phẫu thuật nội soi mũi xoang. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

TS.BS.CK2 Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, cho biết nhóm viêm mũi dị ứng chiếm 60-70% bệnh nhân viêm mũi xoang. Với người dị ứng theo mùa, khi chuyển mùa phải điều trị phòng ngừa trước để tránh triệu chứng nặng. Người bị viêm mũi dị ứng quanh năm, có thể điều trị bằng thuốc uống, thuốc xịt mũi, thuốc nâng cao miễn dịch... Một phương pháp điều trị tương đối triệt để hiện nay là giải mẫn cảm đặc hiệu, tức tiêm dị nguyên để cơ thể tạo ra kháng thể, giúp giảm dần mức độ dị ứng theo thời gian.

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng sẽ được xác định triệu chứng, sàng lọc viêm mũi dị ứng, phân biệt với các bệnh hô hấp khác. Từ đó, bác sĩ lựa chọn chiến lược điều trị và quản lý việc tuân thủ dựa trên các yếu tố như tuổi tác, triệu chứng, mức độ nghiêm trọng, sở thích, điều kiện kinh tế...

Để phòng ngừa viêm mũi dị ứng, bác sĩ khuyến cáo:

Mang khẩu trang khi đến nơi đông người.

Tránh khói thuốc, khói nhang, khói xe, hóa chất.

Hạn chế bơi ở hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nồng độ clo không phù hợp.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với thú cưng.

Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, mở cửa sổ thông khí tự nhiên.

Vệ sinh máy lạnh, hút bụi, kiểm soát độ ẩm không khí dưới 45%.

Phủ nệm và gối bằng vải dệt mịn (ngăn chặn được mạt bụi trong nhà).

Giặt ga trải giường, áo gối, mền ít nhất một lần mỗi tuần, trên 60 độ C.

Loại bỏ thảm trải phòng và màn cửa.

Nên dùng máy lọc không khí với màng lọc HEPA, giúp loại bỏ các hạt kích thước rất nhỏ.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022