Bác sĩ có thể giải thích một cách đơn giản để bạn đọc Báo Tiền Phong hiểu rõ: Ung thư cổ tử cung là gì và tại sao nó lại trở thành mối quan tâm lớn trong cộng đồng?
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào của cổ tử cung (phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo). Đây là căn bệnh khá nguy hiểm vì nó phát triển chậm, thường không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu, khiến nhiều phụ nữ không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn muộn.
Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và tiền ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng. Khi khối u ác tính trở nên lớn hơn và di căn vào các mô lân cận, các dấu hiệu ung thư cổ tử cung sẽ xuất hiện. Đó là chảy máu âm đạo bất thường. Chị em có thể bị chảy máu sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, chảy máu sau khi mãn kinh, chảy máu rỉ rả giữa các kỳ kinh hoặc kinh nguyệt kéo dài hơn so với chu kỳ bình thường. Dấu hiệu khác nữa là tiết dịch bất thường từ âm đạo: Dịch tiết có thể chứa một ít máu và có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh. Đồng thời xuất hiện đau khi quan hệ tình dục, đau ở vùng xương chậu…
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm HPV đều bị ung thư cổ tử cung. Virus này chỉ gây ra ung thư nếu người bệnh không được phát hiện và điều trị sớm. Vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh nhiều phụ nữ chưa ý thức đầy đủ về việc tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên.
TS.BS. Phan Chí Thành- Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo Bệnh viện Phụ sản TW. (Ảnh: Trọng Quân).
Như vậy là việc tầm soát ung thư cổ tử cung có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm căn bệnh này?
Căn bệnh này thường âm thầm phát triển trong 10 đến 15 năm. Chính vì vậy, tầm soát ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi việc điều trị còn hiệu quả cao và ít tốn kém. Thông qua các xét nghiệm như Pap smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) và HPV test, bác sĩ có thể phát hiện được các tế bào bất thường từ sớm, giúp can thiệp kịp thời và giảm thiểu nguy cơ ung thư. Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên bắt đầu tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ 3 năm một lần. Sau 30 tuổi, nếu xét nghiệm HPV âm tính, có thể kéo dài chu kỳ tầm soát lên 5 năm. Tuy nhiên, nếu có yếu tố nguy cơ cao, việc tầm soát nên được thực hiện thường xuyên hơn.
Bác sĩ cho biết khả năng điều trị thành công khi ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm?
Khi ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn sớm, khả năng điều trị thành công rất cao. Nếu chỉ mới phát hiện tế bào ung thư ở phần cổ tử cung (giai đoạn 1), tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến trên 90%. Việc điều trị chủ yếu là phẫu thuật, kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị trong một số trường hợp. Tuy nhiên, khi bệnh phát triển đến giai đoạn muộn, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn, tốn kém hơn và tỷ lệ sống sót cũng giảm đáng kể.
Tầm soát ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp quan trọng nhất để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi việc điều trị còn hiệu quả cao và ít tốn kém.
Ngoài việc tầm soát, phụ nữ có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung?
Ngoài việc tầm soát, phụ nữ cũng cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa khác như:
Tiêm vaccine HPV: Vaccine này giúp phòng ngừa một số loại virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Tiêm vaccine này rất hiệu quả khi được thực hiện trước khi có quan hệ tình dục.
Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ nhiễm HPV.
Không hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và nhiều loại ung thư khác.
Duy trì sức khỏe tổng thể tốt: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn và phòng ngừa các bệnh ung thư.
Những ai có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung, thưa bác sĩ?
Nhiễm HPV là yếu tố chính gây ung thư cổ tử cung. Virus HPV lây truyền qua quan hệ tình dục và có thể gây ra các tổn thương ở cổ tử cung.
Những người có đời sống tình dục không an toàn : Quan hệ tình dục với nhiều đối tác và không sử dụng biện pháp bảo vệ sẽ tăng nguy cơ nhiễm HPV. Ngoài ra, tuổi mà phụ nữ bắt đầu lần quan hệ tình dục đầu tiên của họ cũng được coi là một yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung vì tổn thương có thể gây ra cho cổ tử cung vào thời điểm nó vẫn đang phát triển. Nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khoảng 15 tuổi đã được chứng minh là cao gấp đôi so với những người có quan hệ tình dục sau 20 tuổi (theo WHO).
Những người có hệ miễn dịch yếu: Phụ nữ có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như do HIV, sẽ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn.
Hút thuốc: Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung.
Lịch sử gia đình: Nếu có người thân trong gia đình đã mắc ung thư cổ tử cung, nguy cơ của bạn cũng sẽ cao hơn.
Trân trọng cảm ơn bác sĩ Phan Chí Thành đã chia sẻ những thông tin rất bổ ích.