Tới 15h, bão sẽ đi sâu vào các tỉnh phía Bắc. Bão Yagi được đánh giá là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết mưa bão lớn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe khi bão đổ bộ, người dân cần lưu ý 4 điều dưới đây.

Thứ nhất, người dân nên ở trong nhà để tránh chấn thương. Khi bão đổ bộ người dân nên ở trong nhà không đi ra ngoài, tránh xa cửa sổ và cửa ra vào. Vì khi bão đổ bộ, việc di chuyển ngoài đường có thể bị chấn thương do cây đổ, mái tôn, dị vật bay vào người.

Trong thời gian bão đổ bộ, ở trong nhà người dân cần chuẩn bị sẵn đèn pin để đề phòng mất điện, không sử dụng nến thắp sáng để tìm kiếm đồ trong không gian hạn chế, khu vực bếp gas vì dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

bao2-1725711794142-17257117946321976568782.jpg

Mưa lớn xảy ra tại Hà Nội chiều 6/9.

Thứ hai, với người tham gia phòng chống bão lũ (làm việc trong điều kiện khắc nghiệt) cần phải đảm bảo giữ gìn sức khỏe. Do quá trình làm việc trong điều kiện bão và mưa lũ, hệ miễn dịch suy giảm nên những đối tượng này dễ mắc các bệnh truyền nhiễm (ví dụ như cúm) sau bão. Người tham gia phòng chống bão cần phải nghỉ ngơi, ăn uống, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng và làm việc cần phải đảm bảo an toàn cho tính mạnh.

Thứ ba, khi bão đổ bộ, người dân vẫn cần phải đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín – uống sôi để phòng ngừa mắc các bệnh về đường tiêu hóa.

Thứ tư, vấn đề đặc biệt cần lưu ý khi bão đổ bộ là phải chú ý tới những người có triệu chứng cấp cứu ví như người bị viêm ruột thừa, chảy máu dạ dày, tăng huyết áp, đột quỵ, sinh đẻ…

"Với những trường hợp này, nếu bão đổ bộ không được tiếp cận y tế có thể nguy kịch tới tính mạng”, PGS Trần Đắc Phu cho hay.

Trong tình huống có các triệu chứng cấp cứu như trên, PGS Phu khuyên người dân cần cố gắng tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp (gọi điện tư vấn) để được hỗ trợ kịp thời. Tuyệt đối, không chờ bão hết mới đi cấp cứu vì có thể nguy kịch tới tính mạng.

Không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị

Trước những diễn biến phức tạp của bão Yagi, Bộ Y tế đã có chỉ đạo về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân.

Theo đó, Bộ Y tế đã phát đi Công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động triển khai công tác y tế ứng phó bão số 3 và mưa lũ.

- Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24h;

- Sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra;

- Không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân;

- Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ;

- Chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

- Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra;

- Sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022