Ngày 27/1, người phụ nữ 48 tuổi (sống tại TP.HCM) di chuyển bằng xe ô tô khách về Hà Nam để ăn Tết. Mùng 8 Tết Nguyên đán, người này sốt rét run liên tục, tình trạng ngày càng nặng. Tối cùng ngày, chị bắt đầu có những biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, lơ mơ, nhận thức chậm.
Gia đình đưa vào viện tại Hà Nam chụp chiếu, đánh giá, sau đó được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng trên da có nổi những nốt ban xuất huyết hoại tử, chọc dịch não tuỷ ra chất màu vàng đục.
Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nên điều trị kháng sinh đặc hiệu và khoanh vùng cách ly. Tiếp đó, kết quả soi dịch não tủy và phân tích nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (máu, dịch não tủy) đều dương tính với vi khuẩn não mô cầu type B là type nguy hiểm.

Người phụ nữ đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng trên da có nổi những nốt ban xuất huyết hoại tử. (Ảnh: Nguyên Hà)
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi được điều trị đúng phác đồ, kịp thời, bệnh nhân tiến triển tốt hơn, hết sốt, hết đau đầu, các vết ban hoại tử ngoài da đã gần biến mất và hiện nay ổn định, có thể ra viện trong vài ngày tới.
Bệnh viêm màng não mô cầu nguy hiểm như thế nào, dấu hiệu nhận biết ra sao?
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân gồm người nhà, nhân viên y tế cũng đã được cảnh báo và uống thuốc dự phòng. Ngoài ra, Trung tâm cũng báo cho các đơn vị có liên quan như Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, CDC Hà Nam để có biện pháp điều tra dịch tễ, ngăn chặn, phòng chống nếu xuất hiện các ổ dịch lây lan trong cộng đồng.
Viêm màng não do não mô cầu là bệnh do vi khuẩn gây dịch nguy hiểm nhóm B, Nesseiria meningitisis cư trú ở hầu họng gây ra, lây qua đường giọt bắn, thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư như doanh trại bộ đội, khu tập thể, trường học… Nhóm người mắc chủ yếu là người trẻ tuổi, những người chưa có miễn dịch, tiêm phòng. Bệnh thường diễn biến nhanh gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nặng hơn gây suy đa tạng và có thể tử vong.

Kết quả soi dịch não tủy và phân tích nuôi cấy mẫu bệnh phẩm (máu, dịch não tủy) đều dương tính với vi khuẩn não mô cầu type B là type nguy hiểm. (Ảnh: Nguyên Hà)
Viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu chia ra nhiều thể, thể đơn thuần cũng giống như các viêm màng não khác, tiến triển và điều trị trong khoảng 2 tuần sẽ khỏi. Đối với thể cấp, tối cấp, tiến triển nhanh trong vài ngày cùng các triệu chứng sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức và đi vào hôn mê nhanh, xuất hiện những ban xuất huyết hoại tử ngoài da trong bệnh cảnh hội chứng suy thượng thận cấp, sốc và tử vong nhanh chóng.
Viêm màng não do não mô cầu tỷ lệ tử vong từ 10 – 20%. Những thể nặng nhiễm trùng huyết, suy thượng thận, cấp, tối cấp có thể tử vong nhanh trong vòng 24h. Vì thế, khi phát hiện ra cần điều trị và cách ly kịp thời.
Viêm màng não mủ do não mô cầu không phải trường hợp thường gặp, chỉ xảy ra ổ dịch lẻ tẻ, hoặc các nơi khác du nhập đến. Tuy nhiên, với tính chất tiến triển nhanh và tỷ lệ tử vong cao, nên các bệnh nhân nghi ngờ nhiễm não mô cầu cần đến các cơ sở y tế sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, đây là bệnh có thể phòng bằng vaccine nên người dân cũng cần lưu ý đến việc tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ tính mạng chính mình và người thân.