Thông tin được PGS TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết tại Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ 2, ngày 11/10,tại Hà Nội. Chương trình thu hút 300 đại biểu đến từ các bệnh viện trong cả nước và 8 chuyên gia từ các nước có số lượng tạng hiến từ người chết não cao như Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc.
Năm 2023, cả nước chỉ có 14 ca chết não hiến tặng mô tạng, thì trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng đã tăng lên 25. Điều này góp phần đưa tỷ lệ tạng ghép từ người cho chết não lên 10,49%, trong khi trước đây là 5-6%.
"Đây là kỷ lục chưa từng có trong 32 năm lịch sử ghép tạng", PGS Hệ nói, thêm rằng con số thể hiện nỗ lực của công tác vận động, truyền thông hiến tạng cứu người đến người dân.
Ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam thực hiện hồi tháng 5/2010. Tính đến tháng 10/2022, nước ta ghi nhận 130 ca ghép tạng từ người cho chết não. Trung bình trong giai đoạn này có 11 ca ghép mô tạng từ người cho chết não mỗi năm. Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Bác sĩ đánh giá người chết não hiến tạng để phẫu thuật lấy tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
PGS PGS TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết năm 2023, 1.000 người được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, đa số nguồn tạng lấy từ người hiến còn sống. Người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên.
Thực tế này đi ngược với xu hướng của thế giới, bởi ở nhiều quốc gia, tạng hiến từ người chết não chiếm đa số. Nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, số người đăng ký hiến tạng và người hiến chết não tăng rất nhanh những năm gần đây.
Đơn cử tại Trung Quốc, mỗi năm nước này thực hiện hơn 20.000 ca ghép tạng, chỉ đứng sau Mỹ. Tỷ lệ ghép tạng từ người cho chết não, chết tim rất cao. Riêng năm 2022, Trung Quốc thực hiện hơn 10.000 ca ghép thận (chiếm 80% các ca ghép thận) và hơn 5.300 ca ghép gan (chiếm 88% các ca ghép gan) từ người cho chết não, tim.
Vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não, theo bà Tiến. Nếu người dân, gia đình không ủng hộ, việc hiến mô tạng từ người cho chết não vô cùng khó khăn. Do vậy, việc thuyết phục rất quan trọng, để người dân không chỉ ủng hộ bằng lời nói mà thể hiện bằng hành động qua việc thực hiện đăng ký hiến mô, tạng.
"Đây là chiến lược dài hơi của bất kỳ quốc gia nào. Truyền thông để thay đổi nhận thức người dân cùng những thay đổi về pháp lý từ luật hiến mô tạng sẽ giúp hoạt động này hiệu quả hơn", bà Tiến nói.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến trao giấy khen cho BS Nguyễn Lê Trung - con trai của cụ bà hiến giác mạc sau qua đời. Ảnh: N.Loan
Thời gian qua, nước ta đã thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở nhiều bệnh viện, giúp tăng đáng kể số người hiến tạng chết não. Nhân viên bệnh viện được tập huấn các kiến thức, tăng nhận diện người chết não tiềm năng; tiếp cận gia đình, người bệnh để chẩn đoán, hồi sức khi chết não; thuyết phục gia đình đồng ý, thực hiện lấy mô tạng.
Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học nhân loại từ thế kỷ 20. Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992 đến nay, cả nước có gần 9.000 ca ghép tạng được thực hiện. Trong đó, chủ yếu là ghép thận với hơn 8.000 ca; ghép gan khoảng 600; ghép tim hơn 80; ghép phổi hơn 10; còn lại một số ca ghép ruột, tạng khác. Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 29 bệnh viện thực hiện kỹ thuật này.
Lê Nga