Hai ngày nay, chị Hiền, 35 tuổi, lặn lội tìm thuốc Tamiflu ở khắp các cửa hàng thuộc quận Cầu Giấy. Sau khi ghé hiệu thuốc thứ 8, chị cũng tìm được vỉ thuốc cuối cùng với giá 650.000 đồng, cao hơn giá niêm yết vài trăm nghìn đồng. "Hầu hết bạn bè tôi đều dự trữ sẵn một vỉ thuốc trong nhà, để uống ngay khi có triệu chứng", chị chia sẻ.
Nhân viên tư vấn đây là thuốc ngoại, còn thuốc Việt Nam rẻ hơn khoảng 20.000 nghìn đồng/viên. Bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt chỉ cần uống 2 viên/ngày, uống trong 5 ngày là khỏi bệnh.
Tương tự, chị Trang, 29 tuổi, sau khi nghe tin cả nhà dương tính với cúm A, cũng cố gắng tìm mua Tamiflu. Dù chạy xe hàng chục km và tìm đến nhiều hiệu thuốc lớn nhỏ, chị đành ngậm ngùi về tay trắng. "Nhiều nơi bán giá 'cắt cổ', lên đến 90.000 đồng/viên, tôi đến muộn vài phút là hết sạch", người phụ nữ nói. Giá thuốc tăng không chỉ bởi nhu cầu cao mà còn vì một số người dùng tích trữ hoặc chấp nhận mua "chợ đen" cho an tâm.
Từ sau dịp Tết, nhu cầu thuốc Tamiflu tăng đột biến, đặt các nhà thuốc vào thế khó. Chị Giang, 30 tuổi, chủ một quầy thuốc ở quận Đống Đa, cho biết dù người dân đổ xô tìm kiếm, nhưng chị không dám nhập hàng vì giá đầu vào quá cao, khiến lợi nhuận không đủ hấp dẫn.
"Giá nhập hiện đã tăng từ 15-20% so với trước, có nơi bán ra tới 100.000 đồng/viên, nhưng vẫn không có nguồn hàng đủ," chị chia sẻ.
![132a6a09-5eb8-47f0-b662-ed8bac-2506-7419-1739345814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QJXe3sg3kiNJc6cSl2XS6A](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/132a6a09-5eb8-47f0-b662-ed8bac-2506-7419-1739345814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QJXe3sg3kiNJc6cSl2XS6A)
Trong đợt dịch cúm đang hoành hành ở miền Bắc, nhiều người dân đổ xô đi tích trữ Tamiflu vì sợ bệnh trở nặng. Ảnh: Thùy An
Khảo sát của VnExpress cho thấy các hệ thống bán lẻ lớn như FPT Long Châu ghi nhận lượng khách tìm mua các sản phẩm điều trị cảm cúm tăng mạnh, trong đó riêng Tamiflu đạt mức bán ra cao gấp 7 lần bình thường. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn đi sau nhu cầu. Một số người thậm chí tìm đến mạng xã hội để mua thuốc xách tay với giá từ một triệu đến 1,5 triệu đồng mỗi vỉ, bất chấp rủi ro về chất lượng. Anh Sơn, một cư dân Hà Nội, khi lướt qua hàng chục nhóm mua bán Tamiflu trên mạng, không khỏi hoang mang trước sự hỗn loạn: "Cứ như quay lại thời Covid-19", anh bày tỏ.
Lý giải tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng từ Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, cho rằng cơn khát thuốc Tamiflu chủ yếu bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của người dân.
"Nhiều người sợ thuốc tăng giá hoặc khan hiếm nên đổ xô mua về dự trữ, bất chấp không hiểu rõ cách dùng hay tác dụng của nó. Điều này gây lãng phí và tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe", ông nhận định.
Tamiflu, chứa hoạt chất Oseltamivir, chỉ có hiệu quả nếu sử dụng đúng cách: bắt đầu trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng cúm, và chỉ với bệnh nhân được chẩn đoán chính xác cúm A hoặc B, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao. Ngoài khoảng thời gian đó, thuốc gần như không còn hiệu quả, thậm chí có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng như buồn nôn, đau đầu và ảnh hưởng đến gan.
![e76a9b71-47ef-4b2e-9d9e-f075df-2948-3153-1739345814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n_WIR5H8Qy0wX84y0rMd8w](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/e76a9b71-47ef-4b2e-9d9e-f075df-2948-3153-1739345814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n_WIR5H8Qy0wX84y0rMd8w)
Vỉ thuốc Tamiflu gồm 10 viên nang, giá 65.000 nghìn đồng một viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phó giáo sư Đỗ Xuân Dũng, Trưởng Khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho biết Tamiflu chỉ thực sự cần thiết với các trường hợp cúm nặng, nhưng lại không mấy hiệu quả trong các triệu chứng cúm nhẹ.
"Lạm dụng thuốc Tamiflu sẽ dẫn đến kháng thuốc, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn trong tương lai", ông nhấn mạnh.
Trước đây, nhiều loại thuốc kháng virus như Amantadine và Rimantadine đã bị kháng hoàn toàn, và các nhà khoa học lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra với Tamiflu.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các virus cúm có khả năng phát triển kháng thuốc nếu thuốc bị sử dụng không hợp lý. Một nghiên cứu cho thấy, tại các khu vực xảy ra dịch cúm lớn, tỷ lệ kháng thuốc Oseltamivir đã tăng từ dưới 1% lên đến 18% chỉ sau vài năm. Đây là lời cảnh tỉnh về việc phải sử dụng thuốc hợp lý, đảm bảo đúng liều lượng và chỉ khi có chỉ định từ bác sĩ.
Nhằm kiểm soát tình trạng này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, khẳng định nguồn cung thuốc kháng virus vẫn đủ đáp ứng nhu cầu nếu phân phối hợp lý, và yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện dự trữ thuốc để tránh khan hiếm.
Người dân cũng được khuyến cáo không cần tích trữ Tamiflu, thay vào đó cần có biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả như tiêm vaccine cúm hàng năm, duy trì vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi dịch cúm bùng phát.
![de4ea16d-6b88-4fe2-aebc-2819b7-7932-6024-1739345814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6uzMxY50A_n-oBFzDV8u3g](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/de4ea16d-6b88-4fe2-aebc-2819b7-7932-6024-1739345814.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6uzMxY50A_n-oBFzDV8u3g)
Người dân đổ xô đi mua thuốc điều trị cúm. Ảnh: FPT Long Châu
Cúm mùa vốn là bệnh lưu hành quanh năm, nhưng thường tăng mạnh vào thời điểm lạnh ẩm như tháng 1-2 hoặc 6-7. Dịch cúm hiện nay ghi nhận số ca mắc tăng nhẹ, chủ yếu do virus cúm A/H3N2, H1N1 và cúm B gây ra. Dù hầu hết ca bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, các chuyên gia vẫn khuyến cáo mọi người cần cảnh giác, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi và người mắc bệnh nền.
Thùy An
*Tên nhân vật được thay đổi