Tiền sử dạ dày, đại tràng nhiều năm, Hoa uống nhiều loại thuốc tây, nam vẫn không khỏi. Đầu tháng 3, cô thấy lan truyền trên mạng xã hội phương pháp thải độc bằng giấm. "Khi vào cơ thể, giấm điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm cholesterol, điều hòa cơ thể, thải độc gan, thận", một tài khoản nêu trên TikTok. Người khác quảng cáo uống giấm cốt tăng hiệu quả nhanh, hoặc uống giấm táo, giấm mật ong, "vừa diệt trừ vi khuẩn, vừa loại bỏ độc tố dư thừa trong cơ thể".

Không muốn tốn tiền uống thuốc, Hoa mua giấm nguyên chất uống mỗi sáng khi ngủ dậy. Ngày đầu tiên, cô cảm thấy khó nuốt, mùi hắc, phải pha loãng với nước ấm. Ngày thứ hai, cô thêm một chút mật ong để mùi vị dễ chịu hơn.

Sau 10 ngày, Hoa thường xuyên bị trào ngược axit, ợ chua, ăn không ngon, nổi mụn. Kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Đại học Y cho thấy cô bị viêm dạ dày, phải uống thuốc để tránh nguy cơ loét.

Gần đây, các phương pháp thải độc như uống nước chanh, nước kiềm hoặc dùng nước cốt chanh nhỏ trực tiếp vào mắt, mũi, tai, thu hút hàng nghìn lượt quan tâm. Trong đó, phương pháp dùng giấm vào buổi sáng vừa ngủ dậy khi bụng còn trống rỗng nhằm thải độc được nhiều người áp dụng vì giá rẻ, có thể thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết nhiều trường hợp uống giấm thay nước lọc đã dẫn đến viêm loét dạ dày, đau bụng, phải đến viện khám chữa.

a-nh-ma-n-hi-nh-2025-04-26-lu-4654-6231-1745645452.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=R6zKU0QGtXu5JyVsWg6CRA

Chỉ nên dùng giấm với liều lượng nhỏ, đúng cách, không nên lạm dụng. Ảnh chụp màn hình

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết giấm có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết và hạn chế hấp thu chất béo nếu dùng đúng cách, nhưng dùng quá liều có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực.

"Acid trong giấm bào mòn niêm mạc dạ dày, khiến hệ tiêu hóa suy yếu, cơ thể buồn nôn, đau bụng, thậm chí mất cảm giác ngon miệng vì lợi khuẩn bị tiêu diệt", bác sĩ nói, thêm rằng mức độ tổn thương tăng theo lượng giấm và thời gian sử dụng.

Tương tự, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, chuyên khoa Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, khẳng định: "Cơ thể đã có cơ chế tự thải độc thông qua gan, thận, bài tiết mồ hôi, hô hấp và đào thải tự nhiên, không cần các biện pháp can thiệp như quảng cáo".

Báo cáo của Viện Sức Khỏe Quốc Gia Mỹ cũng cho thấy, gan và thận vận hành liên tục để lọc máu và loại bỏ độc tố. Một nghiên cứu năm 2022 tiến hành trên 1.500 người tham gia cho kết quả không ghi nhận sự khác biệt nào về mức độc tố trong cơ thể giữa nhóm dùng "liệu pháp thải độc" và nhóm không sử dụng. Trên thực tế, từng có trường hợp một phụ nữ Trung Quốc vào năm 2002 chỉ uống một thìa giấm gạo nhưng đã bị bỏng thực quản cấp độ hai.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo nên sử dụng giấm với liều lượng nhỏ và đúng cách, uống sau khi ăn hoặc pha loãng với nước trước khi uống để giảm tác dụng phụ lên dạ dày. Để đường ruột khỏe mạnh, người dân cần uống trên hai lít nước mỗi ngày, khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và cá, hoa quả. Giảm ăn đường, ăn đủ chất béo lành mạnh có trong bơ, hạnh nhân, đậu phộng, hạt macadamia, quả phỉ, cá béo, dầu ô liu và dầu dừa... Hạn chế thịt đỏ hoặc ăn quá nhiều thức phẩm bổ dưỡng.

Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích. Tập thể dục để bài tiết mồ hôi, duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc. Tuyệt đối không nghe theo quảng cáo hay lời đồn thổi, uống giấm thay nước lọc, rước bệnh vào người.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022