1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với người bị bóng đè

Hiện tượng bóng đè còn được gọi là chứng tê liệt khi ngủ, đó là cảm giác tê liệt tạm thời xảy ra giữa giai đoạn thức và ngủ. Trong giai đoạn tê liệt khi ngủ, người ta vẫn tỉnh táo nhưng không thể cử động hoặc nói.

Chứng tê liệt khi ngủ có thể liên quan đến các triệu chứng như: không thể cử động tay, chân, cơ thể và đầu khi ngủ hoặc thức dậy; không có khả năng nói; nhận thức đầy đủ về những gì đang xảy ra; bị ảo giác.

Theo các chuyên gia y tế, hiện tượng bóng đè có liên quan đến một số yếu tố bao gồm: Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ , ngừng thở khi ngủ; Căng thẳng, lo âu, trầm cảm; Sử dụng chất kích thích ( caffeine , rượu, thuốc lá…)… Do đó, điều trị bóng đè thường tập trung vào việc điều chỉnh lối sống và khắc phục các yếu tố nguy cơ.

Tài liệu từ trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, ngoài việc thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học, luyện tập đều đặn và tránh căng thẳng thì chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện giấc ngủ và giảm tần suất các cơn bóng đè.

Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng, hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích phù hợp với người bị bóng đè vì nó giúp:

Cung cấp năng lượng: Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động suốt cả ngày và giúp bạn cảm thấy thoải mái và dễ ngủ hơn vào ban đêm.

Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Một số loại thực phẩm có chứa các chất giúp thư giãn cơ bắp, giảm cẳng thẳng và cải thiện giấc ngủ như thực phẩm giàu vitamin B , magie, tryptophan…

bong-de-3-1722251823003791285296-1722666278405-17226662791221884598848.jpeg

Thực phẩm giàu vitamin B tốt cho người bị bóng đè.

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị bóng đè

Giấc ngủ ngon sẽ giảm thiểu tần suất bị bóng đè, tập trung vào chế độ ăn lành mạnh, tốt cho giấc ngủ rất quan trọng. Theo Tổ chức giấc ngủ Quốc gia của Hoa Kỳ, vitamin là nhóm chất tự nhiên cần thiết cho cơ thể. Muốn khỏe mạnh con người cần có đủ chất. Nghiên cứu cho thấy rằng vitamin C, D và vitamin B giúp duy trì giấc ngủ lành mạnh. Vitamin E, A và K có thể đóng vai trò nhỏ hơn nhưng vẫn quan trọng.

Vitamin B

Vitamin B là những chất dinh dưỡng giúp các tế bào hoạt động tốt, bảo vệ não và tim, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, cải thiện tâm trạng, hỗ trợ chức năng thần kinh, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Hai trong số các vitamin B thiết yếu nhất là vitamin B6 và B12.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, việc bổ sung vitamin B6 có thể giúp giảm trầm cảm và lo lắng. TS. David Field, Đại học Reading (Anh), tác giả nghiên cứu cho biết: Hoạt động của bộ não dựa trên sự cân bằng tinh tế giữa các tế bào thần kinh kích thích và các tế bào thần kinh ức chế. Vitamin B6 giúp cơ thể tạo ra một chất truyền tin hóa học cụ thể giúp ức chế các xung động trong não và nghiên cứu của chúng tôi liên kết tác dụng làm dịu này với việc giảm lo lắng ở những người tham gia.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin B6 bao gồm: gan bò, cá hồi, cá ngừ, ngũ cốc, gia cầm, rau có lá màu xanh đậm, một số trái cây như chuối, dưa đỏ, cam, đu đủ…

Vitamin B12 cũng có nhiều trong các sản phẩm như: thịt, gan, cá, sữa, phô mai, trứng, ngũ cốc…

Magie

Magie là dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bị bóng đè vì nó giúp cho dây thần kinh hoạt động bình thường và giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Bổ sung magie cũng giúp giảm stress và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nguồn thực phẩm giàu magie bao gồm: thịt, hải sản, các loại rau lá màu xanh đậm, đậu đỗ, các loại hạt , quả hạch, ngũ cốc nguyên hạt…

Tryptophan

Tryptophan là tiền chất của serotonin, một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hòa giấc ngủ và tâm trạng. Bổ sung tryptophan tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, ngăn ngừa mệt mỏi, trầm cảm, đau đầu, mất ngủ, cải thiện tâm trạng, giảm lo âu, giúp kiểm soát bóng đè hiệu quả.

Nguồn thực phẩm giàu tryptophan bao gồm: Trứng gà, cá, sữa, chuối, hạnh nhân, hạt điều, lạc, hạt bí ngô, hạt hướng dương, gạo lứt…

Carbohydrate phức tạp

Carbohydrate phức tạp là nguồn thực phẩm toàn phần có nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ, giúp duy trì ổn định lượng đường trong máu.

