Phát biểu tại Thượng viện ngày 7/7, Thứ trưởng Y tế Chaichana Dechdecho cho biết dù tổng số ca mắc HIV toàn quốc có xu hướng ổn định, số ca mới ở thanh thiếu niên lại tăng nhanh vì tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm. Đây là xu hướng đáng báo động, gây lo ngại đặc biệt cho giới chức y tế cũng như công chúng.
Số liệu từ Văn phòng An ninh Y tế Quốc gia cho thấy đến nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 547.000 ca HIV tích lũy, trong đó các điểm nóng như Bangkok, Chon Buri, Khon Kaen và Nakhon Ratchasima bị ảnh hưởng mạnh do lượng du khách lớn.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đã lên kế hoạch ký biên bản ghi nhớ với các trường học nhằm phân phát bao cao su và tăng cường giáo dục sức khỏe tình dục. Bộ cũng sẽ hợp tác với khu vực tư nhân để can thiệp vào những ngành nghề có nguy cơ cao, đồng thời mở rộng các cơ sở xét nghiệm HIV trên cả nước.
Mục tiêu quốc gia là đưa số ca nhiễm mới xuống dưới 1.000 ca và số ca tử vong dưới 4.000 mỗi năm. Dù vậy, các chuyên gia lo ngại khó đạt được mục tiêu này nhiều người trẻ lầm tưởng HIV đã có thể chữa khỏi, hoặc không còn là mối đe dọa nghiêm trọng, khiến thái độ phòng tránh trở nên lơ là.

Một máy bán bao cao su tự động tại trường học ở Thái Lan. Ảnh: TNA
Hàng năm, Thái Lan chi trung bình 8,4 tỷ baht cho công tác phòng chống HIV và chăm sóc bệnh nhân, với 7,7 tỷ baht từ ngân sách trong nước và phần còn lại là viện trợ quốc tế. Trong đó, 6,2 tỷ baht được phân bổ cho thuốc điều trị, trong khi các chương trình phòng ngừa chỉ nhận khoảng 1,2 tỷ baht. Chi phí điều trị trung bình cho mỗi người bệnh là 12.000 baht mỗi năm, bao gồm hơn 5.700 người nước ngoài sinh sống tại Thái Lan.
HIV vẫn là thách thức lớn đối với hệ thống y tế Thái Lan, không chỉ về hiệu quả điều trị mà còn về gánh nặng chi phí chăm sóc cho cả công dân và người nước ngoài. Chính phủ kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công, tư nhân và sự tham gia của cộng đồng để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trong thập kỷ tới.
Thục Linh (Theo Bangkok Post, Oananews)