Dịch cúm mùa năm nay đang hoành hành khắp Đông Á và Mỹ, được đánh giá là đợt dịch nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây, khiến các bệnh viện quá tải, thuốc khan hiếm, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Tại Việt Nam, số ca cúm đang tăng, trong đó các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, bị tổn thương phổi nghiêm trọng, biểu hiện "phổi trắng" qua phim X-quang. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết đây là dấu hiệu đặc trưng của đợt cúm năm nay.
Như bệnh nhân nam 59 tuổi, suy hô hấp, phổi mất chứng năng thông khí, hôn mê do biến chứng cúm A, phải đặt ECMO. Theo bác sĩ, phổi của ông đã tổn thương 90% gây sốc nhiễm khuẩn nghiêm trọng, khiến CO2 tích tụ trong máu, trắng phổi.
Trường hợp khác, 66 tuổi, tiền sử phổi tắc nghẽn mạn tính, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Ông nhập viện với các triệu chứng ban đầu giống một cơn cảm cúm thông thường như sốt, ho, khó thở. Chỉ sau hai ngày, tình trạng tiến triển trầm trọng, phổi trắng xóa, mất chức năng 50-60%.
Theo bác sĩ, hầu hết bệnh nhân cúm nặng cấp cứu tại Bệnh viện đều có bệnh nền mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc bệnh liên quan đến phổi khiến tình trạng phổi tổn thương nặng hơn.
Tương tự, bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho biết đa số cúm thông thường không gây tổn thương phổi. Trong khi đó, dấu hiệu phổi trắng trên phim chụp X-quang thường gặp ở những bệnh nhân nặng, suy hô hấp dẫn đến tổn thương phổi dạng kính mờ hoặc phù phổi cấp. Sau khi hồi phục, bệnh vẫn có thể để lại di chứng nặng nề.
![A-nh-ma-n-hi-nh-2025-02-13-lu-6290-2390-1739424918.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v-ZG-yx4zbuR0Z7tGXJcWw](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/A-nh-ma-n-hi-nh-2025-02-13-lu-6290-2390-1739424918.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v-ZG-yx4zbuR0Z7tGXJcWw)
Hình ảnh Xquang phổi của một bệnh nhân bị tổn thương nặng, trắng xóa. Ảnh minh họa: Theo Nature Publishing
Nguyên nhân gây tình trạng "trắng phổi" do cúm chủ yếu liên quan đến sự tổn thương nghiêm trọng tại phổi do các phản ứng viêm mạnh mẽ của cơ thể với virus. Khi virus cúm tấn công, hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức bằng cách giải phóng bão cytokine, dẫn đến viêm lan tỏa và phá hủy mô phổi cũng như mao mạch. Virus cũng trực tiếp tấn công vào biểu mô hô hấp và phế nang, gây viêm phổi, phù nề và giảm chức năng trao đổi khí của phổi.
Ngoài ra, tổn thương do virus tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây bội nhiễm phổi và làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn. Hậu quả cuối cùng là tổn thương phổi cấp tính (ARDS), khi các phế nang bị lấp đầy bởi dịch viêm, protein huyết tương và màng hyalin, dẫn đến suy hô hấp trầm trọng và hình ảnh trắng đục lan tỏa trên X - quang hoặc CT phổi.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM nhận định tỷ lệ nhiễm A/H3N2 có xu hướng tăng lên, góp phần làm bệnh nặng hơn ở các nhóm nguy cơ. Đây là chủng cúm A độc lực cao, thường liên quan đến bệnh cảnh nặng hơn, đặc biệt ở người cao tuổi.
"Phát hiện và can thiệp sớm là yếu tố quyết định việc cứu sống bệnh nhân trong các trường hợp nặng, do đó, nhóm dễ bị tổn thương khi mắc cúm cần cẩn trọng", bác sĩ nhận định.
![907889ae-d35d-4739-ba75-78caa5-9154-8699-1739437252.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vzYdPvTbjoA8RUDrOibK0Q](https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/13/907889ae-d35d-4739-ba75-78caa5-9154-8699-1739437252.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vzYdPvTbjoA8RUDrOibK0Q)
Bác sĩ xem phim X Quang phổi. Ảnh: Ngọc Thành
Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp gây ra bởi các chủng virus cúm. Đây là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt thường xuất hiện vào mùa đông - xuân khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao. Bệnh lây qua giọt bắn, qua các tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết của người bệnh.
Virus cúm gây ra các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ, mệt mỏi, ho khan, đau họng, nghẹt mũi. Thời gian bệnh thông thường kéo dài từ 5-7 ngày ở người khỏe mạnh nhưng có thể kéo dài lâu hơn và nguy hiểm hơn ở nhóm nguy cơ cao.
Để phòng ngừa cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo mọi người nên tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt là các nhóm người dễ biến chứng như trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, các biện pháp như đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên, che miệng và mũi khi hắt hơi, cũng rất cần thiết để hạn chế lây lan virus. Một lối sống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý cũng sẽ giúp nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại dịch bệnh hiệu quả hơn.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt cao, ho, đau đầu, đau ngực, cần nghỉ ngơi tại nhà, uống đủ nước để theo dõi tình trạng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng như khó thở, đau tức ngực, lơ mơ, hoặc tím tái, cần đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Nhóm nguy cơ cần thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu đầu tiên để được can thiệp đúng cách và giảm thiểu rủi ro.
Thùy An