"May mắn là đã có vaccine phòng bệnh, giúp giảm thiểu tác hại và di chứng nghiêm trọng", PGS.TS.BS Trần Minh Điển, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), nói tại hội thảo khoa học về phế cầu khuẩn, cuối tuần trước.

Bình thường, vi khuẩn phế cầu cư trú ở đường hô hấp trên, không gây bệnh. Khi sức đề kháng giảm hoặc sau những điều kiện thuận lợi như niêm mạc bị tổn thương do viêm đường hô hấp trên, nhiễm cúm, virus, viêm xoang..., phế cầu khuẩn dễ dàng xâm nhập, tấn công từ đường hô hấp trên xuống phổi.

Từ đó, bệnh nhân dễ viêm phổi với các biểu hiện như ho nhiều, sốt cao, ớn lạnh, đau ngực, đau cơ, thở nhanh, vã mồ hôi... có thể diễn tiến suy hô hấp, phải thở máy. Nhiều trường hợp điều trị khỏi, giữ được tính mạng nhưng vẫn để lại những di chứng nặng nề.

PGS-TS-BS-Tra-n-Minh-Die-n-5265-1723098467.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MjYjtrt9uqwaGEferM4K6w

PGS.TS.BS Trần Minh Điển phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tường Vi

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh do vi khuẩn phế cầu (Streptococcus pneumoniae) đã và đang là một trong mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Ước tính mỗi năm khoảng một triệu trẻ trên toàn cầu chết vì các bệnh liên quan đến phế cầu khuẩn, chiếm khoảng 11% trong tổng số trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tử vong.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), hiện có hơn 100 chủng vi khuẩn phế cầu. Vai trò của các chủng đối với gánh nặng bệnh là không giống nhau. Ở trẻ, một số chủng có khả năng gây bệnh xâm lấn cao như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi kèm nhiễm trùng huyết... Số khác có khả năng gây viêm phổi cao hơn hoặc liên quan viêm phổi hoại tử.

Cứ mỗi 43 giây có một trẻ tử vong do viêm phổi trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm, viêm phổi cướp đi mạng sống của 4.000 trẻ trong tổng số 2,9 triệu ca mắc. Nước ta là một trong 15 quốc gia trên toàn thế giới chịu gánh nặng lớn về viêm phổi do phế cầu.

chu-ng-ngu-a-vaccine-172309095-9441-7605-1723098468.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wuXP5N68Ufo1ZWp6b5EKSg

Trẻ được chủng ngừa vaccine ở TP HCM. Ảnh: Lê Phương

Khuẩn này lan truyền nhiều nhất qua đường không khí khi ho, hắt hơi, thông qua việc tiếp xúc với người bị bệnh hoặc người khỏe mạnh mang vi khuẩn. Bác sĩ khuyến cáo phòng bệnh bằng cách vệ sinh sạch sẽ đường hô hấp trên, vệ sinh răng miệng, mũi họng. Điều trị viêm xoang hiệu quả để tránh trường hợp vi khuẩn đi từ đường hô hấp trên xuống dưới phổi. Tập thể dục thể thao để tăng đề kháng cho cơ thể.

Phế cầu thường xảy ra sau khi bị cúm nên chủng ngừa cúm hàng năm cũng góp phần hạn chế tình trạng nhiễm trùng do phế cầu, bảo vệ lá phổi. Đặc biệt, nên chủng ngừa phế cầu, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc làm bệnh nhẹ hơn so với không tiêm chủng, nhất là những người nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền...

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022