Kiến nghị này được cử tri tỉnh Bến Tre đưa ra khi phản ánh liên quan lĩnh vực y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Theo quy định hiện hành về khám chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế (BHYT), khi người bệnh ở các xã đến khám chữa ở các bệnh viện hạng 3 thì không cần giấy chuyển viện, còn đến bệnh viện hạng 2 thì phải có giấy chuyển viện.

Bệnh viện hạng 3 là bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 là bệnh viện tuyến tỉnh. Cử tri Bến Tre cho rằng thực tế một số địa phương không có bệnh viện hạng 3 trực thuộc trung tâm y tế huyện mà có bệnh viện hạng 2 đóng trên địa bàn huyện. Như vậy, khi bệnh nhân ở xã đến bệnh viện hạng 2 đóng tại huyện thì phải có giấy chuyển viện.

"Quy định này gây phiền hà cho bệnh nhân", cử tri Bến Tre nêu, kiến nghị xem xét bỏ quy định bắt buộc phải có giấy chuyển viện đối với một số bệnh viện khu vực của tỉnh đóng trên địa bàn huyện.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết chính sách thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm được quy định rõ tại Luật Bảo hiểm y tế. Chính sách này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT nhu cầu khám chữa bệnh ở tuyến trên, đồng thời đảm bảo quản lý Quỹ BHYT hiệu quả.

Theo quy định Luật BHYT, từ ngày 1/1/2016, người có thẻ BHYT khám chữa bệnh tại tuyến huyện không cần giấy chuyển tuyến vẫn được Quỹ thanh toán 100% chi phí theo phạm vi mức hưởng. Ngoài ra, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở y tế tuyến tỉnh cũng được Quỹ trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi mức hưởng.

Bộ trưởng Y tế cho rằng kiến nghị của cử tri Bến Tre, tức là cho phép người tham gia BHYT được thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú tại các bệnh viện này mà không cần giấy chuyển viện, là "một đề xuất có thể giúp giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân".

"Tuy nhiên, việc này cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải cho các bệnh viện tỉnh, đồng thời đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế", Bộ trưởng Lan cho biết.

1-jpeg-5727-1723438706.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GNSDwp95K7wsZ0TDrtqLXw

Người dân khám chữa tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, năm 2024. Ảnh:Như Quỳnh

Tháng 11/2023, kiến nghị bỏ giấy chuyển viện cũng được đưa ra thảo luận ở Quốc hội. GS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương, khi ấy kiến nghị sớm bãi bỏ giấy chuyển viện và đẩy mạnh thông tuyến bệnh viện khi 93% dân số Việt Nam đã tham gia bảo hiểm y tế, để "người dân chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp tình trạng bệnh, chất lượng khám chữa, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc".

Ngược lại, lãnh đạo các bệnh viện tuyến trung ương cho rằng nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ khiến hệ thống y tế bị vỡ trận, tê liệt, gây thiệt hại cho người bệnh. TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức, hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế, khi đó là giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng nếu bỏ phân tuyến, cơ sở y tế tuyến trên sẽ được hưởng lợi vì người bệnh đổ về nhiều. Tuy nhiên, điều này có thể phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích. Chẳng hạn, một bệnh nhân với bệnh thông thường, tuyến dưới có thể điều trị rất tốt nhưng họ có tâm lý phải đi thẳng lên tuyến trên gây tốn kém mọi mặt.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định giấy chuyển viện nhằm đảm bảo hệ thống y tế bền vững, tránh quá tải một tuyến. Bộ Y tế đang nghiên cứu dùng giấy chuyển tuyến điện tử và hồ sơ khám chữa bệnh điện tử để giảm thủ tục.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022