Người bị bóng đè nên chọn ăn rau, trái cây, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, diêm mạch, lúa mạch, yến mạch...), bánh mì nguyên cám… là nguồn carbs phức tạp tốt thay vì ăn bánh mì trắng, mì ống, bánh ngọt và các loại thực phẩm có đường khác. Những thực phẩm này là carbs đơn giản có thể làm tăng đột biến đường trong máu và có xu hướng làm giảm mức serotonin gây khó ngủ.

3. Thực phẩm cần hạn chế khi bị bóng đè

Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống và thói quen ngủ có thể là yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, chế độ ăn uống chỉ là một yếu tố tiềm ẩn và chứng tê liệt khi ngủ có thể xảy ra vì nhiều lý do. Duy trì vệ sinh giấc ngủ tốt, chẳng hạn như tuân thủ lịch trình ngủ đều đặn và tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ, cũng có thể giúp giảm nguy cơ.

Ngoài việc tăng cường thực phẩm có lợi cho giấc ngủ thì người bị bóng đè cũng lưu ý hạn chế một số loại thực phẩm có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây khó ngủ hoặc mất ngủ, những thực phẩm có thể làm tăng căng thẳng và lo âu hay thực phẩm gây đầy bụng, khó tiêu hóa…

Tránh thực phẩm chứa nhiều caffeine

Các chuyên gia sức khỏe của trường Y Harvard cho biết nên giảm lượng caffeine. Nếu không thể hoặc không muốn bỏ caffeine, hãy tránh dùng sau 2 giờ chiều.

Mặc dù caffeine có tác dụng cung cấp năng lượng và tỉnh táo nhưng sử dụng quá nhiều caffeine gây khó ngủ, mất ngủ, đặc biệt nếu sử dụng quá gần giờ đi ngủ. Các tác động này có thể ảnh hưởng nhiều hơn đối với người cao tuổi do chức năng thần kinh và tâm sinh lý kém dễ bị mất ngủ hơn người trẻ.

Đối với người trưởng thành không nên sử dụng quá 400 miligam mỗi ngày. Tránh dùng caffeine vào buổi chiều và buổi tối. Trong trường hợp bạn bị rối loạn giấc ngủ và bị bóng đè nên cân nhắc sử dụng hoặc không nên sử dụng caffeine nếu bạn nhận thấy nó có ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Caffeine có trong nhiều loại thức uống phổ biến như cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực, một số loại thực phẩm, thuốc...

Hạn chế đồ ăn giàu chất béo

Ăn quá nhiều chất béo có thể gây khó tiêu, ợ nóng và làm gián đoạn giấc ngủ. Hàm lượng chất béo bão hòa cao trong những món ăn giàu béo cũng góp phần gây trào ngược dạ dày thực quản , khiến bạn rất khó chịu dẫn đến mất ngủ.

Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường

Đường, nhất là đường bổ sung có thể gây tăng đường huyết đột ngột, sau đó giảm đột ngột, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và khó ngủ.

bong-de-4-17222519587971194256947-1722666279833-17226662800061190269287.jpg

Uống rượu làm tăng nguy cơ ngừng thở khi ngủ và bóng đè.

Tránh uống rượu

Theo BSCKI. Hoàng Thị Huyền, chuyên gia về Nội khoa, sau khi một người uống rượu, nó sẽ được hấp thụ vào máu từ dạ dày và ruột non và các enzyme trong gan cuối cùng sẽ chuyển hóa rượu. Nhưng vì đây là một quá trình diễn ra khá chậm, nên lượng cồn dư thừa sẽ tiếp tục lưu thông khắp cơ thể.

Khi men gan chuyển hóa chất cồn trong đêm và nồng độ cồn trong máu giảm dẫn đến khả năng bị gián đoạn giấc ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ.

Rượu có thể cản trở hô hấp, đặc biệt liên quan đến nguy cơ ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn. Sự gián đoạn giấc ngủ có tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, chức năng nhận thức và sự trao đổi chất của cơ thể. Đồng thời làm trầm trọng thêm hầu hết các rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là hoang tưởng và ảo giác… Do đó rượu thực sự nguy hại cho người bị bóng đè.

Chú ý, không ăn quá nhiều, hút thuốc, uống rượu hoặc caffeine ngay trước khi đi ngủ. Ăn ngay trước khi đi ngủ, đặc biệt là những bữa ăn thịnh soạn có thể khiến bạn trằn trọc và thức dậy nhiều lần trong đêm. Tốt nhất là ăn tối trước khi đi ngủ 3-5 giờ. Nếu gặp khó khăn trong việc đẩy lùi thời gian đi ngủ, nên ăn tối nhẹ với những thực phẩm dễ tiêu hóa.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022