Ngày 14/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết mỗi tổ gồm 2-3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM và một thành viên từ các bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hoặc Nhi đồng Thành phố. Các tổ sẽ giám sát dịch, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ dịch, hướng dẫn trường học, trạm y tế địa phương phòng chống dịch sởi.

12 tổ phản ứng nhanh thành lập trong bối cảnh thành phố ghi nhận 5 trường học tiểu học của 4 quận, huyện xuất hiện ổ dịch sởi (từ hai ca trở lên) chỉ sau một tuần nhập học. Các chuyên gia dự báo sẽ phát sinh nhiều ổ dịch trường học.

Khi phát hiện trường hợp sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi, nhân sự phụ trách y tế của trường báo cáo cho trưởng trạm y tế trên địa bàn. Trưởng trạm ghi nhận, đánh giá và cử nhân sự đến trường phối hợp xử lý, điều tra sơ bộ tình hình. Nếu phát hiện ổ dịch tại trường, trưởng trạm báo cáo trung tâm y tế, sau đó kích hoạt tổ phản ứng nhanh đến trường.

img202409258084052172-14920248-3601-5604-1726287515.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eT--I5N8-oyy8DzleAforg

Nhân viên trạm y tế điều tra, giám sát dịch tễ tại trường học. Ảnh: Sở Y tế TP HCM

Thời gian qua, TP HCM ghi nhận ca sởi tiếp tục tăng về số lượng và phạm vi lan rộng, song tiến độ chủng ngừa đang chậm. Ngành y tế phối hợp ngành giáo dục và các địa phương đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi tại trường học.

Ba ngày sau khi UBND công bố dịch sởi, TP HCM triển khai chiến dịch tiêm vaccine để nâng miễn dịch cộng đồng, từ 31/8. Chiến dịch tiêm cho tất cả trẻ 1-10 tuổi, với 300.000 liều vaccine mua từ ngân sách thành phố. Trong 10 ngày đầu, chiến dịch tiêm gần 20.000 trẻ trên tổng số 125.000 trẻ cần tiêm sởi đợt này.

Theo bác sĩ Châu, tiến độ tiêm chủng chống dịch là yếu tố quyết định để kiểm soát dịch sởi. Sởi là bệnh truyền nhiễm lây rất nhanh qua đường hô hấp. Hầu hết những trường hợp chưa có miễn dịch đều phát bệnh sau khi tiếp xúc với người bị bệnh sởi đang trong thời kỳ lây nhiễm. Một ca bệnh sởi có thể lây trung bình 12 đến 18 người.

Tổ chức Y tế thế giới xác định một chiến dịch tiêm chủng chống dịch lý tưởng phải tiến hành càng sớm càng tốt và hoàn thành trong 7-10 ngày sau khi vụ dịch được xác định. Ngay cả khi triển khai muộn nhưng đạt tiến độ nhanh vẫn góp phần rút ngắn thời gian vụ dịch, giảm số ca mắc và tử vong, cải thiện tình trạng miễn dịch cộng đồng, dự phòng các vụ dịch trong tương lai.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022