Mùa hè năm 1518, tại thành phố Strasbourg (nay thuộc Pháp), một hiện tượng kỳ lạ đã diễn ra khiến cả xã hội đương thời hoang mang. Hàng trăm người dân bỗng nhiên bị cuốn vào một điệu nhảy không hồi kết. Không có âm nhạc, không có niềm vui nhưng những người này vẫn nhảy múa suốt ngày đêm, cho đến khi gục ngã vì kiệt sức. Được biết đến với tên gọi "Dịch bệnh nhảy múa", hiện tượng này vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với khoa học dù đã trôi qua hơn 500 năm.

Dịch bệnh khiến nạn nhân nhảy múa đến chết

Sự kiện bắt đầu vào tháng 7 năm 1518, khi một người phụ nữ tên Frau Troffea bước ra đường và bắt đầu nhảy múa không ngừng. Bà không có biểu hiện của sự vui vẻ hay say sưa trong điệu nhảy mà dường như bị một thế lực vô hình ép buộc.

Suốt nhiều ngày, Troffea tiếp tục nhảy mà không quan tâm đến bất cứ điều gì xung quanh. Đến ngày thứ sáu, bà gục ngã và qua đời vì kiệt sức. Nhưng điều kỳ lạ nhất là ngay sau đó, nhiều người khác bắt đầu có biểu hiện tương tự. Chỉ trong vòng một tuần, số người nhảy múa đã lên đến hơn 30 người, rồi nhanh chóng tăng lên khoảng 400 người trong vòng một tháng.

photo-1743080938012-1743080938580408929192-1743151948207-17431519495661304281771-1743152439916-17431524436081905669472.jpeg

“Dịch bệnh" nhảy múa cuồng loạn đến chết ở Pháp thế kỷ 16.

Những tài liệu lịch sử ghi nhận rằng các nạn nhân không thể tự kiểm soát cơ thể, họ nhảy múa điên cuồng ngay cả khi chân họ rướm máu, cơ thể dần trở nên suy kiệt. Một số người đã chết vì đột quỵ, suy tim hoặc kiệt sức.

Trước tình trạng ngày càng nghiêm trọng, chính quyền Strasbourg đã tìm cách đối phó. Điều đáng ngạc nhiên là thay vì ngăn cản, họ lại đưa ra một phương pháp kỳ lạ: "Lấy độc trị độc". Nhà cầm quyền tin rằng nếu người bệnh có thể nhảy đến mức kiệt quệ, họ sẽ hồi phục. Vì vậy, chính quyền đã dựng sân khấu ngoài trời, thuê nhạc công và mở rộng không gian cho những người bị ảnh hưởng tiếp tục nhảy.

Tuy nhiên, cách làm này không những không giúp kiểm soát dịch bệnh mà còn khiến số người tham gia nhảy múa tăng lên đáng kể, rồi tử vong vì nhồi máu cơ tim.

photo-1743080945048-17430809451991637128235-1743151950607-1743151950924224314236-1743152444320-1743152444430280153727.jpeg

Hàng trăm người dân bỗng nhiên bị cuốn vào một điệu nhảy không hồi kết.

Trước hậu quả ngày càng nặng nề, chính quyền buộc phải thay đổi biện pháp. Những người mắc "dịch bệnh nhảy múa" được đưa đến đền thờ Saint Vitus trên núi Vosges để cầu nguyện.

Tại đây, họ đi vòng quanh ban thờ với đôi giày đỏ. Sau vài tuần, hiện tượng kỳ quái này bắt đầu giảm dần, những người sống sót dần lấy lại được sự kiểm soát cơ thể và trở về cuộc sống bình thường. Đến tháng 9/1518, dịch bệnh nhảy múa gần như biến mất hoàn toàn.

500 năm sau nguyên nhân gây bệnh vẫn là 1 bí ẩn

Trải qua hơn 500 năm, các nhà sử học, y học và khoa học xã hội đã đưa ra nhiều giả thuyết để lý giải hiện tượng này, nhưng đến nay vẫn chưa có đáp án chính xác.

Hội chứng cuồng loạn tập thể (Mass Hysteria): Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng đây là một dạng rối loạn tâm lý tập thể do stress nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, thành phố Strasbourg đang đối mặt với nạn đói, bệnh dịch và bất ổn xã hội. Người dân sống trong tình trạng hoảng loạn, và trong bối cảnh đó, một cá nhân có thể trở thành "mồi lửa" châm ngòi cho hội chứng cuồng loạn hàng loạt.

Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm từ nấm cựa gà (Ergotism) cũng là một giả thuyết khác cho rằng những người nhảy múa có thể đã ăn phải lúa mạch nhiễm nấm cựa gà (Claviceps purpurea), loại nấm chứa hợp chất LSD tự nhiên có thể gây ảo giác, co giật và rối loạn thần kinh. Tuy nhiên, nếu ngộ độc do nấm cựa gà, các nạn nhân đáng lẽ phải lên cơn co giật chứ không thể nhảy múa không ngừng.

Một số nhà nghiên cứu, trong đó có Giáo sư John Waller của Đại học bang Michigan, cho rằng nạn nhân có thể đã bị ảnh hưởng bởi đức tin tôn giáo. Thời Trung Cổ, người dân tin rằng Thánh Vitus có thể nguyền rủa họ bằng những điệu nhảy không kiểm soát nếu họ xúc phạm ngài. Niềm tin này có thể đã tạo ra một dạng ám thị tập thể, khiến hàng trăm người rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý và thực sự không thể ngừng nhảy.

photo-1743081084612-1743081084878367576031-1743151952492-1743151952673523527254-1743152445088-17431524451981418864418.jpeg

Điều đáng nói là hiện tượng "dịch bệnh nhảy múa" không chỉ xảy ra duy nhất tại Strasbourg. Các tài liệu lịch sử ghi nhận rằng những vụ việc tương tự cũng đã diễn ra tại Thụy Sĩ, Đức và Hà Lan trong suốt thế kỷ 14-17. Dù quy mô không lớn bằng sự kiện năm 1518, nhưng chúng đều có những điểm chung: nạn nhân nhảy múa liên tục trong nhiều ngày, không kiểm soát được hành vi của mình và một số người đã chết do kiệt sức.

Hơn năm thế kỷ đã trôi qua, "dịch bệnh nhảy múa" năm 1518 vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử nhân loại. Dù nhiều giả thuyết được đặt ra, nhưng không có lý giải nào đủ sức thuyết phục để giải thích toàn bộ hiện tượng này. Liệu đây là một trường hợp rối loạn tâm lý tập thể hay có một nguyên nhân sâu xa nào khác vẫn chưa được khám phá?

Ngày nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những hiện tượng tương tự trong xã hội hiện đại, như hội chứng cuồng loạn tập thể, các phong trào tôn giáo cực đoan hay hiệu ứng tâm lý lan truyền qua mạng xã hội. Có lẽ, những nghiên cứu này sẽ phần nào giúp giải mã bí ẩn về "dịch bệnh nhảy múa" - một câu chuyện có thật nhưng vẫn kỳ lạ như truyền thuyết.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022