Ngày 14/1, đại diện Bệnh viện mắt Hoa Lư cho biết bệnh nhân ngứa dữ dội mắt trái lâu ngày và ngứa nhiều về đêm, loét xung quanh, cảm giác nặng mi mắt. Bác sĩ phát hiện hàng trăm con rận mu trưởng thành, nhiều ấu trùng còn sống kèm vỏ kén chi chít dưới chân lông mi bệnh nhân. Xung quanh mi mắt trái viêm nặng, loét niêm mạc da mi, rụng lông mi.

Dưới kính hiển vi, bác sĩ gắp rận, vệ sinh sát khuẩn hai bên mắt bệnh nhân để làm sạch các ổ trứng và ký sinh trùng.

5f4a074c01bfbde1e4ae-173684434-3448-6416-1736844412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KU3LyRgWmapeAqHPKo-NMg

Mi mắt bị hàng trăm con rận mu bâu chi chít. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Rận mu còn được gọi là rận mi, rận lông mu, rận bẹn, là một loài thuộc côn trùng hút máu, sống và sinh sản chủ yếu ở vùng bộ phận sinh dục hoặc lông mày, mi, râu, ria mép, nách.

Rận mu có kích thước nhỏ hơn các loại rận khác, vì thế mọi người thường chủ quan và không phát hiện ra. Rận trưởng thành sẽ sinh sản, phát triển. Thông thường, trứng rận nở sau khoảng 7-10 ngày, hút máu vật chủ để tồn tại, gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

Khi bị rận mu bâu mi mắt, bệnh nhân thường cảm thấy ngứa, sẩn đỏ hoặc có các vảy màu đỏ sẫm ở mi và lông mi. Quan sát kỹ sẽ thấy trứng và rận trưởng thành, ở một mắt hoặc cả hai.

Bác sĩ khuyến cáo khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm rận mu, cần đến cơ sở y tế điều trị kịp thời và được tư vấn cách phòng tránh lây lan. Mọi người nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể và nhà ở vì ký sinh trùng có thể trú ngụ mọi nơi.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022