Ngày 17/4, chị Trần Bảo Linh, ở Hà Nội, chia sẻ câu chuyện "mẹ tôi uống sữa giả ngay sau khi phẫu thuật tuyến giáp ở Bệnh viện 108". Theo đó, sau khi mổ xong tuyến giáp, bệnh nhân được nhân viên y tế phát một hộp sữa có nhãn Hofumil Gold Plus với giá gần một triệu đồng một hộp - loại sữa do Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma sản xuất.
"Cầm sữa lên thấy tên lạ, nghĩ bệnh viện đưa cho sử dụng là yên tâm, không ngờ đây lại là sữa giả", chị Linh nói. Người phụ nữ cho biết đã liên hệ với bệnh viện và được trả lời "sẽ thu hồi và hoàn tiền cho các bệnh nhân đã mua sữa trong đợt điều trị tại viện".
Trả lời vấn đề này, đại diện Bệnh viện 108 nói đã rà soát và phát hiện sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong bệnh viện thuộc danh mục các sản phẩm sữa do công ty trên sản xuất. Sản phẩm này đã trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi, theo đúng quy định của pháp luật.
"Do vậy, sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus nếu được cơ quan chức năng của Nhà nước kết luận là giả, thì bệnh viện và người bệnh là bên bị hại của vụ việc này", đại diện bệnh viện nói. Hiện chưa rõ bao nhiêu bệnh nhân sử dụng sữa này và tác động lên sức khỏe ra sao.
Để đảm bảo quyền lợi người bệnh, bệnh viện đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn dừng tư vấn sử dụng Hofumil Gold Plus và thu hồi chúng để trả lại đơn vị cung ứng. Đồng thời, liên hệ với người bệnh đã được tư vấn sử dụng sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus để khuyến cáo dừng sử dụng. Nơi này cũng cam kết đồng hành cùng bệnh nhân, yêu cầu đơn vị cung ứng hoàn trả số tiền đã mua sản phẩm.
Theo tiến sĩ luật Nguyễn Hữu Thế Trạch, đối chiếu với những quy định của pháp luật hiện hành, những người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng các sản phẩm sữa giả này có thể tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là bị hại.
Người tiêu dùng cần lưu lại các hóa đơn, biên lai mua sữa, thông tin người bán và các chứng cứ chứng minh đã mua, sử dụng sữa giả. Nếu có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, phải có chứng cứ chứng minh thiệt hại. Gửi đơn tố cáo kèm tài liệu, chứng cứ tới cơ quan điều tra và yêu cầu tham gia tố tụng với tư cách người bị hại theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Loại sữa mà bệnh nhân sử dụng tại Bệnh viện 108. Ảnh: Bệnh nhân cung cấp
Hôm 12/4, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Theo quy định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công tyđể sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả có hệ sinh thái phủ cả nước.
Bộ Y tế đang chờ báo cáo của 63 tỉnh thành tổng hợp danh sách "tự công bố sản phẩm" của hệ sinh thái trên, sau đó sẽ thông tin đầy đủ đến người dân. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an để có căn cứ xử lý đúng pháp luật.
Lê Nga